Tin KHCN trong nước
Đề xuất các nội dung sửa đổi trong Luật KH&CN năm 2013 (09/05/2024)
-   +   A-   A+   In  

Việc xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi) thay thế Luật KH&CN năm 2013 một cách toàn diện, đồng bộ là phù hợp yêu cầu của thực tiễn và xu thế phát triển trong thời gian tới.

Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) năm 2013 ra đời là dấu mốc quan trọng trong đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN, xem đó là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN. Luật đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phát huy vai trò của các tổ chức KH&CN, phát triển thị trường KH&CN; đổi mới cấp kinh phí và xây dựng, triển khai các nhiệm vụ KH&CN thông qua quỹ, phương thức khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

Đồng thời, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ; phát triển các doanh nghiệp KH&CN, các quỹ trong lĩnh vực KH&CN; xây dựng đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng nhân tài KH&CN; thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo vì sự phát triển của đất nước; tăng cường hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện Luật KH&CN năm 2013 đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp do sự thay đổi của tình hình thực tiễn, đặc biệt là về thể chế và xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng trong những năm gần đây. Vì vậy, với những quy định hiện nay còn có vướng mắc, nếu không được nghiên cứu, sửa đổi kịp thời sẽ kìm hãm sự phát triển của KH&CN trong nước, về lâu dài ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của đất nước. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận thấy việc xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi) thay thế Luật KH&CN năm 2013 một cách toàn diện, đồng bộ là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và xu thế phát triển trong thời gian tới.

Ảnh minh hoạ.

Cũng theo Bộ KH&CN, trên cơ sở kết quả tổng kết tình hình thực hiện Luật KH&CN năm 2013, việc đề xuất sửa đổi Luật KH&CN năm 2013 thực hiện theo các nguyên tắc sau: Rà soát, sửa đổi toàn diện Luật KH&CN năm 2013 để chuyển dịch các hoạt động, tập trung phát triển hệ thống ĐMST quốc gia; Mở rộng quy định để bao quát đầy đủ các đối tượng, đặc biệt là đối tượng ngoài công lập;

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho các bộ ngành, địa phương, tự chủ cho các tổ chức, đồng thời hoàn thiện cơ chế tự đánh giá, đánh giá định kỳ, đột xuất để nâng cao hiệu quả của hoạt động KH&CN; Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong triển khai cơ chế chính sách về KH&CN tạo thông thoáng cho hoạt động KH&CN, giải phóng sức sáng tạo của toàn xã hội; phù hợp với tính chất về độ trễ, độ rủi ro của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

Mở rộng các công cụ của Nhà nước để thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) nhằm nhanh chóng cập nhật trình độ công nghệ thế giới trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào đời sống, xã hội phục vụ phát triển bền vững đất nước;

Rà soát hoàn thiện các quy định về tổ chức, nhân lực, tài chính, hạ tầng… cho KHCN&ĐMST nhằm phát triển mạnh mẽ tiềm lực KH&CN theo hướng đẩy mạnh phát triển từ khối ngoài công lập; Bổ sung chính sách để đưa trường đại học trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh (như viện nghiên cứu…);Bổ sung chính sách thúc đẩy phổ biến các tri thức, lan tỏa công nghệ trong toàn bộ hệ thống ĐMST quốc gia.

Với các nguyên tắc trên, dự kiến nội dung sửa đổi Luật KH&CN năm 2013 bao gồm: Chính sách 1: Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật (bổ sung nội hàm ĐMST); Chính sách 2: Hoàn thiện quy định chung về hoạt động KH,CN&ĐMST; Chính sách 3: Thúc đẩy chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN, tổ chức thúc đẩy ĐMST; Chính sách 4: Phát triển nguồn nhân nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST; Chính sách 5: Tạo điều kiện thuận lợi về đầu tư, tài chính cho KH,CN&ĐMST; Chính sách 6: Hoàn thiện hạ tầng KH,CN&ĐMST; Chính sách 7: Phát triển thông tin KH,CN&ĐMST; Chính sách 8: Hoàn thiện quy định về chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Chính sách 8: Bổ sung quy định về Dự án ĐMST;

Chính sách 9: Tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả của các dự án ĐMST; Chính sách 10: Thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp; Chính sách 11: Thúc đẩy thương mại hóa kết quả KH&CN và phát triển thị trường công nghệ; Chính sách 12: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; Chính sách 13: Đánh giá chương trình, đề tài, đánh giá tổ chức KH&CN, tổ chức thúc đẩy ĐMST; Chính sách 14: Thúc đẩy phổ biến tri thức; Chính sách 15: Hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KHCN&ĐMST.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 3549

Về trang trước Về đầu trang