Tin KHCN nước ngoài
Liên hợp quốc thông qua nghị quyết đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (03/04/2024)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 21/3/2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết toàn cầu đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm kêu gọi các nước chung tay bảo vệ quyền con người, bảo vệ dữ liệu cá nhân và kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn từ công nghệ này. Nghị quyết không mang tính ràng buộc pháp lý do Hoa Kỳ đề xuất và được hơn 120 quốc gia khác đồng bảo trợ. Nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận của toàn bộ 193 nước thành viên Liên Hợp quốc, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các chính sách về quyền riêng tư.

Tất cả các quốc gia đã có cùng tiếng nói trong vấn đề này và cùng nhau lựa chọn quản lý AI thay vì để nó chi phối chúng ta” - Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield nhấn mạnh. Bà bày tỏ hy vọng rằng “cuộc đối thoại toàn diện và mang tính xây dựng dẫn đến nghị quyết này sẽ đóng vai trò là hình mẫu cho các cuộc đối thoại trong tương lai về các thách thức AI trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như liên quan đến hòa bình và an ninh cũng như việc sử dụng quyền tự chủ AI của quân đội một cách có trách nhiệm”.

Bà Thomas-Greenfield lưu ý rằng Nghị quyết được thiết kế nhằm thúc đẩy các nhiệm vụ mà Liên Hợp quốc đang thực hiện, bao gồm Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và Hội đồng Nhân quyền. Bà nói: “Nó sẽ bổ sung cho các sáng kiến ​​trong tương lai của Liên Hợp quốc, bao gồm các cuộc đàm phán hướng tới một hiệp ước kỹ thuật số toàn cầu và công việc của cơ quan cố vấn cấp cao của Tổng thư ký về AI”. Bà Thomas-Greenfield cũng nhấn mạnh cơ hội và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế rằng “AI sẽ được tạo ra và triển khai dưới lăng kính của nhân loại và phẩm giá, sự an toàn và an ninh, nhân quyền và các quyền tự do cơ bản. Chúng ta hãy cam kết thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số trong và giữa các quốc gia, đồng thời sử dụng công nghệ này để thúc đẩy các ưu tiên chung về phát triển bền vững”.

Nghị quyết là sáng kiến mới nhất trong một loạt sáng kiến của các chính phủ trên thế giới nhằm định hình sự phát triển của AI, thúc đẩy việc sử dụng hệ thống AI “an toàn, bảo mật và đáng tin cậy”, cũng như hưởng lợi cho sự phát triển bền vững của tất cả mọi người. Qua việc chấp nhận dự thảo nghị quyết do Hoa Kỳ dẫn đầu mà không cần bỏ phiếu, Đại hội cũng nhấn mạnh sự tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong việc thiết kế, phát triển, triển khai và sử dụng AI.

Theo Nghị quyết, việc thiết kế, phát triển, triển khai và sử dụng hệ thống AI sai mục đích hoặc có ác ý ẩn chứa nhiều rủi ro làm suy yếu việc bảo vệ, thúc đẩy và hưởng thụ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản. Nghị quyết ra đời trong bối cảnh lo ngại việc nó có thể được sử dụng để phá vỡ các quy trình dân chủ, làm gia tăng các hành vị gian lận hoặc gây ra tình trạng mất việc làm nghiêm trọng, cùng nhiều tác hại khác.

Đại hội đồng cũng công nhận tiềm năng của các hệ thống AI trong việc tăng tốc và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình đạt được 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững. Đây là lần đầu tiên Hội đồng thông qua một nghị quyết về quản lý lĩnh vực mới nổi.

Nghị quyết kêu gọi tất cả các Quốc gia Thành viên và các bên liên quan “kiềm chế hoặc ngừng sử dụng các hệ thống AI không thể hoạt động theo luật nhân quyền quốc tế hoặc gây ra rủi ro không đáng có cho việc thụ hưởng nhân quyền”. “Các quyền tương tự mà mọi người có ngoại tuyến cũng phải được bảo vệ trực tuyến, bao gồm cả trong suốt vòng đời của hệ thống AI”. Nghị quyết cũng kêu gọi tất cả các quốc gia, khu vực tư nhân, xã hội dân sự, các tổ chức nghiên cứu và giới truyền thông phát triển và hỗ trợ các phương pháp tiếp cận và khuôn khổ pháp lý và quản trị liên quan đến việc sử dụng AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy; các Quốc gia Thành viên và các bên liên quan hợp tác và hỗ trợ các nước đang phát triển để họ có thể hưởng lợi từ khả năng tiếp cận toàn diện và công bằng, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và nâng cao trình độ kỹ thuật số.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 3007

Về trang trước Về đầu trang