Tiêu chuẩn ĐLCL
Thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong lĩnh vực quốc phòng (20/12/2024)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 19/12, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có buổi làm việc với Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng).

Tham dự buổi làm việc có TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban TCĐLCL Quốc gia; Đại tá Nguyễn Hoàng Ngọc Dũng – Phó Cục trưởng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng); Đại tá Lê Duy Quý – Phó Cục trưởng Cục TCĐLCL, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng); Đại tá Phạm Hoài Anh – Phó Cục trưởng Cục TCĐLCL, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng), cùng đại diện các đơn vị thuộc Ủy ban và Cục TCĐLCL.

Báo cáo về kế hoạch công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng năm 2025, Đại tá Phạm Hoài Anh – Phó Cục trưởng Cục TCĐLCL, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) cho biết, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, ngành tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng toàn quân luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của các cơ quan Nhà nước nên việc áp dụng quy định của các Luật, Nghị định, Thông tư trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đối với Quân đội có nhiều thuận lợi, hiệu quả.

TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban TCĐLCL Quốc gia.

Cùng với việc tuyên truyền và tổ chức thực hiện các Luật, Nghị định, Thông tư của Nhà nước, các Bộ, Ban, Ngành liên quan, căn cứ vào tình hình thực tế của Quân đội, CụcTCĐLCL, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong Bộ Quốc phòng; trong 02 năm 2023-2024, đã xây dựng, tham gia xây dựng, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các Thông tư, Quy định về quản lý Ngành.

Cũng theo Đại tá Phạm Hoài Anh, năm 2023-2024 ngành TCĐLCL quân đội đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và triển khai áp dụng tại các đơn vị làm căn cứ pháp lý cho việc quản lý, kiểm tra, đánh giá chất lượng, các tiêu chuẩn hiện có đã được áp dụng trong quá trình quản lý, sản xuất, sửa chữa, sử dụng, tăng hạn, cải tiến vũ khí trang bị, vật tư kỹ thuật, sản phẩm quốc phòng và công trình quốc phòng. Tổ chức phổ biến áp dụng TCVN, TCVN/QS, trực tiếp đến các đơn vị thuộc đối tượng áp dụng và các đơn vị có liên quan trong toàn quân, công bố danh mục trên tạp chí Quân sự Quốc phòng định kỳ 6 tháng; định kỳ hàng quý tổ chức in ấn và cấp phát cho các đơn vị có nhu cầu. Hoàn thành xây dựng Tiêu chuẩn TCVN/QS 2250:2023, Cơ sở giám định chất lượng yêu cầu chung về năng lực; Quy định số 623/QyĐ-TM ngày 29/02/2024 về hoạt động công nhận năng lực kiểm định, hiệu chuẩn và thử nghiệm đối với cơ sở ĐL-CL và Quy định số 624/QyĐ-TM ngày 29/02/2024 về hoạt động công nhận năng lực giám định chất lượng hàng quốc phòng đôi với cơ sở giám định chất lượng.

Ban hành 69 Thông tư ban hành tiêu chuẩn TCVN/QS; tham gia góp ý 120 dự thảo văn bản QPPL, văn bản hành chính quân sự. Hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị đăng ký Kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia năm 2024; tổng hợp báo cáo đưa vào chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2024 của BQP. Tổng hợp đăng ký xây dựng tiêu chuẩn quốc gia của Bộ Quốc phòng gửi Bộ Khoa học và công nghệ.

Về công tác xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến HTQLCL từng bước đi vào nền nếp, chất lượng, tiến độ giải quyết công việc được nâng lên, phương pháp, tác phong khoa học, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng.

Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã triển khai áp dụng HTQLCL tại 458 cơ quan, đơn vị; áp dụng lần đầu tại 172 Ban Chi huy Quân sự cấp huyện và tương đương. Bộ Quốc phòng đã ban hành 10 kế hoạch giai đoạn 2024-2028 (KH số 1815/KH-BQP ngày 01/6/2024), 02 kế hoạch năm 2023, năm 2024 (KH số 4408/KH-BQP ngày 16/12/2022, KH số 12/KH-BQP ngày 02/01/2024) về việc áp dụng HTQLCL vào các hoạt động liên quan giải quyết thủ tục hành chính trong Bộ Quốc phòng.

Về kết quả hoạt động đánh giá sự phù hợp, đã đánh giá chứng nhận, duy trì, hướng dẫn xây dựng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 tại 37 cơ sở sản xuất, sửa chữa hàng quốc phòng của các đầu mối toàn quân.

Tổ chức đánh giá công nhận và bổ sung năng lực 5 cơ sở đo lường chất lượng; đánh giá giám sát 1 cơ sở đo lường chất lượng. Theo dõi hướng dẫn Trung tâm TCĐLCL 2, Trung tâm TCĐLCL 3 của Cục thực hiện đánh giá giám sát 14 cơ sở đo lường chất lượng.

Chứng nhận 18 sản phẩm quốc phòng hợp chuẩn, bao gồm các chủng loại trang bị kỹ thuật và sản phẩm hậu cần do các đơn vị trong Quân đội sản xuất; Giám định chất lượng hàng quốc phòng trên 260 đợt (38.980 trang thiết bị vật tư và phần mềm) của các đơn vị trong toàn quân.

Đại tá Nguyễn Hoàng Ngọc Dũng – Phó Cục trưởng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) phát biểu tại buổi làm việc.

Đến nay, Bộ Quốc phòng đã công nhận năng lực kiểm định/hiệu chuẩn/thử nghiệm cho 154 cơ sở ĐL-CL (theo TCVN/QS 877:2014); công nhận năng lực giám định chất lượng hàng quốc phòng cho 04 cơ sở giám định chất lượng (theo TCVN/QS 1474:2011). Các cơ sở này được biên chế ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, có trách nhiệm giám định chất lượng, kiểm tra, thử nghiệm tính năng chiến – kỹ thuật của các loại vũ khí trang bị sản phẩm, hàng quốc phòng sử dụng trong Quân đội. Thường xuyên kiêm tra các cơ sở được chỉ định đánh giá sự phu hợp thông qua các hoạt động đánh giá công nhận cơ sở ĐL-CL; giám sát thực tế trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Qua kiểm tra, giám sát các tổ chức đánh giá sự phù hợp đều thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.

Về đo lường, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý ngành trong công tác đo lường. Duy trì nghiêm pháp chế đo lường, quản lý và tổ chức thực hiện tốt công tác bảo đảm liên kết chuẩn đo lường cho trang bị Đo lường - Thử nghiệm (ĐL-TN) trong toàn quân, chấp hành đúng quy định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường theo phân cấp tại các cơ sở ĐL-CL…

Trong năm 2025, yêu cầu nhiệm vụ đối với công tác TCĐLCL trong quân đội phải từng bước theo kịp trình độ phát triển hiện đại của vũ khí trang bị, giúp người chỉ huy các cấp quản lý chắc tình trạng, chất lượng vũ khí trang bị, sản phẩm hàng hóa quốc phòng trong mọi trạng thái.

Cục TCĐLCL, Bộ Tổng tham mưu triển khai nhiệm vụ có những thuận lợi cơ bản, luôn nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn của Thủ trưởng và các cơ quan Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, sự phối hợp công tác hiệu quả của ngành TCĐLCL quân đội với Ủy ban TCĐLCL Quốc gia.

Tuy nhiên, cũng còn những khó khăn như: Năng lực trang bị của các cơ sở đo lường-chất lượng ở cả ba cấp chưa được đầu tư đúng mức (cả về số lượng và trình độ công nghệ) để đảm bảo khả năng kiểm tra, đánh giá chất lượng vũ khí thiết bị kỹ thuật (VKTBKT) thế hệ mới được mua sắm và đưa vào biên chế trang bị của các đơn vị; việc đào tạo, xây dựng các chuyên gia đầu ngành TCĐLCL còn khó khăn.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban TCĐLCL Quốc gia và Cục TCĐLCL, Bộ Tổng tham mưu, Quyền Chủ tịch Ủy ban TCĐLCLQG Hà Minh Hiệp nhấn mạnh, thời gian tới, hai bên tiếp tục đồng hành thúc đẩy hoạt động TCĐLCL đi vào chiều sâu. Đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng tiêu chuẩn và các hoạt động liên quan đến hợp tác quốc tế, phối hợp trong công tác kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Chia sẻ tại buổi làm việc, Đại tá Nguyễn Hoàng Ngọc Dũng nhấn mạnh, phát huy kết quả hợp tác trong những năm qua, Cục TCĐLCL, Bộ Tổng tham mưu mong muốn Ủy ban TCĐLCL Quốc gia tiếp tục quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện để Cục thực hiện tốt chức năng tham mưu quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 100

Về trang trước Về đầu trang