Trước đó, các nhà khoa học Anh và Hoa Kỳ đã tạo ra những mảng biểu bì - lớp trên cùng của da, rộng 1cm từ các tế bào gốc. Các mảng da nhân tạo này sở hữu cùng những đặc tính như da tự nhiên. Lớp biểu bì hình thành một hàng rào bảo vệ giữa cơ thể sinh vật với môi trường bên ngoài, giúp ngăn cản sự thoát nước trong khi vẫn chống được sự xâm nhập của vi sinh vật và các chất độc hại. Trước đây, các kỹ sư mô sinh học vẫn không thể tạo ra được lớp biểu bì với chức năng tương tự phục vụ việc thử nghiệm dược, mỹ phẩm. Trong nghiên cứu, các chuyên gia Anh và Hoa Kỳ đã tạo ra những tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPS), bằng cách thay đổi những đặc tính di truyền của tế bào nguyên bào sợi trong mô liên kết trưởng thành. Các tế bào iPS này sở hữu cùng đặc tính như các tế bào gốc phôi thai, bao gồm cả khả năng phát triển thành bất kỳ loại mô nào trong cơ thể. Một quá trình tuần tự trong phòng thí nghiệm đã biến đổi các tế bào iPS thành các keratinocyte - loại tế bào chiếm ưu thế ở lớp ngoài cùng của da và sau đó là các mảng da thực sự. Nhóm nghiên cứu gọi đây là bản sao biểu bì 3D của họ. Kết quả kiểm tra cho thấy, không có khác biệt nào về cấu trúc hay chức năng giữa da nhân tạo với da thật của người.