Tin KHCN trong nước
Tiến sĩ trồng nấm vân chi đỏ bằng vỏ trấu (17/02/2024)
-   +   A-   A+   In  

Từ lõi ngô và vỏ trấu, TS Trần Đức Tường nghiên cứu trồng nấm vân chi đỏ thay vì mùn cưa cao su, cho năng suất cao hơn và hoạt chất sinh học tốt hơn.

Từ năm 2015, TS Trần Đức Tường, 53 tuổi, Trường Đại học Đồng Tháp, bắt đầu nghiên cứu tận dụng lõi ngô, vỏ trấu để trồng nấm vân chi đỏ. Trước đây người trồng nấm thường sử dụng mùn cây cao su nhưng thử nghiệm nghiên cứu cho thấy hàm lượng dinh dưỡng của nguyên liệu lõi ngô cao hơn, giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.

Ông Tường cho hay, các phụ phế phẩm lõi ngô và vỏ trấu luôn sẵn có và dồi dào tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do vậy sẽ giảm được chi phí vận chuyển và luôn chủ động về nguồn nguyên liệu so với mùn cưa cao su phải lấy từ miền Đông Nam Bộ. Hai phụ phẩm này có hàm lượng cellulose và dinh dưỡng cao nên rất thích hợp cho sản xuất nấm vân chi đỏ chất lượng cao. Theo ông, trước đây chưa từng có nghiên cứu nào tận dụng hiệu quả của các phụ phế phẩm nông nghiệp này.

Nấm Vân Chi đỏ. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Nấm Vân Chi đỏ. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Nấm vân chi đỏ (Pycnoporus sanguineus) thuộc 25 loài nấm dược liệu chính có giá trị dược tính cao, nấm giàu các hợp chất thiên nhiên có ích cho sức khỏe. TS Tường cho biết, giống gốc nấm vân chi đỏ được thu thập từ tỉnh Tây Ninh.

Theo chủ nhiệm đề tài, thành công nhất của nghiên cứu là tìm ra được giá thể thích hợp (lõi ngô) và điều kiện tối ưu giúp tăng năng suất so với giá thể truyền thống. Thực nghiệm xác định được cơ chất trồng có tỷ lệ phối trộn gồm 60% lõi ngô và 40% vỏ trấu thích hợp nhất cho hệ sợi nấm phát triển tốt và lan kín bịch phôi nhanh nhất. Năng suất nấm thu hoạch cao, đạt hiệu suất sinh học lên đến 20,52% (205,2 kg nấm tươi/tấn cơ chất khô).

Mô hình sản xuất thử nghiệm (2.000 phôi) ứng dụng quy trình công nghệ từ kết quả nghiên cứu đạt được hiệu quả cao, hiệu suất sinh học 20,71% vượt trội so với trồng trên mùn cưa cao su (16,62%). Ông cho biết, thời gian một vụ sản xuất từ khâu nhân giống đến nuôi trồng sản xuất quả thể nấm sấy khô trung bình từ khoảng 4 - 5 tháng.

Nhóm nghiên cứu đã thiết kế quy trình công nghệ sản xuất với kỹ thuật đơn giản dễ thực hiện, khả thi, có thể triển khai ứng dụng phù hợp với trình độ kỹ thuật và điều kiện tại địa phương. Hiện quy trình công nghệ đã được ứng dụng tại Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp và một số cơ sở sản xuất kinh doanh tại nhà, đồng thời sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho nông dân, doanh nghiệp nhằm thương mại hóa sản phẩm. Ông Tường cho biết thêm, việc sử dụng lõi ngô và vỏ trấu cho thấy hiệu quả kinh tế (mô hình trên quy mô 2.000 phôi) là 964,87%, cao hơn so với trồng trên mùn cưa cao su là 727,68%.

Cơ sở sản xuất nấm Vân Chi đỏ. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Cơ sở sản xuất nấm vân chi đỏ. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Các nghiên cứu về độc tính, tác dụng sinh học cho thấy nấm vân chi đỏ có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường miễn dịch, kháng huyết khối, giảm mỡ máu, ổn định glucose huyết, kháng oxy hóa, bảo vệ gan, kháng khuẩn, kháng ung thư và an toàn sử dụng. Nấm vân chi đỏ có giá trị dược tính và giá trị kinh tế cao, thành phẩm sấy khô hiện có giá khoảng hơn 2 triệu/kg, song chi phí đầu tư cho sản xuất không cao, có thể sản xuất quanh năm từ nguồn nguyên liệu luôn sẵn có và dồi dào.

Công trình nghiên cứu của ông đạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp lần thứ 16 năm 2020 - 2021. Năm 2023, công trình của TS Tường được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam.

TS Trần Đức Tường hiện là giảng viên Khoa Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Đồng Tháp. Ông tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm Sinh học, sau đó tiếp tục theo học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Cần Thơ. Ông đã công bố 21 công trình khoa học, chủ nhiệm và tham gia gần 20 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở, xuất bản 5 giáo trình và bài giảng.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 3728

Về trang trước Về đầu trang