Tin KHCN trong nước
Tỷ phú Jensen Huang tiết lộ lý do chọn Việt Nam làm ‘ngôi nhà thứ 2’ của NVIDIA (09/12/2024)
-   +   A-   A+   In  

Tỷ phú Jensen Huang, Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA đánh giá Việt Nam sở hữu rất nhiều lợi thế, trong đó “siêu năng lực” lớn nhất chính là giá trị gia đình và sự coi trọng giáo dục. Người Việt Nam có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực STEM, đặc biệt là Toán học và Khoa học. Điều này giúp Việt Nam trở thành nhà cung cấp kỹ sư phần mềm lớn thứ hai thế giới.

Tỷ phú Jensen Huang tiết lộ lý do chọn Việt Nam làm ‘ngôi nhà thứ 2’ của NVIDIA- Ảnh 1.

CEO NVIDIA Jensen Huang là đồng chủ nhân của Giải thưởng Chính VinFuture 2024

Ông Jensen Huang, CEO của NVIDIA - tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, vừa được trao Giải thưởng Chính VinFuture 2024 vì những đóng góp đột phá trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu và tiên phong phát triển các nền tảng điện toán tăng tốc, mở ra kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đại.

Sau lễ trao giải, ông Jensen Huang đã có những chia sẻ với Quỹ VinFuture về giải thưởng, tầm nhìn đối với Việt Nam cũng như quan điểm về AI.

"Tôi thực sự rất cảm động! Việt Nam đã khởi xướng được một giải thưởng ý nghĩa, tầm vóc như giải Nobel nhằm tôn vinh các thành tựu khoa học đột phá và kết nối với các nhà khoa học toàn cầu. VinFuture cũng quy tụ được Hội đồng Giải thưởng là các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Bởi vậy, được đề cử và trao giải VinFuture là một vinh dự lớn đối với tôi", ông Jensen Huang bày tỏ.

Việt Nam là nơi lý tưởng để NVIDIA xây dựng một hệ sinh thái AI mạnh mẽ

Trả lời về lý do chọn Việt Nam làm "ngôi nhà thứ 2" của NVIDIA thông qua việc hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam, ông Jensen Huang đánh giá, Việt Nam sở hữu rất nhiều lợi thế, trong đó "siêu năng lực" lớn nhất chính là giá trị gia đình và sự coi trọng giáo dục.

Người Việt Nam có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực STEM, đặc biệt là Toán học và Khoa học. Điều này giúp Việt Nam trở thành nhà cung cấp kỹ sư phần mềm lớn thứ hai thế giới – một thực tế mà rất ít người biết đến.

"Với tiềm năng này, chúng tôi tin rằng Việt Nam là nơi lý tưởng để NVIDIA phát triển các trung tâm R&D và xây dựng một hệ sinh thái AI mạnh mẽ tại đây", vị tỷ phú nhấn mạnh.

Từ mối hợp tác này, NVIDIA mong muốn thu hút những kỹ sư phần mềm, nhà nghiên cứu và kỹ sư AI xuất sắc của Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy một hệ sinh thái AI hoàn chỉnh với ba yếu tố cốt lõi: Cơ sở hạ tầng AI tiên tiến, các chương trình đào tạo AI mạnh mẽ tại các trường đại học và sự phát triển của các start-up AI.

"Khi 3 yếu tố này được xây dựng đầy đủ, "bánh đà" của đổi mới sáng tạo sẽ quay mạnh mẽ, mang lại giá trị to lớn không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực", CEO NVIDIA nhấn mạnh.

Tỷ phú Jensen Huang tiết lộ lý do chọn Việt Nam làm ‘ngôi nhà thứ 2’ của NVIDIA- Ảnh 2.

TS. Lê Thái Hà, Giám đốc Điều hành Quỹ VinFuture, chào đón ông Jensen Huang, Nhà sáng lập kiêm CEO của NVIDIA - Ảnh: VinFuture

'AI không lấy đi công việc của bạn, nhưng một người khác biết cách tận dụng AI thì có thể làm điều đó'

Trước những lo ngại rằng AI có thể lấy đi công việc của con người và đe dọa tương lai nhân loại, CEO NVIDIA cho rằng, AI thực sự mang lại sức mạnh vượt trội, nhưng nó không thay thế con người hoàn toàn. 

AI có thể đảm nhiệm khoảng 80% tác vụ trong một công việc, nhưng không phải là toàn bộ. Lý do rất đơn giản: có những yếu tố mà AI không bao giờ có được, như sự đồng cảm, lòng tốt hay khát vọng - những điều cốt lõi tạo nên giá trị của con người.

Vì vậy, thay vì lo ngại AI sẽ "cướp" mất công việc của mình, chúng ta nên tập trung học cách sử dụng AI để tăng năng suất lao động. 

"Một thực tế là: AI không lấy đi công việc của bạn, nhưng một người khác biết cách tận dụng AI thì có thể làm điều đó", ông Jensen Huang cho hay.

Nói về việc hạn chế rủi ro tiềm ẩn từ AI, ông Jensen Huang lấy một ví dụ về ngành sản xuất ô tô khi những chiếc xe được chế tạo ngày nay an toàn hơn nhiều so với những chiếc xe cách đây 50 năm, 100 năm. 

"Lý do là bởi công nghệ tốt hơn. Vì vậy, nếu muốn AI an toàn, điều đầu tiên nên làm là xây dựng công nghệ tốt hơn. Và các nhà nghiên cứu AI trên toàn thế giới đang làm việc hăng say để cải thiện độ chính xác, khả năng lý luận, sự liên kết của AI với các giá trị cốt lõi của con người", ông Jensen Huang lý giải.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đảm bảo rằng AI chỉ làm đúng những công việc mà nó được thiết kế và không được sử dụng sai mục đích. Ví dụ, một AI được thiết kế để phát triển chip không nên được dùng cho việc kế toán hay marketing. Hệ sinh thái AI trong tương lai cần có nhiều công cụ giám sát, nơi một AI được bao quanh bởi các AI khác để đảm bảo thực hiện đúng nhiệm vụ.

Chia sẻ quan điểm về mối liên hệ giữa nhà khoa học và một doanh nhân thành công, CEO NVIDIA cho rằng, cốt lõi của nhà khoa học và doanh nhân – chính là khả năng suy luận dựa trên các nguyên lý cơ bản, cùng với tinh thần học hỏi không ngừng. Khoa học và kinh doanh có nhiều điểm chung, chẳng hạn như đều yêu cầu thử nghiệm, cải tiến và đổi mới liên tục.

"Điều quan trọng nhất không phải là học một lĩnh vực cụ thể, mà là học cách học. Tinh thần học tập suốt đời chính là chìa khóa giúp tôi đạt được thành công như ngày hôm nay", ông Jensen Huang chia sẻ.

Theo vị tỷ phú, không có gì đảm bảo rằng mọi ý tưởng khoa học đều có thể thương mại hóa thành công. Tuy nhiên, cốt lõi của mọi thành công chính là khả năng thấu hiểu nhu cầu của người khác.

"Nếu bạn có thể đồng cảm với nhu cầu của cộng đồng, bạn sẽ tạo ra những sản phẩm và giải pháp được đón nhận. Trong kinh doanh, cũng như trong khoa học, tất cả đều bắt nguồn từ tinh thần yêu thương và phụng sự", CEO NVIDIA nói.

Ngày 6/12/2024 tại Hà Nội, Quỹ VinFuture công bố 4 công trình khoa học xuất sắc được vinh danh năm 2024. Trong đó, Giải thưởng Chính VinFuture 2024 trị giá 3 triệu USD đã được trao cho 5 nhà khoa học, gồm GS. Yoshua Bengio (Đại học Montreal, Canada), GS. Geoffrey E. Hinton (Viện Vector, Canada), ông Jensen Huang (Nhà sáng lập và CEO Tập đoàn NVIDIA, Mỹ), GS. Yann LeCun (Tập đoàn Meta và Đại học New York, Mỹ), và GS. Fei-Fei Li (Đại học Stanford, Mỹ) vì những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu.

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 923

Về trang trước Về đầu trang