Tiêu chuẩn ĐLCL
Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bao gồm các bước nào? (01/07/2024)
-   +   A-   A+   In  
Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng. Tính đến nay, hệ thống QCVN đã ban hành trên 800 QCVN trở thành công cụ quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng trước nguy cơ tiềm ẩn.

Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng. (Ảnh minh họa)

Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật là quy định về giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế-xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.

Trong đó, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.

Quy chuẩn kỹ thuật gồm 2 cấp: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) và Quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP). Quy chuẩn kỹ thuật gồm 5 loại: QCKT chung; QCKT an toàn sản phẩm; QCKT môi trường; QCKT quá trình và QCKT dịch vụ.

Quy trình xây dựng QCVN gồm 9 bước như sau: Bước 1: Lập kế hoạch xây dựng QCKT; Bước 2: Thành lập Ban biên soạn/chỉ định tổ chức thực hiện (Ban biên soạn cần có sự tham gia của đại diện bộ ngành, các tổ chức và các chuyên gia); Bước 3: Tiến hành xây dựng dự thảo QCKT; Bước 4: Tổ chức hội thảo chuyên đề (có sự tham gia doanh nghiệp, người dân là đối tượng chịu tác động trực tiếp của QCKT).

Bước 5: Gửi lấy ý kiến rộng rãi dự thảo QCKT, đồng thời đăng Website & xem xét gửi thông báo WTO/TBT; Bước 6: Hoàn thiện hồ sơ dự thảo QCKT; Bước 7: Thẩm tra hồ sơ dự thảo QCKT (Bộ + UBND); Bước 8: Tổ chức thẩm định (Bộ Khoa học và Công nghệ đối với QCVN); Bước 9: Chỉnh sửa dự thảo QCKT và trình cấp thẩm quyền ban hành.

Tính đến nay, hệ thống QCVN đã ban hành trên 800 QCVN trở thành công cụ quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng trước nguy cơ tiềm ẩn.

Giới chuyên gia nhận định, với sự thay đổi nhanh chóng của hệ thống tiêu chuẩn thế giới, để đảm bảo vị trí của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam tại thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý và nhu cầu của doanh nghiệp, yêu cầu bắt buộc là hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), QCVN tiếp tục phải thay đổi sao cho phù hợp với yêu cầu thực tế

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 340

Về trang trước Về đầu trang