Tin KHCN trong nước
Thúc đẩy sản xuất thử nghiệm trong doanh nghiệp, biến nghiên cứu thành tài sản (08/08/2024)
-   +   A-   A+   In  

Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, cần thúc đẩy sản xuất thử nghiệm trong doanh nghiệp, phân tích thị trường để đưa ra sản phẩm cuối cùng, biến kết quả nghiên cứu thành hàng hóa dưới dạng tài sản trí tuệ để chuyển giao.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 sẽ được sửa, đổi tên thành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, giúp gỡ vướng mắc về thể chế, thúc đẩy kết quả nghiên cứu ra thị trường.

Thứ trưởng cho hay, thời gian qua, "điểm nghẽn" khiến kết quả nghiên cứu khó ra thực tiễn liên quan đến hành lang pháp lý. Trong đó về luật khoa học công nghệ cùng nhiều luật liên quan chưa chấp nhận việc các nhà khoa học nghiên cứu mà không cho ra kết quả. Điều này dẫn đến khi đăng ký nhiệm vụ, các nhà khoa học không dám đăng ký nội dung mới, chủ yếu làm nội dung mức an toàn cho nên không có tính mới và không đưa được vào cuộc sống. Bên cạnh đó, kết quả khoa học công nghệ cũng cần thời gian dài, phải từ 10-20 năm mới đưa được vào cuộc sống, do đó nếu chỉ đánh giá kết quả thương mại hóa trong 1-5 năm chưa thực sự đầy đủ.

Nguyên nhân thứ hai do sự tách biệt giữa khối nghiên cứu phát triển và sản xuất kinh doanh. Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã nêu về vấn đề đặt hàng nghiên cứu, song việc đặt hàng phải từ doanh nghiệp hay gắn kết với trường đại học và doanh nghiệp phải thông qua hoạt động trao đổi cán bộ. Trong khi hiện nay hành lang trao đổi cán bộ chưa thuận lợi, chưa là hoạt động bắt buộc đối với giảng viên, nhà nghiên cứu. Do đó, Luật sửa đổi dự kiến đề xuất đưa ra hành lang để các nhà khoa học được sang làm việc với doanh nghiệp vẫn được coi là hoạt động nghiên cứu, giảng dạy.

Ảnh minh hoạ.

Việc xác định rõ các khâu trong hoạt động nghiên cứu phát triển và hoạt động đổi mới sáng tạo cũng là vấn đề lưu tâm trong sửa đổi luật lần này. Hiện việc đặt vấn đề các nghiên cứu trường đại học phải được chuyển giao cho doanh nghiệp, chưa thực sự phù hợp thực tiễn. Do đó luật sửa đổi cần phải hướng thúc đẩy sản xuất thử nghiệm trong doanh nghiệp, phân tích thị trường để đưa ra sản phẩm cuối cùng, biến kết quả nghiên cứu thành hàng hóa dưới dạng tài sản trí tuệ để chuyển giao.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng các chương trình quốc gia cần có cơ chế giao kết quả cho tổ chức chủ trì thuận lợi nhất, cần coi đầu tư khoa học công nghệ là đầu tư lâu dài, tự động giao quyền cho cơ quan chủ trì để tiếp tục sử dụng thương mại hóa, đầu tư thêm để tạo ra sản phẩm mới.

Trong các đề xuất sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh vào các nhóm chính sách vấn đề mới. Theo đó, các trường đại học dần trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh tương đương các viện nghiên cứu. Muốn phát triển được hoạt động khoa học công nghệ trong trường đại học cần có nội dung nghiên cứu, hoạt động, kinh phí đầu tư cho trường đại học. Ví dụ cần có chương trình đào tạo nghiên cứu sinh bằng nguồn kinh phí từ khoa học công nghệ.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 2174

Về trang trước Về đầu trang