Tin KHCN trong nước
Bộ Khoa học: 'Tâm lý ỷ vào bao cấp còn sâu đậm' (12/06/2015)
-   +   A-   A+   In  
Hàng trăm tổ chức khoa học và công nghệ công lập chuyển đổi theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nhưng cũng còn một bộ phận cán bộ lãnh đạo các tổ chức này có tâm lý ỷ lại vào bao cấp của Nhà nước.

Sáng nay (12/6), Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân sẽ trả lời chất vấn Quốc hội. Một trong 4 nhóm vấn đề được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ Khoa học là việc thực hiện chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Nghị định 115).

 

Trả lời chất vấn trên, Bộ Khoa học cho hay, sau khi Nghị định 115 được ban hành, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành 8 Thông tư và 1 Quyết định để hướng dẫn chi tiết triển khai một cách có hệ thống và đồng bộ cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

 

“Tính đến 31/12/2014, trong tổng số 642 tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc đối tượng thực hiện Nghị định 115 có 488 tổ chức đã được phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ. 154 tổ chức đang xây dựng hoặc đang trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”, Bộ Khoa học thông tin.

 

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Khoa học, trong quá trình thực hiện chuyển đổi đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Nhận thức của một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng và đầy đủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nên đã áp dụng không đúng đối tượng thực hiện cơ chế này; Thiếu sự quyết liệt và nghiêm túc trong chỉ đạo thực hiện Nghị định 115 ở một số Bộ, ngành, địa phương. Có nơi chưa phê duyệt, thậm chí chưa phê duyệt được đề án chuyển đổi nào, như Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Nam, Khánh Hòa, Lai Châu... Bên cạnh đó, còn sự tồn tại của tâm lý ỷ lại vào bao cấp của Nhà nước trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

 

Bộ Khoa học cho biết, dù còn khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện nhưng thực tiễn 10 năm qua đã cho thấy, giao quyền tự chủ sẽ nêu cao trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Việc chuyển đổi là giải pháp có ý nghĩa quyết định để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

 

Theo Bộ Khoa học, một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập sau khi chuyển đổi đã hoạt động rất hiệu quả như: Viện Dầu khí Việt Nam (Bộ Công Thương), tổng doanh thu: 601 tỷ đồng, thu nhập bình quân 22,7 triệu/người/tháng; Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Bộ Khoa học), tổng doanh thu: 350 tỷ đồng, thu nhập bình quân 18 triệu/người/tháng; Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá (Bộ Công Thương), tổng doanh thu: 291 tỷ đồng, thu nhập bình quân 7,8 triệu/người/tháng…

 

Cùng với nội dung chất vấn liên quan đến Nghị định 115, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng trả lời chất vấn các nhóm vấn đề: Giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập hiện nay để áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; Trách nhiệm của ngành khoa học và công nghệ trong việc đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; Hiệu quả sử dụng ngân sách khoa học và công nghệ.

 

Nguồn: vnexpress

Số lượt đọc: 9528

Về trang trước Về đầu trang