Tin KHCN trong nước
Một số sửa đổi, bổ sung đáng chú ý về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (26/08/2024)
-   +   A-   A+   In  

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2024/NĐ-CP ngày 04/05/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 của Chính phủ quy định vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ 01/07/2024 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 46/2024/NĐ-CP), góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Bài viết chỉ rõ một số điểm mới trong quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp tại Nghị định số 46/2024/NĐ-CP.

Nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp bảo đảm phù hợp với pháp luật về sở hữu trí tuệ, xử lý vi phạm hành chính, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả  trong thực tiễn, vừa qua, trên cơ sở đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2024/NĐ-CP. Nghị định này sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 24 điều trên tổng số 35 điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.

Kiểm tra về sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamik.

Về hành vi, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

Nghị định số 46/2024-NĐ-CP quy định rõ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp là chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức. Cụ thể:

Bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu không thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản trong trường hợp đã sử dụng nhãn hiệu được chuyển quyền trên bao bì hàng hoá tại điểm c khoản 1 Điều 6 để bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 141, khoản 4 Điều 142 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022 (Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành) và bảo đảm không bỏ lọt hành vi vi phạm, khắc phục vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

Bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi không thông báo các khoản, mức phí, lệ phí liên quan đến thủ tục xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cho khách hàng để phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 153 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi lừa dối hoặc ép buộc khách hàng trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp để phù hợp với quy định tại điểm c khoản 3 Điều 152 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

Bãi bỏ quy định xử phạt đối với hành vi cố ý cản trở việc xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp gây thiệt hại cho người có quyền và lợi ích liên quan, do Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành không quy định xử lý đối với hành vi nêu trên và để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn áp dụng.

Sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm về niêm phong, tạm giữ tang vật, phương tiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

Bãi bỏ quy định xử phạt đối với hành vi quá cảnh tại Điều 10, Điều 11, Điều 14 của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP để bảo đảm thống nhất với quy định tại Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

Sửa đổi nâng mức phạt xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh; sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền để phù hợp với nội dung được sửa đổi tương ứng tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022.

Kiểm tra về sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm tủ lạnh tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn LG Electronics Việt Nam Hải Phòng.

Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả

Nghị định số 46/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả để tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, như:

Sửa đổi, bổ sung quy định về biện pháp đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh quy định (bổ sung “một phần hoặc toàn bộ”) để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bổ sung quy định về các điều kiện cụ thể áp dụng biện pháp “Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại” để bảo đảm nguyên tắc rõ ràng, cụ thể và sự thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và Điều 97 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.

Sửa đổi, bổ sung quy định về biện pháp đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp và trình tự, thủ tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại tên miền.

Bổ sung quy định về thi hành và cưỡng chế áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả (buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất; buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại; buộc bổ sung chỉ dẫn về sở hữu công nghiệp; buộc nộp lại giấy tờ, tài liệu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung) làm cơ sở pháp lý cho việc áp dụng trong thực tiễn.

Sửa đổi, bổ sung một số quy định chung và trình tự, thủ tục xử lý vi phạm

Bổ sung quy định về áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong xử lý các hành vi vi phạm trên Internet (tạm giữ tên miền); sửa đổi, bổ sung toàn diện quy định về thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Chương IV) để phù hợp với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, quy định tại Nghị định số 65/2023/NĐ-CP và bảo đảm quy định đầy đủ trình tự, thủ tục xử lý yêu cầu xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (sửa đổi, bổ sung các Điều 22, 23, 25, 28; bãi bỏ các Điều 24, 26, 27).

*

*            *

Với những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng nêu trên, Nghị định số 46/2024/NĐ-CP góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp nói riêng và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung. Đồng thời, Nghị định tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.         

Nguồn: vjst.vn

Số lượt đọc: 2459

Về trang trước Về đầu trang