Tin KHCN trong nước
Thúc đẩy phát triển kinh tế số bền vững (19/11/2024)
-   +   A-   A+   In  

Nền kinh tế số phát triển nhanh chóng đi kèm với những thách thức về bất bình đẳng, rủi ro về an ninh mạng, xu hướng việc làm và môi trường.

Thúc đẩy phát triển kinh tế số bền vững- Ảnh 1.

PGS. TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/HG

Ngày 19/11, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng (IRSD), thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) và Viện Công nghệ vì Cộng đồng (TFGI) (Singapore) đồng tổ chức Hội thảo "Từ công nghệ cho tăng trưởng tới công nghệ vì cộng đồng: Sẵn sàng tham gia hiệu quả vào kinh tế số".

Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia trong nước và quốc tế, một số cơ quan quản lý và doanh nghiệp chia sẻ những xu hướng phát triển của công nghệ và kinh tế số, đồng thời trao đổi về những thách thức và đề xuất để không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo ra các giá trị bền vững, bao trùm cho cộng đồng trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, những năm gần đây, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là Internet, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và công nghệ chuỗi khối, thế giới đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ của nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số.

Theo tính toán, nền kinh tế số đang chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu; dự đoán đến năm 2030, tỉ lệ này sẽ là 30%. Tại Việt Nam, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 52-NQ/TW đã xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia và đề ra mục tiêu vào năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% GDP và tăng lên 30% vào năm 2030.

PGS.TS. Tạ Minh Tuấn cho rằng, kinh tế số đem đến những thay đổi toàn diện và sâu sắc trong từng lĩnh vực của cuộc sống, thay đổi đối với tất cả các chủ thể trong xã hội. Do đó, tất cả các bên liên quan đều cần thay đổi, điều chỉnh phù hợp nhằm tận dụng, thúc đẩy và tham gia hiệu quả nhất vào nền kinh tế số, giảm thiểu các vấn đề tiêu cực hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Keith Detros, Quản lý chương trình Viện TFGI nhận định công nghệ số và các mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ được kỳ vọng là công cụ để thúc đẩy tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á khi kinh tế số chiếm hơn 10% trong tổng cơ cấu GDP tại 4 quốc gia trên 6 quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Nền kinh tế số tại Việt Nam đóng góp 14,26% tổng GDP, cao nhất trong 6 quốc gia. 

Tuy nhiên, nền kinh tế số phát triển nhanh chóng đi kèm với những thách thức về bất bình đẳng, rủi ro về an ninh mạng, xu hướng việc làm và môi trường. 54% doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế số tham gia khảo sát ở Việt Nam có mong muốn giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững nhưng mức độ triển khai và mức độ thực sự hành động còn thấp, lần lượt ở mức 31% và 4%.

Theo ông Keith Detros, để kinh tế số là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và công bằng, thì sự phối hợp chặt chẽ, chung tay giữa chính phủ, doanh nghiệp và các bên tham gia kinh tế số là vô cùng cần thiết trong các lĩnh vực đổi mới công nghệ, mô hình kinh doanh và chính sách, cũng như xây dựng xã hội số vững mạnh với hạ tầng số, kỹ năng số và nguồn nhân lực số chất lượng.

Do đó, các chính sách cần được xây dựng kịp thời, thống nhất, tránh chồng chéo để tiếp tục tạo môi trường khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp và tham gia vào nền kinh tế số, hướng đến mục tiêu phát triển cộng đồng doanh nghiệp số và giải quyết những thách thức mới của nền kinh tế số.

Thúc đẩy phát triển kinh tế số bền vững- Ảnh 2.

Hội thảo "Từ công nghệ cho tăng trưởng tới công nghệ vì cộng đồng: Sẵn sàng tham gia hiệu quả vào kinh tế số" - Ảnh: VGP/HG

Nhiều người dân Việt Nam tham gia vào nền kinh tế gig

Cũng tại Hội thảo, báo cáo "Nền kinh tế gig với trường hợp của xe công nghệ ở Việt Nam" của Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng (IRSD) cho thấy, người dân Việt Nam tham gia nền kinh tế gig (hay còn gọi là kinh tế hợp đồng/kinh tế tự do) đang gia tăng.

Báo cáo dẫn tính toán của Ngân hàng Thế giới cho thấy năm 2023, ước tính có khoảng 435 triệu người tham gia vào nền kinh tế gig, chiếm 12% thị trường lao động toàn cầu và tỉ lệ này ở Việt Nam là 14% và được dự báo là sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Kinh tế gig gồm nhiều loại công việc ở các trình độ khác nhau như lau dọn, văn phòng, lập trình CNTT, hoạt động nghệ thuật hay tư vấn. Ở Việt Nam, lái xe công nghệ là một trong những công việc phổ biến nhất được biết đến của kinh tế gig.

Theo khảo sát của Viện IRSD, có 3 yếu tố khiến một người quyết định lựa chọn trở thành lái xe công nghệ hay đối tác tài xế của các nền tảng gọi xe công nghệ như: Grab, Be, GoJek, đó là thu nhập, tính linh hoạt về thời gian và sự phát triển bền vững.

Phần lớn những lái xe tham gia nghiên cứu xác định lái xe công nghệ là công việc chính và muốn gắn bó lâu dài trong tương lai, điều này đặt ra những vấn đề để thúc đẩy phát triển kinh tế số bền vững, hài hoà được trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp và cá nhân tham gia kinh tế số.

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 627

Về trang trước Về đầu trang