Tin KHCN trong nước
Hội thảo “Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm: Lý luận và thực tiễn” (01/03/2024)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 28/2/2024, tại Hà Nội, trong khuôn khổ nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng Bộ nguyên tắc và một số hướng dẫn cho phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) có trách nhiệm ở Việt Nam, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm: Lý luận và thực tiễn”.

Hướng tới thúc đẩy chiến lược phát triển bền vững AI ở Việt Nam, trên cơ sở sự hỗ trợ của Chương trình Aus4Innovation, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng Bộ nguyên tắc và một số hướng dẫn cho phát triển AI có trách nhiệm ở Việt Nam nhằm tăng cường đối thoại chính sách với các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp, giới học thuật và các bên liên quan. 

AI ngày càng phát triển nhanh chóng và đang có những tác động to lớn đến mọi mặt đời sống. Bên cạnh những lợi ích to lớn, sự phát triển của AI đã và đang làm dấy lên những quan ngại sâu sắc về các rủi ro tiềm ẩn từ khía cạnh đạo đức, xã hội và pháp lý.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng AI có trách nhiệm, đạo đức trong AI đang là vấn đề nghị sự toàn cầu, thu hút sự quan tâm của các quốc gia trên toàn thế giới. Đây không đơn thuần là vấn đề học thuật, cũng không đơn thuần là vấn đề pháp lý, mà liên quan đến sự phát triển của con người, của quốc gia và nhân loại. Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, đạo đức và trách nhiệm trong AI nằm ở tất cả các khâu, từ xây dựng thuật toán, thu thập dữ liệu, đến công cụ huấn luyện, và ứng dụng. Vì vậy, vấn đề này phải được quan tâm ngay từ khâu xây dựng hệ thống, liên quan đến nhiều bộ, ngành.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết đạo đức AI là vấn đề phức tạp, quy mô toàn cầu, đang thu hút nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới tham gia tìm phương án giải quyết, gồm cả UNESCO. UNESCO lần đầu tiên đưa AI - một nội dung thuộc lĩnh vực công nghệ vào thảo luận. Trước tiên, mô hình AI cần tuân thủ thiết kế, nhiệm vụ được thiết lập ngay từ đầu, nhằm bảo đảm không có các hành động phá hoại, gây tổn hại cho con người. AI khác hoàn toàn so với những công nghệ con người từng nghiên cứu. Trong khi các sản phẩm công nghệ cũ chỉ tuân thủ mục tiêu có sẵn, AI có thể tự tạo những hướng đi mới, vượt ra ngoài sự kiểm soát của nhà phát triển. Vấn đề bình đẳng, công bằng cũng là nội dung cần được quan tâm khi xây dựng mô hình AI. Ngay từ bước thu thập thông tin để huấn luyện AI, việc bất bình đẳng đã có thể xảy ra và ảnh hưởng xấu tới toàn bộ hệ thống. Do đó, để có phát triển AI công bằng, ngoài sự tham gia của chuyên gia luật, còn cần đóng góp của chuyên gia tâm lý học, xã hội học. Bên cạnh đó, cũng nhấn mạnh một số nguyên tắc quan trọng về đạo đức AI như bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân, tôn trọng quyền tác giả, bản quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao năng suất lao động nhưng cần bảo vệ môi trường, an sinh xã hội.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, AI hoàn toàn khác so với những công nghệ trước đó. Khả năng thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của người máy cũng là thách thức đối với các nhà lập pháp trong bối cảnh mới. Có hai yếu tố hết sức cần thiết cho việc hài hòa hóa giữa các quy định pháp lý và công nghệ mới: xây dựng các tiêu chí cho cho các công nghệ mới để chúng đáp ứng các yêu cầu của pháp luật; xây dựng và phát triển các khuôn khổ pháp lý theo cách thức để chúng đáp ứng nhu cầu phát triển của các công nghệ mới. Vì thế, việc hài hòa hóa giữa các quy định pháp lý và công nghệ mới phải được xem xét càng sớm càng tốt ngay từ trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm chứ không phải là sau khi đã được đưa vào ứng dụng thực tế.

Chia sẻ một số vấn đề nổi bật phát triển AI hiện nay ở Việt Nam, PGS. TS. Bùi Thu Lâm, Học viện Kỹ thuật Mật mã cho biết: Chỉ số xếp hạng về mức độ sẵn sàng về AI của Chính phủ năm 2023, Việt Nam đứng thứ 59 thế giới, thứ 5 trong ASEAN. Chính phủ đã có Đề án Xây dựng thành phố thông minh, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp 844. Ở cấp độ địa phương, Hà Nội tham gia Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN; TP. Hồ Chí Minh đã có kế hoạch định hướng ứng dụng AI; Đà Nẵng đã có kế hoạch xây dựng thành phố thông minh. Ở khu vực tư nhân, Vingroup và FPT đã có kế hoạch xây dựng các khu đô thị thông minh và thành phố khoa học chuyên về AI. Về đào tạo và nghiên cứu, hiện có khoảng 50 trường đại học có đào tạo các chuyên ngành liên quan tới AI (10 trường có ngành đào tạo AI). Tuy nhiên, cũng theo PGS. TS. Bùi Thu Lâm, hiện nay đang diễn ra một loạt thách thức đối với phát triển AI ở Việt Nam. Đó thiếu nhân công về AI; chất lượng dữ liệu, khả năng lưu trữ và chia sẻ dữ liệu hạn chế; nền tảng mở cho AI (dữ liệu, phần mềm, ứng dụng) mang đặc thù Việt Nam hầu như chưa có. Thị trường AI Việt Nam hiện còn rất nhỏ. Bên cạnh đó là các thách thức pháp lý như: Địa vị pháp lý của AI? Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng AI (dân sự, hình sự, hành chính); Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong ứng dụng AI; Quyền sở hữu trí tuệ trong ứng dụng AI...

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu cũng được nghe các tham luận về nhận diện xu thế phát triển AI có trách nhiệm ở châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và những hàm ý chính sách với Việt Nam.

 

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 4782

Về trang trước Về đầu trang