Tin KHCN trong nước
Giới thiệu phương pháp tính toán tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị (14/07/2015)
-   +   A-   A+   In  
Theo các chuyên gia tính toán tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị là một nhiệm vụ cấp thiết nhưng cũng đầy thách thức vì hệ thống chỉ tiêu thống kê, điều tra về đổi mới công nghệ ở nước ta còn tương đối mới, chưa được triển khai thường xuyên và đồng bộ.

Tại Hội thảo “Giới thiệu phương pháp tính toán tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2011 - 2015” do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ tổ chức mới đây, các báo cáo tham luận được trình bày tập trung vào xây dựng chỉ số đánh giá việc thực hiện mục tiêu Chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020, giới thiệu phương pháp tính toán tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và khả năng thu thập số liệu phục vụ tính toán chỉ số này.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý thuộc các cơ quan đơn vị trong và ngoài Bộ, từ Trung ương đến địa phương đã tập trung thảo luận, trao đổi, góp ý về các chỉ số, chỉ tiêu và phương pháp tính toán tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2011-2015; kế hoạch triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020; phương án điều tra, khảo sát quy mô quốc gia nhằm phục vụ việc tính toán đảm bảo độ chính xác, tin cậy và tính khả thi để có khả năng so sánh với quốc tế cũng như điều kiện thực tế của Việt Nam cũng như của từng địa phương.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Trần Văn Tùng

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại hội thảo

Chủ trì và phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, trong quá trình phát triển, các quốc gia đều nhận thức tầm quan trọng đối với việc đổi mới công nghệ. Đổi mới công nghệ có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Đổi mới công nghệ trong mỗi lĩnh vực, các ngành kinh tế trở thành yếu tố then chốt duy trì sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đổi mới công nghệ giúp doanh nghiệp cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, trình độ quản lý, củng cố, duy trì và mở rộng thị phần của sản phẩm; đa dạng hoá mẫu mã sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu; cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức độ an toàn sản xuất cho người lao động và thiết bị, giảm tác động xấu đến xã hội, môi trường. Đặc biệt, nhờ đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm được nâng lên đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ tạo được ưu thế bền vững trên thị trường góp phần vào phát triển của ngành, địa phương và quốc gia.

"Đối với các nhà quản lý, việc đo lường được mức độ đổi mới công nghệ hay tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của một quốc gia, ngành hay địa phương, doanh nghiệp sẽ cho biết cần phải điều chỉnh hoặc tác động về chính sách vĩ mô hay định hướng đầu tư vào nội dung, lĩnh vực, chỉ tiêu nào nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội", Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã xác định mục tiêu bảo đảm đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2011-2015 đạt 10-15% và giai đoạn 2016-2020 đạt 20%.

Chỉ tiêu thống kê, điều tra về đổi mới công nghệ ở nước ta còn tương đối mới, chưa được triển khai thường xuyên và đồng bộ

Để thực hiện, Bộ KH&CN đã giao cho Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ nghiên cứu, xây dựng phương án tính toán tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị phù hợp với nhu cầu của Việt Nam. Đây là nhiệm vụ cấp thiết nhưng cũng đầy thách thức vì hệ thống chỉ tiêu thống kê, điều tra về đổi mới công nghệ ở nước ta còn tương đối mới, chưa được triển khai thường xuyên và đồng bộ.

Theo PGS.TS. Tăng Văn Khiên, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học thống kê Việt Nam, nêu ý kiến cần phải xem xét trọng số của từng chỉ tiêu thay vì đánh giá các thành phần trong mỗi chỉ tiêu như nhau.

Còn đại diện của Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, nên cân nhắc số liệu nhập khẩu thiết bị công nghệ cũ trong chỉ tiêu tỷ lệ % chi nhập khẩu máy móc, thiết bị so với GDP.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, trước mắt, việc đánh giá tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị sẽ căn cứ vào 13 chỉ tiêu mà Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã xây dựng. Tuy nhiên, cần lưu ý những ý kiến thảo luận liên quan đến việc loại bỏ những số liệu ảnh hưởng đến khả năng đánh giá chính xác tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị (như số liệu nhập khẩu công nghệ thấp, công nghệ cũ). 

Bảng chỉ tiêu tính toán tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ KH&CN xây dựng

Chỉ tiêu đầu vào:

1.Tỷ lệ % kinh phí dành cho KH&CN từ ngân sách nhà nước so với GDP

2. Số lượng nhân lực Nghiên cứu và phát triển (tính theo đầu người/10.000 dân)

3. Tỷ lệ % số lượng nhân lực có trình độ ĐH, trên ĐH có với tổng số nhân lực của doanh nghiệp

4. Số lượng ấn phẩm KH&CN công bố quốc tế/1 triệu dân

5. Tổng số lượng đơn đăng kí sở hữu đối tượng quyền sở hữu công nghệ so với GDP (1.000 tỷ VND)

6. Tỷ lệ % tổng chi cho Nghiên cứu và phát triển và đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp so với GDP

Chỉ tiêu đầu ra:

7. Số lượng văn bằng bảo hộ đối tượng quyền sở hữu công nghệ được cấp so với GDP (1.000 tỷ VND)

8. Tỷ lệ % chi nhập khẩu máy móc, thiết bị so với GDP

9. Tỷ lệ % của đối tượng quyền sở hữu công nghệ được chuyển giao so với tổng số đối tượng quyền sở hữu công nghệ được cấp.

10. Tỷ lệ % của chi phí cho việc mua công nghệ, thiết bị trong khu vực doanh nghiệp so với GDP.

11. Tỷ lệ % số lượng doanh nghiệp được chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng so với tổng số doanh nghiệp.

12. Tỷ lệ % giá trị các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ trung bình so với tổng giá trị xuất khẩu.

13. Tỷ lệ % giá trị máy móc, thiết bị xuất khẩu so với tổng giá trị xuất khẩu.

 

 

Nguồn: Vietq.vn

Số lượt đọc: 9342

Về trang trước Về đầu trang