Tin KHCN trong nước
Nhân lực tài năng đưa Việt Nam trở thành 'thỏi nam châm' của ngành công nghệ chip (15/08/2024)
-   +   A-   A+   In  

Theo tạp chí Nikkei Asia, khi ngành bán dẫn thế giới thiếu hụt lao động, Việt Nam đáp ứng được nguồn nhân lực công nghệ dồi dào có thể giúp cải thiện vị thế nước nhà trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.

Trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng cao đối với kỹ sư công nghệ chip sau sự bùng nổ của Trí tuệ Nhân tạo (AI), nhiều công ty trên thế giới đang tìm đến Việt Nam với nguồn nhân lực tài năng và chi phí lao động cạnh tranh hơn, biến quốc gia tại Đông Nam Á thành "thỏi nam châm" thu hút sự quan tâm của các "ông lớn" trong ngành công nghệ chip.

giao thong1

Ngày 14/8/2024 trên tạp chí Nikkei Asia, nhà cung cấp dịch vụ thiết kế chip AI hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) – tập đoàn Alchip Technologies đang đẩy mạnh cuộc săn tìm tài năng của Việt Nam để tham gia vào nhóm nghiên cứu và phát triển (R&D). Tập đoàn này hiện có kế hoạch thiết lập văn phòng đầu tiên của tập đoàn tại Việt Nam trong năm nay.

Theo ông Daniel Wang – giám đốc tài chính của tập đoàn, Alchip Technologies có thể sẽ tăng số lượng kỹ sư tại văn phòng này lên tới 100 người trong vòng 2 - 3 năm.

"Sau khi khảo sát một số quốc gia tại châu Á để mở rộng R&D, chúng tôi nhận ra rằng việc thu hút nhân tài tại các nền kinh tế công nghệ đã phát triển như Nhật Bản có thể là thách thức đối với Alchip, mặc dù chúng tôi có hoạt động kinh doanh tại đó", Johnny Shen, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành (CEO) của Alchip Technologies nhận định.

"Nhóm kỹ sư tài năng đầy triển vọng của Việt Nam và văn hoá làm việc của họ khiến đây trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với chúng tôi. Chúng tôi rất ấn tượng trước sự tận tụy và cam kết của các kỹ sư Việt Nam, những người luôn khao khát học hỏi và đóng góp cho doanh nghiệp”, ông nói thêm.

GUC và Faraday Technology, hai công ty cung cấp dịch vụ thiết kế chip liên kết cho TSMC và UMC, cũng đang đầu tư vào Việt Nam để tìm kiếm các kỹ sư trẻ.

giao thong2

Tương tự, một số doanh nghiệp tại Hàn Quốc cũng đang chuyển hướng sang thị trường Việt Nam, một phần là để bù đắp cho tình trạng chảy máu chất xám tại thị trường trong nước.

Ở cuộc thảo luận gần đây, giữa các lãnh đạo công ty công nghệ và Bộ trưởng Bộ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng công ty khởi nghiệp của Hàn Quốc, bà Oh Youngju, các CEO đã đề cập đến vấn đề trợ cấp cho R&D, kêu gọi một hệ thống giáo dục nhằm đào tạo nhân viên nước ngoài và nới lỏng các quy định về thị thực để thu hút nhân tài nước ngoài. Quốc gia được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc thảo luận là Việt Nam.

Công ty BOS chuyên thiết kế chip bán dẫn AI, cung cấp sản phẩm cho những tập đoàn có tiếng như Hyundai trong lĩnh vực sản xuất xe tự hành. Theo đánh giá từ Giám đốc quốc gia của công ty này, ông Lim Hyung Jun, ban lãnh đạo hãng đã nhận ra tiềm năng Thành phố Hồ Chí Minh có thể trở thành một trung tâm R&D quan trọng và đó là điều mà họ không ngờ tới.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Lim Hyung Jun cũng cho biết: “Chúng tôi nhận ra rằng Việt Nam có thể trở thành một trung tâm R&D chính".

Theo ông Lim, việc đạt được mục tiêu thiết lập một hệ thống trên chip (SoC) tại Việt Nam sẽ chứng minh tiềm năng của thị trường nhân lực của quốc gia Đông Nam Á. Ông nhấn mạnh, nếu thành công thì "điều này có thể định hình xu thế thị trường nhân lực bán dẫn hiện nay".

Việc cung ứng được lượng nhân lực dồi dào, giá rẻ và chất lượng tốt tại Việt Nam trong bối cảnh ngành bán dẫn thiếu lao động sẽ giúp Việt Nam đạt được giấc mơ ấp ủ bấy lâu là dịch chuyển lên mức cao hơn của chuỗi giá trị công nghệ.

Trong khi đó, Marvell Technology Inc của Mỹ mô tả Việt Nam là "vị trí chiến lược để phát triển tài năng kỹ thuật".

Tổng giám đốc Marvell Technology Lê Quang Đạm đã lập văn phòng đầu tiên của công ty tại Việt Nam. Từ chỉ vài chục kỹ sư trong vài năm đầu, công ty của ông hiện có hơn 400 người, tăng từ con số 300 người vào năm ngoái.

giao thong3

Theo ông Lê Quang Đạm, Marvell đang tăng tốc mở rộng hoạt động ở Việt Nam để thị trường này sẽ trở thành trung tâm thiết kế chip lớn thứ ba thế giới của Marvell, chỉ sau trụ sở chính tại Mỹ và Ấn Độ.

Marvell đặt mục tiêu tăng số lượng nhân viên tại địa phương lên khoảng 500 người vào năm 2026. Kế hoạch tuyển dụng không chỉ bao gồm nhân viên cho các văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh mà còn cả một địa điểm mới tại Đà Nẵng.

Họ sẽ lập văn phòng thứ hai ở TP. Hồ Chí Minh ngay năm nay. Văn phòng mới này, cũng như các trung tâm kỹ thuật khác của Marvell tại Việt Nam sẽ tập trung vào các công nghệ vi mạch mới như kết nối quang, lưu trữ, công nghệ bán dẫn tín hiệu tương tự và tín hiệu hỗn hợp (mixed signal). Đây là những công nghệ then chốt trong việc tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng mới, nhằm đáp ứng nhu cầu về hiệu suất và tốc độ ngày càng gia tăng của các trung tâm dữ liệu đám mây và AI.

Synopsys, nhà sản xuất công cụ thiết kế chip hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ, là một trong những công ty tích cực nhất đầu tư vào Việt Nam, nơi hiện có hơn 500 nhân viên tại nhiều trung tâm thiết kế ở nhiều thành phố.

Ông Robert Li - Phó Chủ tịch Synopsys phụ trách kinh doanh tại thị trường Đài Loan và Nam Á, đánh giá Việt Nam đang trong quá trình trở thành trung tâm nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn, nhờ mối quan tâm lớn của sinh viên và lực lượng lao động đối với ngành này cùng với sự tài trợ và chương trình hỗ trợ của chính phủ.

Theo ông Brian Chen, một cộng sự tại KPMG Đài Loan và KPMG Việt Nam, so với Đài Loan hoặc Hàn Quốc, năng suất và mức lương của các kỹ sư tại Việt Nam khiến quốc gia này hấp dẫn hơn đối với các DN. Cùng với nỗ lực mạnh mẽ của chính phủ nhằm đẩy mạnh nền kinh tế công nghệ đã giúp mở rộng và cải thiện thị trường lao động toàn ngành.

Số liệu của Salary Explorer cho thấy mức lương bình quân của kỹ sư Việt Nam chỉ vào khoảng 665 USD/tháng (gần 17 triệu đồng), thấp hơn nhiều so với 5.627 USD tại Singapore, 3.782 USD tại Đài Loan, 2.826 USD ở Hàn Quốc và 1.313 USD tại Malaysia.

cong nghe chip

Ông Đạm đồng ý rằng động lực chính là xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu do sự gián đoạn của COVID và căng thẳng Mỹ - Trung, theo ông, điều này đã dẫn đến "nhiều khoản đầu tư chuyển từ Trung Quốc, Hàn Quốc sang Việt Nam". Ông cho biết Việt Nam cũng ổn định về mặt chính trị cũng như tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp công nghệ đổ dồn đầu tư vào Việt Nam có một số vấn đề đang phát sinh.

Cụ thể, giao thông ở TP. HCM ngày càng trở nên tắc nghẽn hơn, Tổng giám đốc Marvell Technology cho biết. Công ty phải thiết lập hai văn phòng tại Thành phố để giúp cắt giảm thời gian đi lại bằng cách cho phép nhân viên lựa chọn vị trí làm việc thuận tiện hơn.

Hầu hết hạ tầng giao thông của TP. HCM, đặc biệt là các cửa ngõ trong nhiều năm qua, luôn trở nên quá tải vào giờ cao điểm.

“Thật khó để tìm được không gian phù hợp vì chúng tôi không chỉ cần các văn phòng tiêu chuẩn mà còn cần không gian cho các phòng thí nghiệm (R&D) của mình, nơi yêu cầu nguồn điện và điều kiện không khí khác nhau cho thiết bị của chúng tôi”, ông Lê Quang Đạm cho biết, đồng thời nói thêm rằng cơ sở hạ tầng cần được cải thiện.

“Đối với thiết kế IC (mạch tích hợp), chúng tôi may mắn vì không cần quá nhiều năng lượng và nước. Nhưng đối với sự phát triển chung của ngành, nguồn cung cấp điện, năng lượng và nước là một vấn đề. Đối với việc đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm chip, chúng đòi hỏi rất nhiều điện và nước”.

Mặt khác, những lợi thế của Việt Nam về nguồn nhân lực hiện đang thu hút đầu tư nước ngoài có thể sẽ không kéo dài. Brian Chen ước tính rằng mức lương ở Việt Nam có thể sớm bắt kịp với mức lương ở Đài Loan do nhu cầu tuyển dụng lao động mạnh mẽ. “Mức lương đang tăng mạnh. Nhân tài trình độ cao sẽ được hưởng mức tăng lương ít nhất 10% mỗi năm”.                            

Nguồn: sohuutritue.net.vn

Số lượt đọc: 2379

Về trang trước Về đầu trang