Tin KHCN trong nước
Nâng cao hiệu quả bảo hộ sở hữu trí tuệ các đặc sản địa phương (01/06/2024)
-   +   A-   A+   In  

Sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ thể hiện qua xây dựng, phát triển, khai thác các chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm gắn sao chương trình OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) được nhiều địa phương quan tâm thực hiện.

Chú thích ảnh

Các doanh nghiệp công nghệ ngày càng coi trọng việc tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ. Ảnh minh họa: bnews.vn

Ưu tiên sản phẩm chủ lực, đặc thù

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học học và Công nghệ), hiện nay, hầu hết các địa phương đã xác định danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, sản phẩm đặc sản của địa phương. Từ đó, tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đăng ký bảo hộ, phát triển các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, góp phần nâng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Tại vùng Đông Nam Bộ, Bình Phước là một trong những địa phương quan tâm xây dựng, phát triển các nhãn hiệu cộng đồng cho sản phẩm. Hiện nay, nhiều sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương đã được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, như: chỉ dẫn địa lý “hạt điều Bình Phước”, nhãn hiệu chứng nhận “cao su Bình Phước”, nhãn hiệu tập thể “hồ tiêu Lộc Ninh”, nhãn hiệu tập thể “gà thả vườn Thanh Lương”, “nhãn tiêu da bò Thanh Lương”...

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, cùng mục tiêu phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương, tỉnh Đồng Tháp đang tích cực triển khai chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn đến năm 2030.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thành Tài thông tin: Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2030 có tối thiểu 50% sản phẩm được công nhận là sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ và kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, có ít nhất 2 chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu (mang địa danh) được bảo hộ ra nước ngoài. Tỉnh cũng hỗ trợ hoạt động quản lý, phát triển ít nhất 10 thương hiệu cộng đồng (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý) đã được bảo hộ.

Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 38 chứng nhận đăng ký cho các nông sản chủ lực, đặc thù. Trong đó có chỉ dẫn địa lý “xoài Cao Lãnh” và các nhãn hiệu chứng nhận, như: sen Tháp Mười, ớt Thanh Bình, quýt hồng Lai Vung, khoai môn Lấp Vò, nhãn Châu Thành, hoa kiểng Sa Đéc…

Tương tự, tỉnh Sóc Trăng cũng đẩy mạnh thực hiện chiến lược sở hữu trí tuệ và chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn. Trong đó, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025 có tối thiểu 40% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. Đến năm 2030, Sóc Trăng có tối thiểu 60% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý phát triển tài sản trí tuệ. Đồng thời, thị xã Vĩnh Châu tự chủ trong công tác quản lý, khai thác chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho 2 sản phẩm là hành tím và Artemia (trứng, sinh khối) đã được Cục Sở hữu tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Duy trì, phát triển để nâng sức cạnh tranh

Xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm có thế mạnh của địa phương là rất cần thiết. Song quan trọng hơn là sau đó, các sản phẩm, đặc sản đã có chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận tiếp tục được phát triển theo hướng nâng tầm giá trị, tăng sức cạnh tranh, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho doanh nghiệp, cơ sở, người trực tiếp sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hiện nay, nhiều sản phẩm, dịch vụ ở các địa phương sau khi được tư vấn, đăng ký bảo hộ thành công quyền sở hữu trí tuệ đã được hỗ trợ tham gia Chương trình OCOP và đạt thứ hạng cao, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Lấy ví dụ cụ thể đổi với sản phẩm hạt điều, bà Bùi Thị Minh Thúy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước cho hay: Với quy mô trên 150.000 ha trồng điều, chiếm khoảng 50% diện tích điều cả nước, Bình Phước được mệnh danh là “thủ phủ điều” của Việt Nam. Xác định đây là sản phẩm thế mạnh, đặc thù, tỉnh đã quan tâm phát triển thương hiệu, đăng ký đề nghị cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn “hạt điều Bình Phước” có hiệu lực vô thời hạn, trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tỉnh Bình Phước xác định đây là một tài sản trí tuệ chung, là một hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ trí tuệ cao, gắn với chỉ dẫn về nguồn gốc của sản phẩm, cho phép doanh nghiệp, người dân sử dụng để từng bước tiếp cận phát triển thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính.

Chỉ dẫn địa lý được xác lập cũng giúp nâng cao quyền lợi, trách nhiệm của các doanh nghiệp ngành điều và người trồng điều trong tổ chức sản xuất, duy trì uy tín, danh tiếng sản phẩm. Đặc biệt, thông qua các hoạt động quảng bá và thương mại, chỉ dẫn địa lý “hạt điều Bình Phước” còn là sứ giả mang văn hóa đặc trưng của tỉnh đến vùng miền khác trong nước và thế giới. Đến nay, có 9 doanh nghiệp sản xuất hạt điều trên địa bàn đã được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “hạt điều Bình Phước”.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước, hiện nay, biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi khó lường ảnh hưởng đến khả năng phát triển và năng suất hạt điều. Trong khi đó, nhiều loại vật tư nông nghiệp và nhiên liệu phục vụ sản xuất tăng cao “đẩy” giá thành sản xuất lên. Nhưng, giá bán sản phẩm lại duy trì ở mức thấp. Chưa kể, giá các sản phẩm hạt điều mang chỉ dẫn địa lý có cao hơn so với sản phẩm không mang chỉ dẫn địa lý nhưng mức chênh lệch không đáng kể, khiến người trồng điều gặp khó khăn.

Để phát huy hết giá trị của tài sản trí tuệ là chỉ dẫn địa lý “hạt điều Bình Phước”, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan đề xuất, tham mưu các cấp lãnh đạo xem xét, tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp đã được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là ra thị trường nước ngoài. Đồng thời, tỉnh xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã được bảo hộ. Tỉnh đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền để chỉ dẫn địa lý “ hạt điều Bình Phước” là dấu hiệu được ngày càng nhiều người tiêu dùng hiểu rõ và lựa chọn.

Liên quan giải pháp nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm, đặc sản, dịch vụ chủ lực sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhiều chuyên gia cho rằng: cần có sự tham gia tích cực từ các sở, ngành, tổ chức hội nghề nghiệp, hiệp hội tại địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền để người sản xuất hiểu vai trò quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho đặc sản, sản phẩm. Các đơn vị chức năng cũng cần có phương án hỗ trợ, xây dựng, phát triển các tài sản trí tuệ đã được bảo hộ; nghiên cứu, ứng dụng quy trình công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần phát triển ổn định, bền vững các chỉ dẫn địa lý, các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.

Theo ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam Cục Sở hữu trí tuệ: để khai thác, phát triển hiệu quả tài sản trí tuệ đối các đặc sản, các đơn vị chức năng chú trọng phát triển sản phẩm theo nhu cầu thị trường, tăng cường quảng bá bằng cả hình thức truyền thống và trực tuyến, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truy xuất nguồn gốc, vùng trồng, tăng niềm tin với người tiêu dùng, đồng thời cũng cần lưu ý những vấn đề như sản xuất tuần hoàn, trách nhiệm cộng đồng và cả những “hàng rào kỹ thuật” trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm.

Nguồn: baotintuc.vn

Số lượt đọc: 4155

Về trang trước Về đầu trang