Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Chiều 8-10, trong khuôn khổ phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo luật cũng đề xuất chính sách khả thi nhằm quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đặc biệt cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số; tạo cơ chế ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số, trong đó có một số đặc biệt ưu đãi đầu tư; và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt…
Các đại biểu dự họp
Đặc biệt, Bộ trưởng TT-TT đề xuất bổ sung nội dung về tài sản số, AI và điều chỉnh nội dung “vi mạch bán dẫn” thành “bán dẫn”. Cụ thể, dự thảo quy định theo hướng, công nghiệp bán dẫn là một phân ngành quan trọng của công nghiệp công nghệ số, tương đối hoàn chỉnh, mang tính vật lý cao, có quy mô đủ lớn.
Dự thảo luật cũng dành riêng chương 6 quy định về trí tuệ nhân tạo (AI) với định hướng đây là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất. Theo đó, AI phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc con người phải đảm bảo minh bạch và giải thích được, có trách nhiệm giải trình, công bằng và không phân biệt đối xử, tôn trọng các giá trị đạo đức và giúp con người, bảo vệ quyền riêng tư, tiếp cận bao trùm, an ninh và bảo mật, kiểm soát được, quản lý dựa trên rủi ro, đổi mới có trách nhiệm và khuyến khích hợp tác quốc tế.
Về “tài sản số”, dự thảo nêu rõ đây là “tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.
Qua thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, cơ quan thẩm tra tán thành định hướng thiết kế các chính sách và các quy phạm mới mang tính đột phá, vượt trội để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số.
Các đại biểu dự họp
Để dự án Luật có tính khả thi cao, bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần xác định rõ mối quan hệ giữa dự luật này và Luật CNTT hiện hành; đồng thời nghiên cứu và chỉnh lý theo hướng thay thế toàn bộ Luật CNTT bằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật này và tiếp tục bổ sung các quy định còn hiệu lực của Luật CNTT vào dự thảo này; hoặc sau khi luật này có hiệu lực, tiếp tục rà soát các quy định có hiệu lực còn lại của Luật CNTT để sớm xây dựng văn bản mới thay thế toàn bộ Luật CNTT.
Riêng về công nghiệp bán dẫn, cơ quan thẩm tra cho rằng cần có quy định phát triển công nghiệp bán dẫn trong Luật Công nghiệp công nghệ số theo hướng bổ sung những chính sách ưu đãi vượt trội, đặc thù hơn nữa so với quy định như dự thảo luật hiện nay; xem xét bổ sung một số quy định về chính sách, ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học; quy định về bảo đảm cung cấp cơ sở hạ tầng nhất là điện sạch, nước sạch.
“Đồng thời, Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung quy định tỷ lệ sử dụng sản phẩm bán dẫn do doanh nghiệp nội địa sản xuất đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; quy định rõ hơn trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cao, chuyển giao công nghệ, máy móc, thiết bị… theo lộ trình, phù hợp điều kiện thực tế”, ông Lê Quang Huy nhận định.
Về AI, theo ông Lê Quang Huy, một số ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo luật về cơ bản là hợp lý, song cần nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ AI đối với đời sống kinh tế - xã hội như nguyên tắc đạo đức; nghiên cứu, phát triển AI do Việt Nam sáng tạo; cho phép các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo được sử dụng nguồn dữ liệu từ các cơ quan nhà nước; quy định mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan nhà nước từ các giải pháp do doanh nghiệp trong nước làm chủ nhằm khuyến khích sử dụng và tạo thị trường.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 8 chương, 73 điều, dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 tới đây.