Tin KHCN trong nước
Việt Nam cần tham gia ngày càng sâu vào mọi công đoạn của ngành vi mạch bán dẫn (05/05/2024)
-   +   A-   A+   In  

Việt Nam cần có bước đi, nhìn nhận thấu đáo, kỹ lưỡng để có cách tiếp cận hợp lý, hiệu quả, tham gia ngày càng sâu vào mọi công đoạn của ngành vi mạch bán dẫn.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ngành vi mạch bán dẫn là nền tảng của công nghiệp điện tử hiện đại, giữ vai trò hết sức quan trọng đối với nhiều giải pháp công nghệ hiện nay. Hệ thống năng lượng, giao thông, công nghệ thông tin, điện toán hay các tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (BigData), viễn thông 5G, siêu máy tính, tự động hóa, quốc phòng, an ninh… đều dựa vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của ngành vi mạch bán dẫn.

Công nghiệp vi mạch bán dẫn đóng vai trò quan trọng định hình sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế toàn cầu; thúc đẩy xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển dựa vào tri thức của toàn cầu. Ở chiều ngược lại, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và sự phát triển của công nghiệp điện tử là chỗ dựa mạnh mẽ công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Thị trường chip bán dẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong suốt 20 năm qua, và được dự báo sẽ trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn có tính toàn cầu hóa. Với các đặc thù là sự phức tạp của sản phẩm, đòi hỏi sự đầu tư lớn về sản xuất và yêu cầu cao về trình độ lao động, kích thước, hiệu năng xử lý quyết định năng lực canh tranh của sản phẩm và ưu thế của các nhà sản xuất.

Đề cập đến 6 công đoạn của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn (chế tạo vật liệu, chế tạo thiết bị sản xuất chíp, công cụ thiết kế, thiết kế, gồm thiết kế hệ thống và gia công thiết kế), sản xuất, lắp ráp và đóng gói, kiểm thử), trong đó một số công đoạn đang được giữ độc quyền, không chuyển giao công nghệ, Phó Thủ tướng cho rằng, những nước đang phát triển như Việt Nam cần có bước đi, nhìn nhận thấu đáo, kỹ lưỡng để có cách tiếp cận hợp lý, hiệu quả, tham gia ngày càng sâu vào mọi công đoạn của ngành vi mạch bán dẫn. Điều đó đòi hỏi chiến lược đào tạo nhân lực bài bản với yêu cầu đầu tư, chất lượng khác nhau.

Mỗi quốc gia đều có chiến lược riêng phát triển sản phẩm, nhóm sản phẩm trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn dựa trên thế mạnh của mình. Cùng với nguồn nhân lực trong nước, Việt Nam còn có nguồn tài nguyên quý giá là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, nhân sự quản lý cấp cao là người Việt đang làm việc tại những doanh nghiệp vi mạch bán dẫn hàng đầu thế giới.

"Trong xu thế chuyển dịch chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu, công tác đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn không chỉ phục vụ Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, nhu cầu của các doanh nghiệp tại Việt Nam mà cần nằm trong bài toán tổng thể của ngành vi mạch bán dẫn, công nghiệp điện tử toàn cầu", Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Việt Nam cần tham gia sâu vào các công đoạn của ngành vi mạch bán dẫn.

Xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, chuyên môn sâu

Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và hiện đang đứng trước thời cơ to lớn để trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Trong quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, hai bên đặc biệt nhấn mạnh hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao; Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hoa Kỳ về phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn trong khuôn khổ chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Joe Biden tháng 9/2023.

Gần đây, các tập đoàn sản xuất vi mạch bán dẫn hàng đầu (NVIDIA, Intel, Samsung, Synopsys…) đã có nhiều chuyến thăm, làm việc, khẳng định sự quan tâm, hợp tác, đẩy mạnh nghiên cứu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, phát triển, hướng tới xây dựng các trọng điểm sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.

"Chúng ta cần nhìn nhận, giải quyết vấn đề 'định vị' và 'dịch chuyển' của cuộc đua phát triển ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu bằng những bài toán cụ thể với thời gian sớm nhất, ngắn nhất, trong đó, nguồn nhân lực sẽ quyết định sự thành công hay không thành công", Phó Thủ tướng nói và cho rằng những chủ trương, định hướng, quan điểm, mục tiêu, đường lối của Đảng, Nhà nước về ngành công nghiệp bán dẫn cần đi đôi với lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, phân công rõ ràng.

Phó Thủ tướng nêu rõ, việc nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn là mấu chốt, là cơ hội, cũng là thách thức lớn nhất để Việt Nam phát huy tốt tiềm năng, lợi thế. Mỗi công đoạn của ngành vi mạch bán dẫn cần dự báo, đánh giá nhu cầu nhân lực của thị trường trong nước, thế giới, cũng như xu hướng phát triển của các ngành công nghiệp điện tử.

Nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa công nghiệp bán dẫn với nghiên cứu cơ bản, triển khai, chuyển giao, ứng dụng sản xuất, Phó Thủ tướng mong muốn các nhà quản lý, các tổ chức ngoại giao, đơn vị đào tạo, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận, đóng góp, đề xuất của về xu thế, cơ hội, giải pháp để Việt Nam có thể giải được "bài toán" nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn. "Chính phủ cần làm gì để cùng với doanh nghiệp xác định chiến lược đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn có cơ sở khoa học, thực tiễn vững chắc", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho rằng, cần xác định thế mạnh của Việt Nam, có thể nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ ngay những công đoạn nào trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn, từ đó, đánh giá nền tảng, tiềm năng nguồn nhân lực. Những công đoạn cần đi xa, đi vững chắc thì xác định những lĩnh vực đầu tư nghiên cứu cơ bản, đào tạo chuyên sâu.

Vấn đề đặt ra là cần xây dựng tháp nhân lực phù hợp đối với từng trình độ đào tạo theo lộ trình triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Trong đó chú trọng những ngành nền tảng căn bản của công nghiệp bán dẫn, thiết kế chip, như STEM (science, technology, engineering, maths) với các ngành khoa học vật lý, vật liệu, toán học, hóa chất, điện tử, tin học, thiết kế hệ thống; đồng thời thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài; thúc đẩy hình thức đào tạo chuyển đổi cử nhân, kỹ sư từ các ngành nghề gần hơn, như điện tử, vật liệu, vật lý, hóa chất, lập trình

"Đào tạo ngành vi mạch bán dẫn cần có tính toán, dự báo dựa trên tín hiệu thị trường, thực sự đáp ứng nhu cầu của thị trường, tránh phát triển nóng, tràn lan, thiếu hiệu quả. Việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo", Phó Thủ tướng nói.

Từ mô hình của Trường Đại học Phennika, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi về cách làm để trong một thời gian ngắn, nguồn lực hạn chế có thể đầu tư các trung tâm khoa học công nghệ, những bộ công cụ dùng chung cho các trường đại học, doanh nghiệp, những chuyên gia, nhà khoa học ở mọi công đoạn của ngành công nghiệp bán dẫn. Đồng thời mong muốn lắng nghe kiến nghị, đề xuất, hoặc các ý tưởng về các "gói" cơ chế, chính sách đột phá, trước mắt là thu hút nhân tài ngành công nghiệp bán dẫn bằng chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, sự ghi nhận tôn vinh xứng đáng,…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành công nghiệp bán dẫn rất cần những người thầy về ý tưởng, lý thuyết, thực tiễn, thực hành, phương pháp… nếu muốn đào tạo hàng chục ngàn lao động chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này có thể bao gồm việc cung cấp các khóa đào tạo và chương trình huấn luyện chuyên sâu, tạo điều kiện, môi trường để các giảng viên chuyển đổi, đào tạo lại, củng cố chương trình về đào tạo cơ bản. Hội thảo cần góp ý các gói chính sách, điều kiện thực thi tương ứng với mỗi mục tiêu, nhiệm vụ về đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn.

Đánh giá cao sự đi đầu, dẫn dắt của các trường đại học trong đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành các chính sách thuận lợi cho các trường đại học thực hiện chuyển đổi chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, kết nối mật thiết với doanh nghiệp, trong đó có mô hình trường đại học, viện nghiên cứu trong doanh nghiệp… phục vụ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, để các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu đáp ứng sát, đúng yêu cầu doanh nghiệp, từng bước tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng, tiến tới xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Phó Thủ tướng ghi nhận sự tham gia của Đà Nẵng, TPHCM cũng như các đối tác liên quan khác trong việc hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, "đi trước một bước" hình thành nền tảng cho ngành công nghiệp bán dẫn.

"Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ trong nghiên cứu, đào tạo phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn; cam kết tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp phát triển sản xuất chip bán dẫn nói riêng", Phó Thủ tướng khẳng định và tin tưởng Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng, có uy tín trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn thế giới đang tiếp tục chuyển đổi và định vị, xác định những định hướng hợp tác bền vững, lâu dài.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 3582

Về trang trước Về đầu trang