Tin KHCN trong nước
Tọa đàm khoa học “ Nghiên cứu so sánh đổi mới công nghệ ở một số ngành công nghiệp của Việt Nam” (27/07/2015)
-   +   A-   A+   In  

Trong những ngày cuối tháng 07/2015 tại Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN đã tổ chức tọa đàm nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu so sánh đổi mới công nghệ ở một số ngành công nghiệp của Việt Nam”. Buổi tọa đàm tập trung vào nhận dạng đổi mới trong bối cảnh Việt Nam hiện nay bao gồm xây dựng các tiêu chí nhận dạng về đổi mới, xác định tính chất, đặc thù của đổi mới, phân loại đổi mới trong các ngành tạo tiền đề cho việc hình thành chính sách đổi mới ở Việt Nam.

Nhóm tác giả đã lựa chọn một số ngành công nghiệp của Việt Nam để tiến hành nghiên cứu, gồm hóa chất, cao su và sản phẩm nhựa, chế biến thực phẩm. Theo nhóm nghiên cứu, đây là một số ngành có nhiều đổi mới không chỉ về công nghệ, mà còn phát sinh từ thực tiễn của đời sống, được ươm mầm trong những tương tác kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam.

 

TS. Nguyễn Hà Thị Quỳnh Trang và nhóm nghiên cứu trình bày trong buổi tọa đàm.

 

Trong cùng một ngành, việc nhận dạng đổi mới công nghệ và phân loại chúng cũng đã rất phức tạp. Trong các ngành khác nhau, ở các quốc gia khác nhau với môi trường, bối cảnh hoạt động khác nhau, nguồn gốc, tác nhân và thể chế ảnh hưởng đến hoạt động đổi mới cũng khác nhau thì việc nhận dạng đổi mới nói chung và đổi mới công nghệ ngành nói riêng lại càng phức tạp. Từ thực tiễn này, nhóm nghiên cứu cho rằng hoạt động đổi mới bao gồm cả đổi mới công nghệ ngành ở các quốc gia đang phát triển mang những đặc trưng riêng, khác với các quốc gia phát triển và cần có các tiêu chí phân loại riêng. Để phù hợp giữa mục tiêu nghiên cứu và tính khả thi trong tiến hành nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã sử dụng cách tiếp cận ngành đối với nghiên cứu này.

 

Ở Việt Nam hiện nay có nhiều đổi mới công nghệ xuất phát từ việc cải tiến kỹ thuật, thích nghi hóa những công nghệ đã có, là những thay đổi kỹ thuật nhỏ, nhằm khắc phục những vướng mắc về mặt kỹ thuật, công nghệ phát sinh từ thực tiễn sản xuất. Đổi mới loại này có thể đi kèm theo những việc bổ sung một vài thiết bị nhỏ hoặc hoàn toàn chỉ dựa trên những thiết bị đã có. Thậm chí, trong điều kiện thông tin phổ biến như hiện nay, nhiều người dùng tự nghiên cứu cải tiến công nghệ để phù hợp với điều kiện sản xuất. Những hoạt động loại này góp phần tạo nên đặc trưng trong đổi mới công nghệ ở các quốc gia đang phát triển, khác với các quốc gia phát triển. Loại hình đổi mới này được nhóm nghiên cứu gọi là “đổi mới từ người dùng”.

 

Buổi tọa đàm khoa học về một chủ đề do một nhóm các nhà nghiên cứu trong Viện theo đuổi và thực hiện đã thu hút sự quan tâm của các cán bộ nghiên cứu trong Viện, góp phần tạo nên không khí trao đổi học thuật, cung cấp các ý tưởng và thiết kế chính sách KH&CN của Việt Nam./.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 8040

Về trang trước Về đầu trang