Tin KHCN trong nước
Bộ trưởng KH&CN: Tăng cường hỗ trợ cho các nghiên cứu công nghệ mới, chip bán dẫn (12/02/2024)
-   +   A-   A+   In  

Bộ KH&CN sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn; phối hợp với các bộ ngành, doanh nghiệp lớn để nghiên cứu, đánh giá các khâu trong chuỗi sản xuất chíp mà Việt Nam có lợi thế và khả năng thành công; thúc đẩy phát triển các cơ sở nghiên cứu, thiết kế chíp; hoàn thiện chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.


Bộ trưởng KH&CN: Tăng cường hỗ trợ cho các nghiên cứu công nghệ mới, chip bán dẫn- Ảnh 1.

Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt (thứ hai từ phải qua) cùng các đại biểu tham quan Triển lãm Công nghệ chip bán dẫn tại Đại học Quốc gia Hà Nội - Ảnh: ĐT

Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng, cơ hội và có đủ điều kiện, yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành một phần của chuỗi giá trị bán dẫn, giúp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ở châu Âu...

Ngày 5/1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. 

Một trong những nhiệm vụ được đề ra là: Phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn, để trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu KHCN có đủ năng lực tiếp nhận và làm chủ công nghệ mới, sáng tạo công nghệ phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên.

Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) để có thể tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số sản phẩm công nghệ cao. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đột phá nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp nền tảng và công nghệ mới nổi (chip bán dẫn…).

Nhân dịp năm mới, Báo điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt về những giải pháp trọng tâm của Bộ Kh&CN trong thời gian tới để Việt Nam sẵn sàng đón "sóng" đầu tư, không để lỡ thời cơ những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó có ngành bán dẫn.

Đã làm chủ được một số công nghệ trong ngành vi mạch

Thưa Bộ trưởng, Việt Nam đang tham gia một cách mạnh mẽ hơn vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn cầu bằng nỗ lực cả từ phía Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Dưới góc độ của Bộ KH&CN, trong thời gian qua, Bộ đã có những hành động nào để góp phần xây dựng ngành công nghiệp có tính chất nền tảng này cho Việt Nam?

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Trong thời gian qua, chúng ta đã hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên đầu tư và phát triển chíp bán dẫn. Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, trong đó bao gồm cả các dự án sản xuất chíp.

Năm 2020, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm Công nghệ cao được khuyến khích phát triển tại Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ (trong đó công nghệ sản xuất vi mạch điện tử tích hợp là công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; vật liệu bán dẫn, mạch điện tử tích hợp là các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển).

Trong thời gian qua, để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực vi mạch, Bộ KH&CN đã phê duyệt một số nhiệm vụ KH&CN trong các chương trình KH&CN cấp quốc gia.

Qua các nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, đội ngũ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật của Việt Nam đã từng bước nâng cao năng lực, làm chủ được một số công nghệ trong ngành vi mạch.

Hệ sinh thái về nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực vi mạch tích hợp đã từng bước được hình thành. Một số tổ chức, doanh nghiệp đã có đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ chíp bán dẫn như: Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel; Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC, Đại học Quốc gia TPHCM)…

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch cũng đã được các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam quan tâm. Một số cơ sở giáo dục đại học đã có liên kết với các doanh nghiệp để phối hợp nghiên cứu phát triển chíp.

Tuy nhiên, theo đánh giá, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam có tỉ lệ nội địa hoá còn thấp, hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) chưa đồng bộ.... Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn còn hạn chế và Việt Nam. Hơn nữa, cũng cần nỗ lực để đạt được những thoả thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các cường quốc công nghệ, từ đó, tiến tới việc tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất chip bán dẫn.

Trong thời gian tới, với vai trò, chức năng của mình, Bộ KH&CN sẽ có các giải pháp gì để chúng ta gia nhập cuộc đua bán dẫn toàn cầu, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực bán dẫn thông qua Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED), các Chương trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên (Chương trình phát triển vật lý…); ưu tiên nguồn lực triển khai Chương trình sản phẩm quốc gia, trong đó có sản phẩm quốc gia là vi mạch điện tử tích hợp.

Đồng thời tăng cường phối hợp với các bộ ngành, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, FPT, CMC... để nghiên cứu, đánh giá các khâu trong chuỗi sản xuất chíp (thiết kế, chế tạo, gia công và đóng gói...) mà Việt Nam có lợi thế và khả năng thành công để tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ưu tiên nguồn lực và các chính sách phù hợp.

Bộ cũng sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực cho một số doanh nghiệp Việt Nam để tham gia vào chuỗi sản xuất chíp, hình thành các trung tâm nghiên cứu – phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo liên quan đến vật liệu bán dẫn, thiết kế chíp tại Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, thiết kế chíp, thúc đẩy phát triển các cơ sở nghiên cứu và thiết kế chíp.

Ngoài ra, Bộ sẽ xây dựng các chính sách về đầu tư và hỗ trợ những trang thiết bị cho việc đo lường, kiểm định các sản phẩm chip bán dẫn theo đúng tiêu chuẩn, góp phần rút ngắn thời gian sản xuất và đầu ra sản phẩm.

Bộ trưởng vừa nhắc đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học, chúng ta cũng cần tính đến việc thu hút nhân tài, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học tài năng trong và ngoài nước. Bộ KH&CN có giải pháp gì để cải thiện, nâng cao hiệu quả thu hút, trọng dụng nhân tài trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Chính sách, pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân lực KH&CN là nhóm chính sách quan trọng, luôn được Bộ KH&CN tập trung triển khai do đây là nhóm chính sách có tác động trực tiếp đến tiềm lực KH&CN của quốc gia.

Các chính sách này chủ yếu được quy định ở Luật Khoa học và Công nghệ 2013; Nghị định 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN; Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam…

Thời gian qua, việc triển khai các chính sách này cũng đã đạt được một số kết quả, góp phần khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà khoa học nói chung, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam.

Tuy vậy, điểm nghẽn nhất khi thực thi các chính sách này là chính sách ưu đãi, trọng dụng đội ngũ cán bộ KH&CN tập trung chủ yếu tại Nghị định số 40/2014/NĐ-CP, Nghị định số 87/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 27/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ) và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Trong quá trình thực hiện lại bị ràng buộc bởi các quy định pháp luật khác (trong đó có quy định về quản lý, sử dụng viên chức nói chung…), nên vẫn còn một số hạn chế, chưa thực sự có tính đột phá, nhất là các quy định liên quan đến trọng dụng nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, nhà khoa học trẻ tài năng.

Về giải pháp trong thời gian, Bộ KH&CN cho rằng, hiện nay, đối với nhóm các nhà khoa học làm việc trong các tổ chức KH&CN công lập, giải pháp căn cơ nhất nhằm thu hút, trọng dụng nhân lực là tạo cơ chế tự chủ mạnh mẽ cho các tổ chức KH&CN công lập, trong đó có cơ chế tự chủ về quản lý tài chính, tài sản, cũng như cơ chế tự chủ về đãi ngộ đối với các nhà khoa học.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát và có giải pháp cụ thể tháo gỡ những rào cản, vướng mắc của quy định quản lý viên chức nói chung (về tuyển dụng, trả lương, nâng ngạch, thăng hạng, việc thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc…).

Hỗ trợ doanh nghiệp làm chủ công nghệ 

Thưa Bộ trưởng, không riêng gì ngành bán dẫn mà việc nghiên cứu, phát triển và làm chủ các công nghệ nền tảng, công nghệ lõi và ứng dụng vào sản xuất kinh doanh là hoạt động mất nhiều thời gian, chi phí lớn, rủi ro cao đối với doanh nghiệp. Bộ KH&CN có cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp?

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Với tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới và ứng dụng công nghệ, Bộ KH&CN đã phê duyệt các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước (gọi tắt là KC) và các chương trình quốc gia về sản phẩm quốc gia, phát triển công nghệ cao và đổi mới công nghệ quốc gia.

Mục tiêu của các chương trình quốc gia này là hướng đến việc tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao năng lực KH&CN quốc gia, năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; hình thành và phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam có khả năng cạnh tranh về tính mới, về chất lượng và giá thành.

Đây chính là việc hỗ trợ của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn thời gian và tiết kiệm nguồn lực để làm chủ công nghệ trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên và công nghiệp mũi nhọn.

Trong thời gian qua, đối với Chương trình KC 2016-2020, nhiều giải pháp/quy trình công nghệ sau khi được hoàn thiện đã được ứng dụng ngay vào thực tiễn đồng thời được nhân rộng phổ biến. Những vấn đề được quan tâm nghiên cứu tầm thế giới như: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI, IoT, công nghệ điện toán đám mây… Vật liệu tiên tiến cũng được nghiên cứu.

Đối với Chương trình quốc gia 2016-2020, ba Chương trình quốc gia đã thu hút được hơn 150 đơn vị có năng lực tham gia thực hiện các nhiệm vụ, trong đó 59% số đơn vị trực tiếp chủ trì là các doanh nghiệp, huy động được gần 5.000 tỷ đồng vốn đối ứng (chiếm 73% tổng kinh phí).

Cho đến thời điểm này, Bộ KH&CN đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2021-2030, theo định hướng nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ nền tảng, công nghệ lõi phục vụ phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên gắn kết với lộ trình công nghệ của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với nội dung Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm những yêu cầu bắt buộc cũng như khuyến khích sự liên kết, liên thông giữa các chương trình, các loại hình chương trình; khuyến khích, thúc đẩy sự liên kết các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp, các vùng miền trong việc liên kết triển khai các nhiệm vụ, các chương trình KH&CN.

Đồng thời tăng cường đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN của nhà nước, đặc biệt là các bộ, ngành để phục vụ chiến lực phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Tổ chức xác định các vấn đề/lĩnh vực khoa học cốt lõi cần ưu tiên, các sản phẩm có tiềm năng thị trường để "đặt hàng" thông qua các chương trình KH&CN cấp nhà nước.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế tăng cường sự tham gia và đóng góp của các doanh nghiệp trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN phục vụ trực tiếp nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 3669

Về trang trước Về đầu trang