Tin KHCN trong nước
Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2024 (01/10/2024)
-   +   A-   A+   In  

Chiều ngày 01/10/2024, trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) địa phương năm 2024. 

Hội nghị nhằm thúc đẩy, tăng cường hiệu quả triển khai các hoạt động kết nối chuyển giao công nghệ và ĐMST ở các địa phương, nâng cao đóng góp của KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị là cơ hội để các Trung tâm giới thiệu, chia sẻ các kết quả nổi bật, mô hình thành công trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ cũng như chia sẻ những khó khăn vướng mắc và đề xuất các giải pháp để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại địa phương trong giai đoạn sắp tới.

 

Các đơn vị sự nghiệp có chức năng ứng dụng chuyển giao công nghệ thuộc Sở KH&CN các tỉnh/thành phố (Trung tâm) là đầu mối thực hiện hoạt động nghiên cứu ứng dụng, triển khai, chuyển giao công nghệ, dịch vụ KH&CN và ĐMST tại địa phương. Thời gian qua, hệ thống các Trung tâm này hoạt động khá hiệu quả, có vai trò quan trọng trong hoạt động tiếp nhận, đánh giá, lựa chọn, cầu nối và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo đặc thù của địa phương, phục vụ đời sống dân sinh, là đầu mối cung cấp thông tin phục vụ cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình định hướng, xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KH&CN. 

 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo cho biết, giai đoạn 2023 - 2024 các Trung tâm đã triển khai được 82 mô hình ứng dụng KH&CN với tổng kinh phí là 13 tỷ đồng, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như: công nghệ sinh học, xử lý môi trường, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ. Đối với hoạt động dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ, các Trung tâm đã thực hiện 252 hợp đồng (trong đó có 225 hợp đồng tư vấn, 27 hợp đồng chuyển giao công nghệ) với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng. Hệ thống các Trung tâm đã đưa gần 400 sản phẩm (sản phẩm bằng vật liệu nhựa composite, chế phẩm sinh học, sản phẩm từ nuôi trồng và chế biến nấm, giống cây trồng, …) từ kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường với tổng doanh thu 75 tỷ đồng cho giai đoạn 2023 - 2024. Các kết quả trên đã đóng góp tích cực trong việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Đồng thời, là cầu nối quan trọng tạo sự liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp để chuyển hoá các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh ở địa phương.

 

Các đại biểu báo cáo, chia sẻ tại Hội nghị

 

Ngoài một số kết quả đạt được trên, hiện các Trung tâm đang gặp một số khó khăn như: Vướng mắc trong khâu xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước, khiến nhiều sản phẩm KH&CN có chất lượng và giá trị kinh tế, thương mại, giá trị ứng dụng chưa được đưa vào thực tiễn;  Việc xây dựng và ban hành đầy đủ các định mức kinh tế - kỹ thuật thực hiện dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và giá, đơn giá tại địa phương quá phức tạp, ảnh hưởng đến việc giao nhiệm vụ, đặt hàng cho các Trung tâm để cung cấp, thực hiện dịch vụ sự nghiệp công; Trang thiết bị, máy móc lạc hậu, không đồng bộ; thiếu các máy móc, thiết bị cần thiết để thực hiện các nghiên cứu, phân tích, đánh giá chuyên sâu phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, tiếp nhận chuyển giao làm chủ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; Công tác đào tạo, tiếp nhận vận hành các trang thiết bị còn chưa được quan tâm và đầu tư dẫn đến một số trang thiết bị chưa được khai thác hiệu quả; Nguồn nhân sự thường xuyên biến động, thiếu sự kế thừa; kết quả nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự thúc đẩy mạnh mẽ có hiệu quả cao trong việc ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, nhất là hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp thực hiện ứng dụng và đổi mới công nghệ.

 

Hội nghị đã được nghe những kết quả nổi bật, mô hình hiệu quả trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại địa phương của Trung tâm Tiền Giang, Hà Tĩnh; các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động của các Trung tâm; một số giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn trước mắt cũng như lâu dài liên quan đến tổ chức, nguồn lực và hoạt động của các Trung tâm, đặc biệt là việc xác định các nhiệm vụ, định hướng lớn trong giai đoạn sắp tới để các Trung tâm thể hiện được vị thế và đóng góp tương xứng trong hệ thống ĐMST quốc gia nói chung, đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng.

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh đánh giá cao trách nhiệm của các địa phương trong việc hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và ĐMST tại các địa phương, cũng như ý kiến của các Trung tâm đưa ra tại Hội nghị. 

 

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh bản chất của ĐMST là đưa ứng dụng KH&CN vào cuộc sống, nên sứ mệnh, hoạt động chính của Trung tâm là nơi chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật vào địa phương. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp, là cánh tay của Sở KH&CN địa phương tiếp nhận khoa học kỹ thuật lan toả vào cuộc sống và thực tiễn KH&CN tại địa  phương. Nhưng do một số nguyên nhân khách quan, chủ quan, đặc biệt là về cơ chế tự chủ cũng như nhu cầu công nghệ địa phương nên có nơi Trung tâm làm tốt, có nơi Trung tâm còn gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề tự chủ, chuyển giao công nghệ…

 

Thứ trưởng đề nghị các Trung tâm trong thời gian tới cần tập trung vào ba hoạt động: tháo gỡ khó khăn về cơ chế tự chủ; thực hiện chuyển giao và lan toả công nghệ đặc biệt là tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và vừa; cải tiến sáng kiến lao động.

Nguồn: Mai Yến

Số lượt đọc: 423

Về trang trước Về đầu trang