Tin KHCN trong nước
Những sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ tại Techfest Quảng Nam (09/06/2024)
-   +   A-   A+   In  

Hơn 400 gian hàng sản phẩm khởi nghiệp, OCOP tiêu biểu các tỉnh thành trưng bày tại Techfest Quảng Nam 2024.

Techfest Quảng Nam 2024 diễn ra từ ngày 5-9/6. Sự kiện giới thiệu hàng trăm sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, OCOP lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu, thực phẩm; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; công nghệ, thiết bị của 18 tỉnh thành; ý tưởng, dự án từ các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh; ý tưởng, dự án của học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và THPT tỉnh.

Trong ảnh là khách đến tham quan gian hàng mua bánh tráng, phở sắn đến từ huyện Quế Sơn, Quảng Nam trưng bày. Đây là sản phẩm khởi nghiệp được tỉnh công nhận OCOP (chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm).

Dầu lạc (gọi là dầu phộng), dầu mè (dầu vừng) nổi tiếng của Quảng Nam trưng bày. Ông Phạm Văn Huệ, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm cho hay đã áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, hàng đầu như hệ thống ép dầu, lọc dầu, chiết rót, đóng chai tự động, khép kín. Hợp tác xã kết hợp quy trình sản xuất tinh gọn, hiệu quả nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng để cung cấp cho các thị trường cao cấp toàn quốc và xuất khẩu.

Chị Trần Thị Hằng, xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, Quảng Nam giới thiệu sản phẩm ướp hoa thành nghệ thuật có thể giữ được độ tươi gần 10 năm. Chị ứng dụng công nghệ cát bột hút ẩm để làm hoa khô và giữ được màu sắc trong thời gian dài.

Gian trưng bày sản phẩm Tảo xoắn Spirulina, Đại học Đà Nẵng. Đây là sản phẩm giàu protein, vitamin, khoáng chất cung cấp năng lượng tối đa cho cơ thể, hỗ trợ sức khỏe tốt. Tảo có dưỡng chất phycocyanin giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư.

Nấm linh chi, vân chi do sinh viên Khoa sinh môi trường (Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng) nghiên cứu giống.

Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ giới thiệu hơn 70 sản phẩm được công nhận khởi nghiệp sáng tạo. Sau hai ngày, hàng chục sản phẩm như sữa chua khô, trà mãng cầu thu hút du khách tham quan.

Từ vùng đất Ninh Thuận, các doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm đặc trưng gồm táo, nho sấy khô và dẻo. Quá trình sản xuất đã lắp đặt dây chuyền sấy nông sản và hệ thống xử lý bảo quản nho, táo theo công nghệ khí điều biến đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Em Trương Thành Phúc, học sinh lớp 11, trường THPT chuyên Huỳnh Mẫm Đạt, Kiên Giang giới thiệu sản phẩm "Viên nén tái tạo hiệp đồng từ đất biển Kiên Giang". Sản phẩm được làm từ rác thải nhựa, vỏ trấu và bột đá dolomit thành viên nén tạo chất đốt thân thiện môi trường, thay thế phù hợp cho nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt.

Sản phẩm chưa từng có trên thị trường, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bụi, khí thải công nghiệp khi cháy. Viên nén có giá thành dự kiến 7 triệu đồng một tấn, thấp hơn than đá.

Việc đưa sản phẩm sản xuất với quy mô công nghiệp hứa hẹn nhiều triển vọng trong hiện thực hóa ý tưởng biến rác thải nhựa thành sản phẩm mang giá trị kinh tế, góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân trồng lúa từ việc bán vỏ trấu đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững. "Chúng em mong muốn được đầu tư đưa ra sản phẩm ra thị trường", Phúc nói.

Tương tự, nhóm học sinh đến từ Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Kiên Giang trưng bày sản phẩm xà phòng Hanhmade Mocha làm từ bơ, dầu dừa, đậu nành, khổ qua rừng, tinh dầu bạc hà... Sản phẩm có tác dụng trị mụn, rôm sẩy, giảm viên da, mát da, dưỡng và sáng da.

Ngoài các sản phẩm sáng tạo khởi nghiệp, Techfest Quảng Nam 2024 thu hút nhiều gian hàng công nghệ của trường đại học, doanh nghiệp khởi nghiệp giới thiệu. Mô hình hệ thống truyền lực ôtô do Khoa ôtô - cơ khí xây dựng (Trường Cao đẳng Quảng Nam) trưng bày.

Mô hình là hệ thống hoạt động thực tế với các chi tiết, phận ôtô mà trên thị trường chưa có. Thiết bị này thuận lợi cho việc học và thực hành. Quá trình vận hành cắm điện, tháo lắp dễ dàng.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 4218

Về trang trước Về đầu trang