Tiêu chuẩn ĐLCL
Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (11/03/2024)
-   +   A-   A+   In  
Nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đáp ứng các nguyên tắc bình đẳng giới.

Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội thông qua năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nâng lên cả chất và lượng; phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức minh bạch, phù hợp quy định WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết thể chế hóa chủ trương, chỉ đạo mới đối với lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế; đồng thời, thực tiễn thi hành luật thời gian qua cho thấy Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp các cam kết trong FTA thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, qua rà soát nội dung của dự thảo Luật cho thấy, các quy định đã đáp ứng các nguyên tắc bình đẳng giới. Theo đó, nam giới và nữ giới được bình đẳng trong việc tham gia vào các hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định như nhau với cả hai giới mà không quy định cụ thể nào cho từng giới. Tất cả quy định đều không có sự phân biệt về giới tính. Qua đó, quyền bình đẳng giới được thể hiện rất rõ: nữ giới và nam giới khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định sẽ có các quyền và nghĩa vụ như nhau.

   

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, các quy định trong dự thảo Luật không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện quyền và nghĩa vụ khi tham gia của mỗi giới; quyền lợi được áp dụng chung, không có sự phân biệt đối xử về giới, không gây bất bình đẳng về giới.

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật còn đề cập điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành luật. Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, sau khi Luật được Quốc hội thông qua sẽ có một số hoạt động chủ yếu gồm: xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật (bao gồm cả sửa đổi, bổ sung các văn bản hiện hành), hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật (in ấn tài liệu phổ biến, đăng bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội thảo, tập huấn để phổ biến những nội dung mới của Luật); triển khai thi hành Luật và theo dõi, sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình thực thi Luật theo thời gian định kỳ hoặc đột xuất; đào tạo, nâng cao năng lực cho các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân... Chi phí cho các hoạt động trên sẽ được dự toán chi từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời, huy động sự tham gia, đóng góp từ các đối tượng khác (nhà tài trợ, dự án hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế).

Các chính sách mới quy định trong Luật không làm phát sinh đáng kể chi phí cho cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, do không thay đổi nhiều cơ chế quản lý hiện hành. Các phát sinh đáng kể chủ yếu đến từ nghĩa vụ đóng niên liễm để Việt Nam duy trì là thành viên của các tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế; tham gia xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế (đặc biệt liên quan đến sản phẩm, hàng hoá chủ lực của Việt Nam xuất khẩu) nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia; thực hiện thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn trong trường hợp cấp thiết tác động lớn đến kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân (an toàn thực phẩm, xăng dầu giả,…). Các phát sinh này là không đáng kể trong tổng số ngân sách Nhà nước dành cho lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Do vậy, với điều kiện thực tế hiện nay về tài chính, cơ sở vật chất, công nghệ, nguồn nhân lực tại các cơ quan quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đủ nguồn lực, điều kiện cơ bản cho việc thi hành Luật sau khi được Quốc hội thông qua.

Liên quan tới vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, về cơ bản, nội dung dự thảo Luật đã thể chế đầy đủ 6 chính sách được Chính phủ thông qua trong đề nghị xây dựng Luật (theo Tờ trình số 4086/TT-BKHCN ngày 28/12/2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ).

Tuy nhiên, khoản 31 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 54 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quy định tổ chức công nhận quốc gia không được nêu trong nội dung hay giải pháp chính sách đã được thông qua. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật với các chính sách, giải pháp đề xuất tại Đề nghị xây dựng Luật đã trình Chính phủ thông qua để hoàn thiện dự thảo Luật. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tỉnh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả yêu cầu "Không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước". Do vậy, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện đúng quy định nêu trên.

Đối với quy định về cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia, tại Tờ trình số 4086/TTr-BKHCN đã được Chính phủ thông qua có đưa ra nội dung quy định về cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia. Tuy nhiên, các cam kết quốc tế hiện nay không bắt buộc các nước phải chỉ định cụ thể tên cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia tại văn bản luật. Do đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc việc quy định cụ thể về cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tại Luật này.

Đối với việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng, nội dung dự thảo Luật không có quy định tạo ra sự phân biệt về giới.

Về điều kiện bảo đảm nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành luật, trong trang 25 Tờ trình số 4764/TTr-BKHCN ngày 13/12/2023, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đánh giá "việc quy định các chính sách nêu trên không làm phát sinh đáng kể chi phí cho quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, do không thay đổi cơ chế quản lý hiện hành”, “với điều kiện thực tế hiện nay về tài chính, cơ sở vật chất, công nghệ, nguồn nhân lực tại các cơ quan quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đủ nguồn lực, điều kiện cơ bản cho việc thi hành Luật sau khi được ban hành". Tuy nhiên, việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn có thể phát sinh chi phí tham gia của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế. Do vậy, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá toàn diện hơn nguồn lực thực hiện, cụ thể hơn về kinh phí bảo đảm thi hành luật, làm rõ khả năng phát sinh kinh phí (nếu có) đối với ngân sách Nhà nước cũng như chi phí đối với các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng áp dụng của Luật, bảo đảm tính khả thi sau khi ban hành.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật dự kiến được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Nếu đủ điều kiện theo quy định, dự án Luật này cũng sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

 

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 909

Về trang trước Về đầu trang