Tin KHCN trong nước
Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (12/08/2024)
-   +   A-   A+   In  

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Nghị định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).

Dự thảo sửa đổi quy định về thị thực và lao động nước ngoài; chính sách ưu đãi cho tổ chức hoạt động tại NIC; bổ sung quy định thành lập Quỹ Đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo Quốc gia; hoạt động cung cấp dịch vụ của NIC… Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các tổ chức khởi nghiệp sáng tạo, đối tác hỗ trợ đổi mới sáng tạo hoạt động tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.  

Về cơ sở thực tiễn, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được thành lập theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Ngày 21/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2020/NĐ- CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Qua 04 năm triển khai thực hiện, các quy định tại Nghị định số 94/2020/NĐ-CP đã đi vào thực tiễn, giúp xây dựng, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam; bước đầu tạo lập, dẫn dắt và kết nối hoạt động đổi mới sáng tạo trong các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị định đã phát sinh một số nội dung đòi hỏi phải nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 94/2020/NĐ-CP như sau:

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Ảnh: DT 

Sau khi Nghị định được ban hành, Luật Đầu tư năm 2020 đã bổ sung các quy định mới đối với hoạt động đổi mới sáng tạo và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, cần được bổ sung, quy định chi tiết vào Nghị định số 94/2020/NĐ-CP. Nghị định số 94/2020/NĐ-CP chủ yếu tập trung vào việc tập hợp những cơ chế, chính sách đã được quy định tại pháp luật hiện hành để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai, áp dụng. Nghị định còn thiếu những cơ chế, chính sách được xây dựng thuộc thẩm quyền của Chính phủ để tạo đột phá đối với mô hình, cơ cấu tổ chức và hoạt động đổi mới sáng tạo tại Trung tâm nên còn hạn chế vai trò dẫn dắt đổi mới sáng tạo của Trung tâm cũng như thu hút hoạt động của doanh nghiệp, đối tác hoạt động tại Trung tâm.

Thực tế quá trình đầu tư xây dựng, tổ chức nghiên cứu cơ chế vận hành của Cơ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc đang cho thấy nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cần kịp thời bổ sung để tạo điều kiện vận hành hiệu quả cũng như cho các cơ sở khác của Trung tâm.

Hoạt động của Trung tâm luôn có sự kết nối với các trung tâm đổi mới sáng tạo khác tạo thành mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Do đó, cần bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các trung tâm đổi mới sáng tạo khác có sự kết nối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để liên thông chính sách, phát huy hiệu quả của mạng lưới này, tạo sự đồng bộ về cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo cả nước.

Do vậy, nhằm tiếp tục thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng và xu hướng các nước trên thế giới đang triển khai xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21/8/2020 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là cần thiết, tạo nền tảng pháp lý thuận lợi và phù hợp hơn cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia hoạt động, huy động được nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, phát huy hiệu quả, góp phần tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thực hiện chủ trương, định hướng nêu tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 và Bộ Chính trị.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 2236

Về trang trước Về đầu trang