Tin KHCN trong nước
Phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế (01/10/2024)
-   +   A-   A+   In  

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia cho rằng công nghệ sinh học, liệu pháp tế bào đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong lĩnh vực y tế.

Phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Trong khuôn khổ Sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techconnect & Innovation) năm 2024, ngày 1/10, Bộ Y tế phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức Diễn đàn Công nghệ ngành y tế với chủ đề "Công nghệ sinh học và chuyển đổi số phục vụ phát triển ngành y tế".

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế liên quan đến việc phát triển và thực hiện các quy trình, sản phẩm, chương trình, chính sách hoặc hệ thống mới để cải thiện sức khỏe và công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế.

Sự đổi mới sẽ giải quyết những thách thức và nhu cầu ngày càng tăng của hoạt động chăm sóc sức khoẻ, nó diễn ra trong tất cả các khâu từ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, dự phòng bệnh tật, khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm và thiết bị y tế.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức, công nghệ sinh học và chuyển đổi số được xem là các thành tố quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công nghệ sinh học và chuyển đổi số, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Vì vậy, diễn đàn nhằm thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ giao về phát triển công nghệ sinh học và chuyển đổi số.

“Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong y tế đòi hỏi sự phối hợp giữa các chuyên gia y khoa, các nhà công nghệ, các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư để mang lại những thay đổi tích cực trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay”, Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, GS.TS Trần Huy Thịnh, Trưởng phòng Phòng Quản lý KH&CN, Trường Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ về những ứng dụng của công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế, điển hình như: Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh; phát hiện đột biến gen gây bệnh, xác định người mang gen, sàng lọc trước sinh và tư vấn di truyền; xác định tình trạng gen quyết định tính đáp ứng thuốc trong điều trị ung thư phổi, vú, máu, đại trực tràng...

Tuy nhiên, theo đánh giá của GS.TS Trần Huy Thịnh, chúng ta vẫn chưa có nền công nghiệp sinh học thực sự; chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng với các doanh nghiệp; con đường đưa sản phẩm công nghệ sinh học ứng dụng trong lâm sàng còn rất khó khăn...

Về định hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam, GS.TS Thịnh nêu 5 định hướng, đó là: Phát triển vaccine, kháng thể đơn dòng, thuốc, chế phẩm sinh học trong phòng và điều trị bệnh; ứng dụng công nghệ gen, tế bào và sản phẩm từ tế bào trong dự phòng, chẩn đoán và điều trị bệnh; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thuốc dược liệu có nguồn gốc từ thảo dược; phát triển thiết bị y tế chẩn đoán in vitro (IVDs); ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị bệnh.

Trong đó, GS.TS Thịnh nhấn mạnh sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm lâm sàng và sự đồng hành của doanh nghiệp.

Chia sẻ về liệu pháp tế bào cho các bệnh nan y, GS.TS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch Hội Y học tái tạo và trị liệu tế bào Việt Nam cho rằng công nghệ tế bào gốc tiên tiến sẽ thúc đẩy cuộc cách mạng trong y học.

Hiện các bệnh được phép điều trị bằng tế bào gốc là xơ gan, teo mật, chấn thương tủy song, thoái hóa khớp gối. Các bệnh đang nghiên cứu ghép tế bào gốc điều trị là đột quỵ, chấn thương sọ não, COPD, tự kỷ, bại não, suy giảm sức khỏe người cao tuổi, suy giảm nội tiết tố nam/nữ, liệu pháp CAR-T điều trị ung thư huyết học. 

Trong đó, năm 2023, lần đầu tiên, tại Việt Nam, một bé gái 4 tuổi mắc ung thư bạch cầu cấp dòng lympho đã được điều trị thành công bằng liệu pháp tế bào CAR-T, mở ra cơ hội sống cho những bệnh nhân bạch cầu cấp hoặc ung thư hạch không còn đáp ứng với các phác đồ điều trị thường quy.

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 2215

Về trang trước Về đầu trang