Tin KHCN nước ngoài
Công nghệ sử dụng chất xúc tác để loại bỏ hóa chất vĩnh cửu trong nước uống (15/09/2024)
-   +   A-   A+   In  

Các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra chất xúc tác có thể thu giữ và loại bỏ hóa chất vĩnh cửu (PFAS) trong nước uống chỉ vài giờ.

Các hóa chất vĩnh cửu (viết tắt là PFAS) được sử dụng rất nhiều vì chúng giúp đồ vật chịu nhiệt cao, chống bẩn và kháng nước. Tuy nhiên, khi không còn được sử dụng và vứt bỏ ra bãi rác, những sản phẩm có chứa PFAS sẽ gây ô nhiễm nguồn nước vì các hóa chất này rất khó phân hủy. Chúng là những nhân tố nguy hiểm đe dọa sức khỏe, có liên quan đến các bệnh gan, ung thư, tuyến giáp và nhiều bệnh khác.

Nhiều năm qua, các nhà khoa học trên thế giới đã liên tục tìm kiếm phương pháp nhằm loại bỏ các hóa chất này trong nước uống. Mới đây, Trường đại học British Columbia, Mỹ, đã tìm ra chất xúc tác có thể thu giữ và loại bỏ PFAS.

Theo phương pháp này, chỉ cần vài giờ để làm sạch nước, ngay cả khi không có nguồn tia cực tím ổn định để khử. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tạo ra bộ lọc than hoạt tính có chứa chất xúc tác đã được cấp bằng sáng chế. Chất xúc tác quang (là hiệu ứng hóa học của ánh sáng, khi dùng tia cực tím hay còn gọi là tia UV với bước sóng từ 100 đến 400nm, chiếu trực tiếp lên chất xúc tác là tấm kim loại như TiO2 hay MnO2) oxit sắt (Fe/g-C) có thể thu giữ PFAS trong nước và phân hủy các hóa chất này thành thành phần vô hại. Toàn bộ quá trình này khá nhanh, tùy vào lượng nước cần được xử lý.

Các nhà nghiên cứu cho biết, một số giải pháp trước đây chỉ có thể thực hiện hoặc thu giữ, phân hủy hóa chất này, nhưng với công nghệ được sử dụng trong nghiên cứu mới cả hai vấn đề nêu trên đều có thể được xử lý trong thời gian ngắn. Theo các nhà khoa học, giải pháp mới này nhanh hơn rất nhiều so với cách thức khác. Chất xúc tác được nghiên cứu chỉ cần 3 giờ đồng hồ là có thể loại bỏ 90% hóa chất vĩnh cửu trong nước. Bên cạnh đó, phương pháp này còn có ưu điểm tiết kiệm chi phí và dễ thực hiện hơn các phương pháp khác đang được áp dụng.

Mỹ tìm ra chất xúc tác để loại bỏ hóa chất vĩnh cửu trong nước uống. (Ảnh minh họa)

Chẳng hạn như một số phương pháp cần có tia cực tím để tạo các phản ứng hóa học, nhưng phương pháp mới của nhóm nghiên cứu lần này hoàn toàn áp dụng được ở những nơi không có đủ ánh sáng. Trong điều kiện thiếu sáng, công nghệ mới vẫn loại bỏ được 85% PFOA - một hóa chất vĩnh cửu.

Hơn nữa, công nghệ mới có thể dùng để loại bỏ các thành phần "cứng đầu" khác gây ô nhiễm nước chứ không chỉ các hóa chất vĩnh cửu. Chất xúc tác đặc biệt này có thể dùng để xử lý các hệ thống cấp nước đô thị và cơ sở công nghiệp. Đây quả là một thành tựu nghiên cứu có giá trị quan trọng. Hiện, các nhà khoa học đã liên kết với một công ty thương mại để đưa công nghệ mới này đi vào đời sống.

Nói tới hóa chất này trong nước, trước đó một nghiên cứu thử nghiệm hơn 45.000 mẫu nước trên toàn cầu được công bố gần đây trên Tạp chí Nature Geoscience cho thấy, khoảng 31% mẫu nước ngầm không ở gần bất kỳ nguồn ô nhiễm nào có chứa hóa chất vĩnh cửu (PFAS) ở mức được Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) coi là có hại cho sức khỏe con người. Khoảng 16% mẫu nước bề mặt được thử nghiệm không ở gần bất kỳ nguồn ô nhiễm nào cũng có mức PFAS nguy hiểm tương tự. 

Ông Denis O'Carroll, Giáo sư kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Đại học New South Wales (Australia) và là một trong những tác giả của nghiên cứu trên cho biết, phát hiện này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối nguy hiểm trong nguồn nước trên toàn cầu.

Để thực hiện nghiên cứu của mình, ông O'Carroll và các đồng nghiệp đã tập hợp gần 300 nghiên cứu về PFAS. Những nghiên cứu này bao gồm 12.000 mẫu từ nước bề mặt (suối, sông, ao và hồ) và 33.900 mẫu từ giếng ngầm được thu thập trong 20 năm qua. Các mẫu này tập trung ở những nơi có nhiều nhà nghiên cứu môi trường, bao gồm Mỹ, Canada, châu Âu, Australia và bờ biển châu Á-Thái Bình Dương.

Trong số các mẫu nước được nghiên cứu, mẫu nước ở Mỹ và Australia có nồng độ PFAS đặc biệt cao. Mức độ ô nhiễm cao nhất thường được tìm thấy ở gần sân bay và căn cứ quân sự, nơi thường xuyên sử dụng bọt có chứa PFAS để chữa cháy. Khoảng 60-70% mẫu nước ngầm và nước bề mặt gần cơ sở này có mức PFAS vượt quá chỉ số nguy hiểm của EPA và cũng vượt quá giới hạn trong quy định của EPA về nước uống.

Theo The New York Times, PFAS không bị phân hủy trong hàng trăm đến hàng nghìn năm. Trước khi nghiên cứu mới trên công bố, PFAS được biết là thường xuất hiện trong đồ trang điểm, chỉ nha khoa, chảo chống dính và giấy gói thức ăn mang đi. Ngoài ra, nó cũng có trong áo mưa, thiết bị chữa cháy, thuốc trừ sâu và cỏ nhân tạo trên các sân thể thao.

Việc tiếp xúc nhiều với PFAS dẫn đến vấn đề về sức khỏe như mức cholesterol cao, tổn thương gan và hệ miễn dịch, huyết áp cao, tiền sản giật, ung thư thận.

Thông tư 48/2020/TT-BCT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05 : 2020/BCT về an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm

Quy chuẩn do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quy định các yêu cầu chung về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm trong lĩnh vực công nghiệp. Quy chuẩn áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm trong lĩnh vực công nghiệp.

Yêu cầu về nhà xưởng, kho chứa, khu vực có hoạt động liên quan đến hóa chất nguy hiểm phải có các loại tài liệu, bảng, biển báo sau: Bảng nội quy về an toàn hóa chất đặt tại các cửa ra vào ở vị trí dễ thấy, dễ đọc; Sơ đồ thể hiện các vị trí lưu trữ, đường ống, băng chuyền vận chuyển hóa chất nguy hiểm, vị trí bố trí trang thiết bị bảo hộ cá nhân và thiết bị ứng phó sự cố hóa chất, vị trí để dụng cụ y tế, đường, lối thoát hiểm (thoát nạn), điểm tập trung khi sơ tán của nhà xưởng, kho chứa, khu vực tại cửa ra vào ở vị trí dễ thấy, dễ đọc.

Các biển báo phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất đặt ở vị trí dễ thấy, dễ đọc tại từng khu vực lưu trữ, thao tác với hóa chất nguy hiểm. Các biển báo phải thể hiện các đặc tính nguy hiểm của hóa chất và có ít nhất các thông tin: hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ. Trường hợp hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì các biển báo nguy hiểm phải thể hiện đầy đủ đặc tính nguy hiểm đó. Các biển báo nguy hiểm phải được thiết kế đảm bảo dễ nhận biết các hình đồ cảnh báo từ khoảng cách 5 m.

Những người làm việc, tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm phải được huấn luyện an toàn hóa chất theo quy định của Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất và các quy định hiện hành.

Cơ sở có hóa chất nguy hiểm có trách nhiệm tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất, vệ sinh lao động cho cán bộ công nhân viên.Cơ sở có hóa chất nguy hiểm phải xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định hiện hành.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 2153

Về trang trước Về đầu trang