Tin KHCN trong nước
Phát triển vùng trồng cà phê ứng dụng công nghệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (02/08/2024)
-   +   A-   A+   In  

Việt Nam đã và đang nỗ lực phát triển vùng trồng cà phê đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Việc này không chỉ nhằm mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các thị trường khó tính như châu Âu và Bắc Mỹ.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt tiêu chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu là nhiệm vụ cấp thiết. Bên cạnh sự hỗ trợ từ bộ và các cấp, ngành trung ương, các địa phương cần khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tận dụng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng nguyên liệu để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu là việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tại Đắk Lắk, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cà phê đã đạt được nhiều thành công. Gần như 100% diện tích tái canh đã sử dụng giống mới và giống nuôi cấy mô. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đã áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, giảm vật tư đầu vào, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, từ đó tăng năng suất lên đến 25%.

Ngoài ra, các doanh nghiệp và cá nhân ngày càng sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ cảm biến để theo dõi tình hình tưới nước và chế độ dinh dưỡng của cây. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương, cho biết: “Hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ mang lại trong sản xuất cà phê là rất lớn, giúp ngành hàng cà phê phát triển bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường, giảm phát thải và nâng cao hiệu quả kinh tế.”

Còn tại tỉnh Gia Lai, sau 2 năm triển khai "Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022 - 2025" đã hình thành và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu cà phê quy mô lớn, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đến nay, đã có 12 hợp tác xã nông nghiệp hình thành trên vùng nguyên liệu cà phê liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Để triển khai đề án và xây dựng Trung tâm logistics chuỗi cà phê tại Gia Lai, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai ông Lưu Trung Nghĩa, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét phê duyệt vị trí đất xây dựng Trung tâm Logistics Gia Lai tại Cụm Công nghiệp, tiểu thủ Công nghiệp số 2, huyện Đak Đoa. Ngoài ra, đề xuất bổ sung đầu tư thêm đường giao thông nội đồng và các hạng mục hạ tầng phục vụ việc phơi và chế biến cà phê đạt chất lượng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cà phê Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu EU, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tuân thủ các quy định mới nhất về bền vững và môi trường. Ông Rui Ludovino - Tham tán thứ nhất về Hành động Khí hậu, Môi trường, Việc làm và Chính sách xã hội, Phái đoàn EU tại Việt Nam, khẳng định: "EUDR sẽ góp phần giảm nạn phá rừng toàn cầu và suy thoái rừng trên toàn thế giới, từ đó giảm phát thải khí nhà kính và giúp giải quyết hai cuộc khủng hoảng lớn đương đại: mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu".

Sự gia tăng nhu cầu và thương mại của EU đối với các mặt hàng và sản phẩm hợp pháp, không phá rừng sẽ tạo cơ hội cho nông dân quy mô nhỏ ở Việt Nam. Việc tuân thủ EUDR sẽ cải thiện hệ thống sản xuất của doanh nghiệp, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và khả năng truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng; nhờ vậy, giá sản phẩm và sinh kế của nông dân cũng sẽ được cải thiện.

Đề cập về lộ trình thực thi các giải pháp kỹ thuật thích ứng với EUDR tại Việt Nam, ông Nguyễn Trung Kiên - Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết nhiều ngành hàng nông sản tại Việt Nam như cà phê, cao su đã triển khai lộ trình thích ứng với EUDR.

Trong lĩnh vực cà phê, Nhóm PPP (Public - Private Partnership) ngành hàng cà phê do Cục Trồng trọt, Tập đoàn Nestlé và JDE đồng chủ trì làm đầu mối triển khai các hoạt động thích ứng EUDR. Từ tháng 1 - 7 năm 2024, đã triển khai giải pháp thí điểm đáp ứng yêu cầu của EUDR tại Đắk Lắk và Lâm Đồng. Tháng 2 năm 2024, thành lập liên minh công tư nhằm chia sẻ và bảo mật thông tin, dữ liệu về xây dựng hệ thống rừng và vùng sản xuất đáp ứng EUDR tại Đắk Lắk và Lâm Đồng. Dự kiến mở rộng sang Gia Lai.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 2502

Về trang trước Về đầu trang