Tin KHCN trong nước
Tận dụng AI hiệu quả là một thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp (25/08/2024)
-   +   A-   A+   In  

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang trở thành công cụ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình làm việc và nâng cao năng suất. Tuy nhiên, việc tận dụng AI một cách hiệu quả mà không lạm dụng là một thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp.

AI trong chiến lược phát triển quốc gia

GS.TS Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch FISU Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Công nghệ thông tin, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, dự báo rằng AI tạo sinh sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường lao động trong vòng ba năm tới. Tuy nhiên, giáo sư cũng cảnh báo, con người không nên phó mặc hoàn toàn cho AI, mà cần kiểm soát dữ liệu và lưu ý đến đạo đức khi ứng dụng AI tạo sinh. Những sai lệch thường đến từ việc sử dụng dữ liệu thứ cấp không đảm bảo chất lượng và được diễn giải trong ngữ cảnh không phù hợp.

Các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ về việc ứng dụng AI nâng cao năng suất, khả năng quản trị doanh nghiệp.

Đồng ý với quan điểm trên, PGS.TS. Bùi Thu Lâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký FISU Việt Nam khẳng định, sự phát triển của AI tại Việt Nam đang đi đúng hướng, xuất phát từ định hướng rõ ràng của Chính phủ.

Theo đó, ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành "Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030." Chiến lược này đặt mục tiêu biến Việt Nam thành trung tâm đổi mới sáng tạo về AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới. AI được coi là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh quốc gia, và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Hiện nay, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực AI, nằm trong Top 50-60 về ứng dụng AI và đang phát triển một hệ sinh thái AI bền vững. Đặc biệt, Việt Nam cũng đã xây dựng một chuyên ngành đào tạo về AI, tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Về nghiên cứu, Việt Nam đứng trong Top 30 toàn cầu, và việc ứng dụng AI đang được các doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT đẩy mạnh.

AI trong doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức

Ông Lê Đăng Ngọc - Phó Giám đốc khối nền tảng trí tuệ nhân tạo Viettel AI cho biết: Ứng dụng tự động hoá và AI, Viettel cũng đã có những bước đi hiệu quả trong quá trình kinh doanh và cung cấp cho các đối tác. Nếu như trước đây, khách hàng phải mất một buổi để đăng ký các dịch vụ ở trung tâm chăm sóc khách hàng hoặc văn phòng giao dịch thì ngày nay, với AI, có thể rút ngắn thời gian giao dịch xuống còn vài phút, ngay tại nhà.

Hệ thống tự động hóa xử lý hồ sơ trong giúp ngân hàng giảm 48% thời gian xử lý, tự động hóa tác vụ giao tiếp khách hàng giúp giải phóng nhân sự, tăng năng suất 200% so với trước đây. Ví dụ, như thời kỳ COVID-19, nhờ ứng dụng AI do Viettel phát triển, một ngân hàng đã có thêm 1 triệu khách hàng mới.

Đặng Huỳnh Mai Anh - Giám đốc dữ liệu và phân tích Heineken Việt Nam cho biết, hiện doanh nghiệp đang ứng dụng AI từ khâu sản xuất cho đến người dùng cuối.

“Chúng tôi có nền tảng để kiểm soát từ khâu sản xuất, đến việc nhân viên tự kiểm soát KPI và các đối tượng bán lẻ cần tăng doanh thu” bà Mai Anh chia sẻ.

Để làm được điều đó, Heineken nhìn nhận dữ liệu (data) là nguồn tài sản mới, tạo ra lợi thế cạnh tranh. Nhưng tích luỹ nhiều dữ liệu mà không sử dụng hợp lý sẽ thành món nợ do chi phí vận hành. Vì vậy, bài toán doanh phải đối mặt chính là việc sử dụng dữ liệu sao cho hiệu quả.

Ông Lê Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc thường trực MISA nhấn mạnh, AI đang giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa thời gian, quy trình làm việc và thúc đẩy sự phát triển của tổ chức. Các ứng dụng cụ thể của AI đã mang lại những kết quả ấn tượng.

Ví dụ, trong các chiến dịch marketing, AI có thể viết email giới thiệu sản phẩm nhanh hơn 36 lần và cá nhân hóa theo hành trình của từng khách hàng. Trong lĩnh vực thời trang, AI giúp thiết kế bộ ảnh nhanh hơn 24 lần, mang lại hiệu quả rõ rệt cho ngành công nghiệp sáng tạo. Đối với ngành công nghệ thông tin, lập trình viên có thể thi công giao diện website nhanh hơn 10 lần nhờ AI có khả năng tự động viết mã, kiểm tra lỗi, và dự đoán yêu cầu giao diện.

Ông Lê Hồng Quang cũng khẳng định, việc ứng dụng AI vào sản phẩm không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội lớn cho gần 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam. Điều này không chỉ nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, mà còn góp phần khẳng định vị thế của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, thúc đẩy phát triển bền vững nền kinh tế số của đất nước.

Tiếp nối vấn đề khai thác trí tuệ nhân tạo tạo sinh đối với doanh nghiệp, ông Ajay Kushwaha - Giám đốc cấp cao, Kiến trúc doanh nghiệp, Khu vực ASEAN, Salesforce cho biết, sau những AI tạo sinh (GenAI), các ứng dụng như Chat GPT là những mô hình ngôn ngữ lớn. Để ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào doanh nghiệp hiệu quả, cần cho AI hiểu bối cảnh. "Bởi đây là yếu tố giúp con người đưa ra quyết định có tin con AI và có hiểu data của mình hay không", ông Kushwaha nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi hội nghị.

Mặc dù AI đã mang lại nhiều lợi ích, việc triển khai GenAI vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Ông Cao Vương - nhà sáng lập AIVA Group cho biết, tỷ lệ ứng dụng GenAI trên toàn cầu đã tăng mạnh trong 5 năm qua, với tốc độ tăng trưởng đạt 62% từ năm 2022. Đặc biệt, 92% các công ty trong danh sách Fortune 500 đã ứng dụng GenAI, giúp họ tăng gần 16% doanh thu và cải thiện đáng kể năng suất nhân viên và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc ứng dụng GenAI vẫn còn hạn chế. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng của công nghệ này do thiếu chiến lược rõ ràng và sự lúng túng trong việc tiếp cận công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sử dụng GenAI một cách hiệu quả, dẫn đến tình trạng 99% người dùng ChatGPT tại Việt Nam không sử dụng công cụ này một cách tối ưu. Ông Cao Vương cũng chỉ ra rằng, GenAI có thể mang lại nhiều lợi ích nếu được tận dụng đúng cách, chẳng hạn như tạo nội dung cho cả tháng chỉ trong một giờ hay viết bài 3.000 từ chuẩn SEO chỉ bằng một cú click chuột.

Để ứng dụng GenAI hiệu quả, theo ông Vương doanh nghiệp cần phải chọn đúng thời điểm và đối tác để triển khai công nghệ này. Trong tương lai, AI tạo sinh sẽ trở nên thông minh hơn, cho phép doanh nghiệp sử dụng các công cụ AI riêng biệt để kết nối và tự động hóa nhiều khía cạnh trong quy trình kinh doanh, từ chăm sóc khách hàng đến sản xuất nội dung.

Về thực tế phát triển GenAI tại Việt Nam, TS. Trần Thế Trung - Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ FPT chia sẻ, GenAI đòi hỏi hạ tầng và mô hình dữ liệu lớn hơn so với AI truyền thống. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa sản xuất được chip tính toán cho AI, và nguồn nhân lực trong lĩnh vực này còn hạn chế. Tuy nhiên, GenAI được kỳ vọng sẽ đóng góp 14.000 tỷ đồng vào nền kinh tế Việt Nam trong năm 2030, với tốc độ tăng trưởng ứng dụng đạt 50%. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần tập trung vào nghiên cứu và hợp tác với các đối tác quốc tế để giải quyết những thách thức còn tồn đọng.

Một tín hiệu đáng mừng là thế hệ trẻ Việt Nam rất rành công nghệ với 70% ứng dụng gen AI. "Đó như một cục nam châm thu hút doanh nghiệp, vì vậy để cần tận dụng triệt để để tạo một cú hích để phát triển mạnh mẽ AI tạo sinh", ông Trung nhấn mạnh.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 2951

Về trang trước Về đầu trang