Tin KHCN trong nước
Đồng hành cùng doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam vươn xa (06/12/2024)
-   +   A-   A+   In  

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, việc bảo vệ người dùng trước thực trạng lừa đảo trực tuyến và thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra thế giới đã trở thành ưu tiên hàng đầu.

Vai trò của doanh nghiệp Make in Vietnam

Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tình trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng đang trở thành mối lo ngại hàng đầu cho người dùng và doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi các tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp cần tập trung nhiều hơn vào giải pháp bảo vệ người dùng.

Thực tế cho thấy, nhiều người dùng hiện nay chưa có nhận thức đầy đủ về việc bảo vệ thông tin cá nhân. Sự thiếu hiểu biết và chủ quan này tạo ra “mảnh đất màu mỡ” để các đối tượng xấu lợi dụng. Trong bối cảnh lừa đảo trực tuyến gia tăng, doanh nghiệp Make in Vietnam đã và đang nắm giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp bảo vệ người dùng.

Theo ông Trần Quang Hưng - Quyền Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thức và tuyên truyền là chìa khóa để giải quyết bài toán này. Ông nhấn mạnh rằng cần thực hiện các chiến dịch truyền thông hướng đến từng nhóm đối tượng cụ thể nhằm nâng cao kỹ năng an toàn mạng.

Từ phía các doanh nghiệp, câu chuyện đảm bảo an toàn thông tin, nâng cao giải pháp bảo vệ người dân trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến luôn được đặt lên hàng đầu. Công ty Verichains đã chỉ ra chi tiết các cách thức tấn công lừa đảo trực tuyến của tội phạm mạng cũng như các nguy cơ chiếm đoạt tài sản và tiền của người dùng thông qua tấn công ứng dụng ngân hàng di động. Đây là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, cần phải đẩy mạnh các giải pháp mang tính hiệu quả và đột phá.

Bảo vệ người dùng trong kỷ nguyên số là của doanh nghiệp công nghệ Việt.

Song song với các giải pháp truyền thống, nhiều doanh nghiệp cũng nghiên cứu và áp dụng các giải pháp mới để đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc bảo vệ khách hàng. Đại diện Công ty An ninh mạng Viettel khẳng định, bên cạnh những thách thức thời cuộc khi các đối tượng xấu lợi dụng lỗ hổng và sự tiện lợi của công nghệ cũng tạo ra cho tổ chức, doanh nghiệp nhiều cơ hội như nghiên cứu và áp dụng các công nghệ xử lý dữ liệu lớn và AI để phát hiện các hoạt động lừa đảo; Hợp tác giữa các tổ chức và cơ quan thực thi pháp luật; Triển khai các giải pháp an toàn số tiên tiến để cung cấp cho khách hàng nhằm phòng, chống các hành vi lừa đảo.

Đại diện từ Ngân hàng Nam Á cho biết, các ngân hàng đã triển khai các biện pháp bảo mật như xác thực đa yếu tố, kiểm soát giao dịch bất thường, và không ngừng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho khách hàng. Đây chính là sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý để bảo vệ người dùng trên không gian số.

Đưa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra thế giới

Không chỉ tập trung giải quyết các vấn đề nội địa, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang mở rộng tầm ảnh hưởng trên thị trường quốc tế. Tại Hội nghị "Đưa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra thế giới" diễn ra vào ngày 17/10/2024 tại Hà Nội, đã đặt nền móng cho việc khai phá tiềm năng phát triển của các sản phẩm, dịch vụ Make in Vietnam.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin năm 2023 đạt 170 tỷ USD, tăng đáng kể so với năm 2022. Hiện cả nước có hơn 51.000 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó 1.500 doanh nghiệp đã có doanh thu từ thị trường nước ngoài. Những con số này minh chứng cho sự vươn mình mạnh mẽ của ngành công nghệ Việt Nam.

Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ số. Với lực lượng lao động trẻ, chi phí cạnh tranh và sự hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Qualcomm, Bosch, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng được cải thiện, tạo đà để chinh phục thị trường quốc tế.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã không ngừng xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số. Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số được kỳ vọng sẽ trở thành động lực phát triển ngành công nghệ, giúp Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.

Cùng với đó, Hiệp định Kinh tế Kỹ thuật số ASEAN (DEFA) sẽ là “cú hích” quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường khu vực. Các giải pháp hỗ trợ như đơn giản hóa giao dịch kỹ thuật số, thúc đẩy hợp tác và bảo vệ dữ liệu xuyên quốc gia hứa hẹn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Thế Dương - Phó Tổng giám đốc Viettel Global nhấn mạnh, để “chiến binh” công nghệ Việt Nam thực sự bơi ra biển lớn, doanh nghiệp cần trang bị chiến lược toàn diện. Điều này bao gồm nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường, đổi mới sáng tạo, đầu tư mạnh vào R&D, xây dựng thương hiệu toàn cầu và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cùng với đó, việc hợp tác chiến lược, tuân thủ pháp luật quốc tế và nước sở tại, cũng như thích ứng linh hoạt với văn hóa đa dạng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Trong tương lai, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý sẽ là nền tảng quan trọng để bảo vệ người dùng trước các thách thức từ không gian mạng, đồng thời tạo tiền đề để công nghệ Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 630

Về trang trước Về đầu trang