Tin KHCN trong nước
Chung tay bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước ở Việt Nam (30/01/2024)
-   +   A-   A+   In  

Trước xu hướng suy thoái của các vùng đất ngập nước đang ngày càng nghiêm trọng, Ban thư ký Công ước Ramsar đã đề nghị các quốc gia hưởng ứng, tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới vào ngày 02/02/2024 với chủ đề “Đất ngập nước và Phúc lợi cho con người”. Sự kiện nhằm làm nổi bật mối liên hệ giữa phúc lợi cho con người với sức khỏe của các vùng đất ngập nước trên thế giới; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng trong các hoạt động quản lý của con người đối với các vùng đất ngập nước trên thế giới.

Ngày Đất ngập nước Thế giới 02/02/2024 với chủ đề “Đất ngập nước và Phúc lợi cho con người”.

Việt Nam đẩy mạnh bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

Được đánh giá là quốc gia có hệ sinh thái đất ngập nước đa dạng với khoảng hơn 25 vùng có thể đáp ứng được tiêu chí của vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế theo Công ước Ramsar, Việt Nam đã phê chuẩn, trở thành thành viên thứ 50 của Công ước Ramsar từ năm 1989 và là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á tham gia Công ước. Thông qua việc phê chuẩn Công ước Ramsar, Chính phủ Việt Nam đã cam kết thiết lập một hệ thống các khu bảo tồn đất ngập nước tiêu biểu. Đến nay, Việt Nam có 9 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới.

Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030 ban hành theo Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động về bảo tồn và sử dụng đất ngập nước để thực hiện trách nhiệm quốc gia thành viên; xây dựng hành lang pháp luật về quản lý đất ngập nước như: Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, Thông tư số 07/2020/TTBTNMT ngày 31/8/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết các nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP; quy hoạch thành lập mới 47 khu bảo tồn đất ngập nước đến năm 2030, đề cử công nhận được 09 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. 

Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình).

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào quản lý và bảo vệ môi trường bền vững

Mới đây, chia sẻ tại Hội nghị Khoa học quốc tế “Khoa học trái đất, mỏ, môi trường phục vụ chuyển đổi số, phát triển xanh, tuần hoàn và ứng phó các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu” diễn ra vào ngày 29/12/2023, tại Đại học Quốc gia Thành phồ Hồ Chí Minh (TP. HCM), Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái mong muốn các chương trình KH&CN cấp quốc gia do Bộ KH&CN quản lý với sự đồng hành, phối hợp của Đại học Quốc gia TP. HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các chương trình khác… sẽ góp phần giải quyết bài toán thực tế của các vùng đất ngập nước, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)… nâng cao nhân lực, tiềm lực KH&CN vùng; các nhà khoa học khối viện/trường phối hợp cùng các địa phương, doanh nghiệp hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, giải quyết các thách thức cho khu vực. Một trong số đó là hướng nghiên cứu khoa học trái đất, mỏ, môi trường rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ĐBSCL.

Đồng thời, lồng ghép các vấn đề trọng yếu (bảo đảm an ninh nguồn nước, ngập nước và suy thoái đồng bằng) vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và quốc gia; cần xây dựng kế hoạch, quy hoạch dài hạn cho các vấn đề liên quan đến nước; bảo vệ chống biển lấn và hệ sinh thái ngập mặn ven biển; nghiên cứu các giải pháp chủ động cấp nước ngọt cho các vùng hạn mặn và khan hiếm nước ĐBSCL; nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng hồ trữ nước ngọt trên hệ thống sông Vàm Cỏ để bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nghiên cứu đánh giá, dự báo chế độ nước (mực nước, sóng, chất lượng nước) vùng ven biển ĐBSCL phục vụ phát triển thủy sản ven biển (nội địa và nuôi biển)…

Gần đây, tại Hội thảo lý luận lần thứ 18 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề “Kinh nghiệm và giải pháp tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái trong xây dựng, hiện đại hóa đất nước”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN đã xây dựng và triển khai một số chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ quản lý và bảo vệ môi trường như: Chính sách nghiên cứu, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ, trong đó hỗ trợ phát triển KH&CN lĩnh vực công nghiệp môi trường; bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; cảnh báo và dự báo tai biến thiên nhiên và sự cố môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng biển Việt Nam phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển... thông qua các Chương trình KH&CN cấp quốc gia như: Chương trình KC.06/21-30 "Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ ngành công nghiệp môi trường", Chương trình “Nghiên cứu KH&CN phục vụ bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” - KC.08/21-30, Chương trình KC.14/21-30 “Nghiên cứu KH&CN phục vụ bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước”, Chương trình KC.15/21-30 “KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL giai đoạn đến năm 2030”…

Theo đó, các Chương trình KH&CN giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã có những đóng góp tích cực cho công cuộc bảo vệ môi trường đối với từng ngành/lĩnh vực và địa phương ở Việt Nam như: nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ nhằm xử lý chất thải rắn, chất thải, rác thải sinh hoạt; xử lý chất thải công nghiệp, làng nghề, chất thải chăn nuôi; xử lý sự cố môi trường; xây dựng các mô hình kinh tế xanh và một số mô hình, giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường phù hợp với tăng trưởng xanh…

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 5087

Về trang trước Về đầu trang