Tin KHCN trong nước
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm OCOP (08/04/2024)
-   +   A-   A+   In  

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tạo ra tài sản trí tuệ, đặc biệt là cho các nhóm chủ thể doanh nghiệp và nhóm sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP địa phương; ưu tiên xử lý các đơn đăng ký nhãn hiệu liên quan đến sản phẩm OCOP.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm OCOP- Ảnh 1.

Bắc Giang quan tâm đến việc bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm mỳ Chũ, Lục Ngạn - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 23/2/2023 về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Theo đó, một trong những điều kiện bắt buộc đối với sản phẩm đề nghị xét, công nhận 4 sao trở lên là phải có nhãn hiệu được đăng ký, sản phẩm gắn với cộng đồng địa phương được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và dấu hiệu bảo hộ nguồn gốc địa lý phải được sử dụng trên thực tế.

Trong năm qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Văn phòng Điều phối nông thôn mới các địa phương đánh giá thực trạng và nhu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong và ngoài nước cho các sản phẩm OCOP.

Tính đến hết tháng 12/2023, đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo đó, đã có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm so với tháng 12/2022), trong đó, 68,9% sản phẩm 3 sao, 29,9% sản phẩm 4 sao, 42 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao; có 5.724 chủ thể OCOP, trong đó có 37,5% là hợp tác xã, 24,4% là doanh nghiệp, 35,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Thống kê từ 27 địa phương có công văn gửi Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy, có 978 sản phẩm được công nhận 4 sao, trong đó 62% sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các sản phẩm còn lại đều đã nộp đơn đăng ký tại Cục. Các sản phẩm đã được công nhận 4 sao nhưng chưa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là các sản phẩm được công nhận từ trước năm 2023 khi Thủ tướng Chính phủ chưa ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg.

TS. Đào Đức Huấn, Trưởng phòng Quản lý OCOP và Du lịch nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, sau hơn 5 năm, chương trình OCOP đã được triển khai rộng khắp và có sự lan tỏa mạnh mẽ ở tất cả 63/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Chương trình đã khẳng định sự phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Đặc biệt, chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn….

Ước tính, tỉ lệ chủ thể OCOP gia tăng về sản lượng sau khi được công nhận OCOP là 46%, doanh thu bán hàng tăng bình quân là 29,7%; tỉ lệ sản phẩm OCOP có giá bán tăng lên là 50,43%, mức tăng giá bình quân là 17,5%. Đồng thời, chương trình OCOP đã giúp các chủ thể mở rộng được kênh phân phối, tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, tỉ lệ chủ thể tham gia vào kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử chiếm 57,9%.

Tuy nhiên, ông Đào Đức Huấn cho rằng một trong những khó khăn trong triển khai Chương trình OCOP là việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm OCOP. Hiện nay, nhận thức, sự quan tâm và năng lực của chủ thể OCOP về sở hữu trí tuệ vẫn còn hạn chế. Thời gian đăng ký nhãn hiệu còn dài, khó khăn cho các chủ thể trong việc nâng hạng sản phẩm OCOP. Phát triển sản phẩm OCOP chưa được quan tâm, lồng ghép gắn với các nhiệm vụ, đề tài về hỗ trợ phát triển sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, các cán bộ quản lý tham gia hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP chưa đáp ứng được hết các yêu cầu của thực tiễn, dẫn đến dễ dàng trong chứng nhận các sản phẩm OCOP 4 sao...

Ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có sự ưu tiên, hỗ trợ các chủ thể OCOP trong đăng ký nhãn hiệu, đẩy nhanh hơn nữa thời thẩm định hồ sơ; hỗ trợ các chủ thể OCOP (quốc gia, tiêu biểu) đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài...

Bộ KH&CN cũng sẽ xây dựng tài liệu hướng dẫn đăng ký bảo hộ và quản trị nhãn hiệu tại Việt Nam cho các chủ thể OCOP và tài liệu hướng dẫn đăng ký bảo hộ và bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu cho các chủ thể OCOP tại một số thị trường trọng điểm; tăng cường tập huấn, hướng dẫn về sở hữu trí tuệ cho các chủ thể OCOP tại địa phương...

Nhằm tôn vinh vai trò của sở hữu trí tuệ trong đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sở hữu trí tuệ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn ngày 26/4 hằng năm là “Ngày sở hữu trí tuệ thế giới”.

Năm 2024, chủ đề của Ngày sở hữu trí tuệ thế giới là "Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo". Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024 là cơ hội để khám phá cách thức mà sở hữu trí tuệ khuyến khích và có thể tăng cường tác động của các giải pháp đổi mới sáng tạo hướng tới xây dựng tương lai chung với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới với mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với công chúng gắn với chủ đề Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đưa ra, góp phần nâng cao nhận thức, tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các thành quả khác.

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 3514

Về trang trước Về đầu trang