Nghiên cứu - Ứng dụng KH&CN
Hội đồng nghiệm thu đề tài Nghiên cứu, xác định nguyên nhân nhiễm mặn và đề xuất các giải pháp hạn chế tác động ở khu vực cánh đồng Bưng, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ (18/07/2024)
-   +   A-   A+   In  

 Ngày 15/7, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu, xác định nguyên nhân nhiễm mặn và đề xuất các giải pháp hạn chế tác động ở khu vực cánh đồng Bưng, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ”. Đề tài do PGS.TS Võ Công Hoang làm chủ nhiệm. Viện Thuỷ lợi và Môi trường là cơ quan chủ trì. Tham dự có ông Phạm Quang Nhật - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, chủ tịch hội đồng.

Đề tài thực hiện với mục tiêu là xác định nguyên nhân, đánh giá mức độ nhiễm mặn tại cánh đồng Bưng; đề xuất giải pháp hạn chế, khắc phục tình trạng nhiễm mặn tại cánh đồng Bưng.

 

Ở Việt Nam, vấn đề nhiễm mặn đất nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, tác động lớn đến đời sống nhân dân và nền kinh tế - xã hội. Trước tình trạng đất nhiễm mặn diễn ra phức tạp và lan rộng trên cả nước, các địa phương cũng đã có nhiều biện pháp giảm thiểu tác hại của xâm nhập mặn, phòng chống sự xâm nhập mặn, cũng như các biện pháp thích ứng với tình trạng mặn hóa đất nông nghiệp.

 

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện tượng nhiễm mặn tại cánh đồng Bưng, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ đã xuất hiện hơn 6 năm nay, khiến cho 10ha đất nông nghiệp không thể canh tác, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân trong khu vực. Như vậy, việc nghiên cứu toàn diện về tình trạng nhiễm mặn ở cánh đồng Bưng nhằm đưa ra các giải pháp hạn chế tác động của đất nhiễm mặn cho khu vực này là điều rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

 

Chủ nhiệm đề tài trình bài báo cáo tóm tắt 

 

Qua 18 tháng triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đưa ra được nguyên nhân nhiễm mặn đất và nước trong đất trên địa bàn cánh đồng Bưng là do tác động từ nguồn nước mặt, nguồn nước ngầm và các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân tại địa phương. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã xác định các yếu tố quyết định đến quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất trong các tầng chứa nước lỗ hổng. Từ đó, đã đề xuất được quy trình, giải pháp khai thác bền vững, hạn chế được xâm nhập mặn nước dưới đất tại cánh đồng Bưng như sau: Giải pháp rửa mặn cho khu vực cánh đồng Bưng, lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi chất lượng nước, giải pháp công trình thủy lợi nhằm hạn chế tái nhiễm mặn, giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi phù hợp với khu vực nghiên cứu.

 

Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng, kết quả thực hiện đề tài đã hoàn thành đầy đủ nội dung, đáp ứng các mục tiêu đặt ra của đề tài, có hiệu quả ứng dụng. Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện đề tài đạt và đề nghị đơn vị chủ trì thực hiện bổ sung, hoàn thiện báo cáo theo kết luận của Hội đồng.

Nguồn: Nguyễn Tuyết

Số lượt đọc: 654

Về trang trước Về đầu trang