Tiêu chuẩn ĐLCL
TCVN 13657-2:2023 về yêu cầu kỹ thuật hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao (13/08/2024)
-   +   A-   A+   In  
Để đảm bảo hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao hoạt động hiệu quả và chính xác, độ bền cao thì đòi hỏi các thông số cơ bản, yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử nên tuân theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13657-2:2023.

Hệ thống chữa cháy phun sương là một công nghệ phục vụ công tác chữa cháy có những tính năng ưu việt, nổi bật là tiết kiệm nước, hiệu quả chữa cháy cao đối với nhiều loại đám cháy và thân thiện với môi trường. Cấu tạo cơ bản hệ thống chữa cháy phun sương bao gồm các bộ phận tương tự như hệ thống chữa cháy tự động bằng nước dạng phun mưa như: Bơm, nguồn điện, tủ điều khiển bơm, hệ thống đường ống, van lựa chọn khu vực, nút ấn kích hoạt bằng tay, loa và đèn báo cháy, trung tâm điều khiển và thiết bị chứa chất chữa cháy…

Hệ thống chữa cháy phun sương có khả năng làm mát, làm trơ và hạn chế bức xạ nhiệt từ đám cháy. Nhiệt độ quanh đám cháy có thể giảm nhanh chóng trong vòng vài giây sau khi sương được phun ra. Khi đó, đám cháy nhanh chóng được bao phủ bởi một lớp sương dày đặc giúp hạn chế hiệu quả bức xạ nhiệt từ đám cháy. Do đó, có thể bảo vệ được các thiết bị xung quanh tránh khỏi tác động nhiệt trong khi ngọn lửa vẫn đang cháy.

Hiệu quả chữa cháy của hệ thống chữa cháy phun sương phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: Kích thước hạt sương, tốc độ của hạt sương; cấu tạo, chiều cao lắp đặt và lưu lượng của đầu phun; sự dịch chuyển dòng không khí bên trong khu vực bảo vệ và cấu hình của hệ thống. Khi hệ thống chữa cháy phun sương kết hợp với hệ thống báo cháy tự động cho phép xác định được chính xác vị trí xảy ra cháy, giúp người quản lý hệ thống có phương án xử lý kịp thời. Theo đó để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả và chính xác, độ bền cao thì yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử nên đảm bảo theo tiêu chuẩn.

Hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao cần đảm bảo các thông số cơ bản theo tiêu chuẩn. Ảnh minh họa

Hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13657-2:2023 về phòng cháy chữa cháy - phần 2: yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao nhằm đưa ra các thông số cơ bản, các yêu cầu kỹ thuật đối với các bộ phận sau được sử dụng trong hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao gồm: Van điện từ thiết bị bổ sung nước tự động cho bể cung cấp nước chữa cháy, bơm chữa cháy, bơm dự phòng, tủ điều khiển hệ thống chữa cháy, van an toàn, van giảm áp, thùng bể chứa nước, thiết bị báo động mực nước thấp, bộ lọc nước, thiết bị hiển thị áp suất đầu phun sương áp suất cao, cuộn vòi chữa cháy, lăng phun chữa cháy.

Tiêu chuẩn này mô tả phương pháp thử nghiệm đối với các bộ phận sau đây thuộc hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao là bơm chữa cháy, cuộn vòi chữa cháy, lăng phun chữa cháy.

Yêu cầu chung về hệ thống trực quan, các bộ phận của hệ thống không được có lỗi gia công hoặc hư hỏng về cơ khí, lớp phủ chống ăn mòn và lớp mạ phải hoàn chỉnh và đồng nhất. Bề mặt chính của thùng (bể) chứa nước phải được ký kiệu bằng chữ "nước" hoặc "H2O", phông chữ phải rõ ràng. Thao tác vận hành bằng tay từng bộ phận của hệ thống phải được đánh dấu bằng chữ hoặc ký hiệu đồ họa, hướng dòng chảy phải được đánh dấu chắc chắn, rõ ràng trên thiết bị van một chiều và van điện từ.

Tên thiết bị phải được cố định chắc chắn, rõ ràng trên thiết bị và nội dung phải tuân theo các quy định. Các bộ phận của hệ thống cần được cố định, kết nối chắc chắn, vị trí lắp đặt của các bộ phận phải chính xác và bố trí tổng thể hợp lý, thuận tiện cho vận hành, kiểm tra và bảo trì, bảo dưỡng. Kết nối giữa các bộ phận của hệ thống phải tuân theo các quy định của tiêu chuẩn quốc gia. Phạm vi nhiệt độ làm việc của hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao là từ 4oC đến 50oC. Yêu cầu khởi động vận hành hệ thống phải có hai phương thức khởi động là khởi động tự động và khởi động bằng tay.

Thân van và các bộ phận cơ khí được làm bằng vật liệu không rỉ (Inox, hoặc hợp kim đồng…). Áp suất làm việc của van điện từ không được nhỏ hơn áp suất làm việc tối đa của hệ thống.an điện từ phải bảo đảm hoạt động trong phạm vi áp suất của hệ thống. Van điện từ phải làm việc bình thường trong phạm vi điện áp nguồn cấp thực tế nằm trong giải điện áp định mức của Van x ( 1 ± 15%) .

Điện trở cách điện giữa đầu nối dây điều khiển và vỏ thân van phải lớn hơn 20 MΩ trong điều kiện khí quyển bình thường. Ghi nhãn của van cần đảm bảo đầy đủ thông tin: Tiêu chuẩn công bố áp dụng; Tên thương hiệu của nhà sản xuất, nhà cung cấp; Đường kính danh nghĩa, cỡ hoặc mã hàng; Áp suất làm việc; Mã số sản phẩm; Thời gian sản xuất; Hướng dòng chảy.

Về bơm chữa cháy chính phải được làm bằng vật liệu chống ăn mòn. Cột áp và lưu lượng làm việc của bơm phải tương thích với thiết bị. Bơm dự phòng của hệ thống phải đảm bảo đáp ứng được lưu lượng và cột áp thiết kế của hệ thống khi bơm chính không hoạt động. Nhãn của bơm được lắp đặt tại vị trí dễ thấy của bơm phải đánh dấu sắc nét, rõ ràng, nội dung ghi nhãn phải đảm bảo đầy đủ các thông tin như sau: Tiêu chuẩn công bố áp dụng; Tên hoặc nhãn hiệu của nhà sản xuất; Model của máy bơm nước chữa cháy động cơ điện; Tên thiết bị; Dải lưu lượng hoạt động; Dải cột áp hoạt động; Số vòng quay/min; Thông số động cơ (điện áp; dòng điện; công suất; số vòng quay/min); Số loạt (xê-ri) của máy bơm; Năm sản xuất; Nơi sản xuất.

Tủ điều khiển hệ thống chữa cháy thì phải có bề mặt bên ngoài bằng phẳng, màu sắc của lớp phủ phải đồng đều, đồng nhất, không có hiện tượng biến dạng và cong vênh. Nhãn của tủ điều khiển được lắp đặt tại vị trí dễ thấy của tủ phải đánh dấu sắc nét, rõ ràng, nội dung ghi nhãn phải đảm bảo đầy đủ các thông tin.

Van an toàn nên được làm bằng vật liệu chống ăn mòn. Độ lệch giữa áp suất mở của van an toàn và áp suất cài đặt là ± 3 %. Áp suất mở cài đặt van an toàn phải gấp 1,05 lần đến 1,10 lần áp suất làm việc tối đa của hệ thống. Các bộ phận tiếp xúc với nước trong thiết bị báo động mực nước thấp phải được làm bằng vật liệu chống ăn mòn. Khi dung tích lưu trữ nước nhỏ hơn 10 % tổng thể tích hoặc trị số cài đặt của nhà sản xuất, thiết bị báo động mực nước thấp phải đưa ra cảnh báo bằng âm thanh hoặc ánh sáng.

Bộ lọc nên được làm bằng vật liệu có khả năng chống ăn mòn. Nhãn của bộ lọc được lắp đặt tại vị trí dễ thấy của sản phẩm phải đánh dấu sắc nét, rõ ràng, nội dung ghi nhãn phải đảm bảo đầy đủ các thông tin: Tên hoặc nhãn hiệu của nhà sản xuất; Tên sản phẩm; Chủng loại; Quy cách; Áp suất làm việc; Hướng dòng chảy; Số sản phẩm; Năm sản xuất; Nơi sản xuất.

Thiết bị áp hiển thị áp suất có thang đo và giới hạn áp suất đo đảm bảo phù hợp với áp suất của hệ thống phun sương áp suất cao. Thiết bị hiển thị áp suất phải đảm bảo tuân theo các quy định hiện hành.

Đầu phun sương áp suất cao phải được ghi nhãn phù hợp theo quy định về ghi nhãn tại Điều 9 TCVN 6305-9:2013 và các quy định ghi nhãn tại các tiêu chuẩn khác được áp dụng.

Lăng phun chữa cháy áp suất cao phải đồng đều, đồng nhất, không bị móp, méo, biến dạng. Lăng phun chữa cháy áp suất cao được làm từ vật liệu có khả năng chống ăn mòn. Mỗi lăng phun chữa cháy phải được ghi nhãn thể hiện rõ các nội dung: Tiêu chuẩn công bố áp dụng; Model; Ngày sản xuất; Tên nhà sản xuất và quốc gia sản xuất; Áp suất làm việc: ghi rõ áp suất hoạt động tính theo đơn vị bar, KG/cm2, hoặc PSI; Lưu lượng phun: ghi rõ lưu lượng theo chế độ phun tính theo đơn vị l/min hoặc l/s; Chuẩn nối vòi: kích thước vòi, tên và chuẩn của đầu nối; Các ký hiệu hướng dẫn điều chỉnh chế độ phun, lưu lượng (với lăng phun hỗn hợp).

Tiêu chuẩn cũng đưa ra các hướng dẫn về phương pháp thử nghiệm theo bản vẽ thiết kế và các tài liệu kỹ thuật có liên quan nên kiểm tra trực quan hoặc sử dụng các dụng cụ đo chung để kiểm tra các thông số cơ bản như phạm vi nhiệt độ làm việc và áp suất làm việc của mẫu. Kiểm tra cấu trúc, kích thước và khí điều áp của mẫu, thể tích và đường kính của bình chứa, vật liệu của các thành phần. Kiểm tra độ kín, chu trình nhiệt độ, áp suất thân bơm, nguồn điện tủ điều khiển hệ thống chữa cháy, điện trở cách điện, kiểm tra độ ổn định làm việc liên tục, kiểm tra chức năng điều khiển của cụm bơm, kiểm tra chuyển mạch của bơm chính và dự phòng.

Thử nghiệm khởi động bằng cách đặt cụm bơm ở trạng thái chuẩn bị làm việc, khởi động bằng tay bơm chính của hệ thống. Khi kiểm tra việc khởi động của bơm chính, kiểm tra bơm duy trì áp (nếu có) phải đảm bảo bơm duy trì áp đang trong tình trạng không hoạt động. Sau khi bơm chính của hệ thống được khởi động, hoạt động bình thường, tiến hành kiểm tra tính năng dừng bằng tay của bơm chính.

Quy trình thử nghiệm độ bền chống rò rỉ trong 30 ngày của đầu phun sương áp suất cao nên thực hiện theo hướng dẫn tại TCVN 6305-9:2013. Kiểm tra chức năng lắp đặt đầu phun sương dạng kín trên thiết bị thử nghiệm theo vị trí lắp đặt bình thường và sử dụng đuốc để đốt nóng trực tiếp để khởi động đầu phun. Lấy 40 đầu phun để kiểm tra chức năng. Số lượng mẫu và áp suất thử được thể hiện.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 330

Về trang trước Về đầu trang