Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu chọn tạo giống dừa cho các tỉnh phía Nam (26/01/2024)
-   +   A-   A+   In  

Sau 5 năm triển khai (2019-2023), các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu (Bộ Công Thương) đã hoàn thành đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống dừa cho các tỉnh phía Nam” với mục tiêu sản xuất được 5-10 cây dừa sáp thơm bằng phương pháp nuôi cấy phôi (sử dụng quả giống được xác định là vừa sáp vừa có mùi thơm lá dứa để nuôi cấy phôi); công nhận cây đầu dòng dừa ta/dâu chịu mặn và sản xuất cây giống phục vụ nhu cầu của người dân.

Từ giống dừa có giá trị kinh tế cao

Cây dừa (Cocos nucifera L.) là cây trồng phổ biến tại Việt Nam với diện tích gần 170.000 ha và sản lượng gần 1.900 tấn, được trồng nhiều nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Nam Trung Bộ. Trong đó, Bến Tre và Tiền Giang là 3 tỉnh sản xuất dừa lớn của khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung với diện tích và sản lượng năm 2022 lần lượt là 72.872 ha, 21.651 ha và 686.279 tấn, 225.065 tấn. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 1 triệu ha đất bị xâm nhập mặn, trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 2 đồng bằng lớn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dưới tác động của xâm nhập mặn, cây dừa bị ảnh hưởng nghiêm trọng thông qua các biểu hiện như giảm số lượng hoa cái, giảm khả năng đậu quả và năng suất ở mức thấp hơn trung bình tiềm năng của giống. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ảnh hưởng của độ mặn nước tưới trong mương vườn dừa đã tác động đến sinh trưởng và phát triển của cây dừa.

Những năm gần đây, nhu cầu trồng cây dừa sáp tăng nhanh do có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện đất đai và mục đích chuyển đổi cây trồng tại một số tỉnh phía Nam. Mặt khác, giống dừa sáp thơm là giống dừa quý, vừa có sáp vừa có mùi thơm lá dứa nên việc nghiên cứu và khảo nghiệm là rất cần thiết. Vì vậy, công tác nghiên cứu nhân giống và đánh giá khả năng sinh trưởng, thích nghi hướng đến việc phát triển vùng nguyên liệu dừa sáp phục vụ cho công nghiệp chế biến là rất lớn.

Chọn tạo giống dừa cho các tỉnh phía Nam

Đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống dừa cho các tỉnh phía Nam” được thực hiện với các nội dung chính bao gồm: đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của giống dừa lai sáp thơm thế hệ F1; đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của giống dừa lai sáp thơm thế hệ F2; sản xuất 5-10 cây dừa sáp thơm bằng phương pháp nuôi cấy phôi (sử dụng quả giống được xác định là vừa sáp vừa có mùi thơm lá dứa để nuôi cấy phôi); công nhận cây đầu dòng dừa ta/dâu chịu mặn. Bên cạnh đó, đề tài cũng xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác thời kỳ kiến thiết cơ bản cho dòng dừa ta/dâu chịu mặn; xây dựng mô hình sản xuất trồng dòng dừa ta/dâu chịu mặn; đồng thời sản xuất cây giống dừa ta/dâu chịu mặn phục vụ nhu cầu cây giống của người dân.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, đề tài đã đạt được một số kết quả nổi bật:

Một là, đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển tốt của giống dừa lai sáp thơm thế hệ F1 trồng tại tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Tây Ninh. Năng suất của giống dừa lai sáp thơm lai tạo trong nước thế hệ F1 tại thời điểm kết thúc theo dõi ở tỉnh Bến Tre là 45,6 quả/cây/năm, tỉnh Tiền Giang là 83,3 quả/cây/năm và tỉnh Tây Ninh là 85,7 quả/cây/năm.

Hai là, đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của giống dừa lai sáp thơm thế hệ F2. Cụ thể, giống dừa lai sáp thơm thế hệ F2 trồng tại tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Tây Ninh có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt sau 5 năm trồng. Các chỉ tiêu về số hoa cái, tỉ lệ đậu quả và số quả tăng dần nhưng chưa ổn định. Năng suất của giống dừa lai sáp thơm thế hệ F2 tại tỉnh Bến Tre thời điểm kết thúc theo dõi là 33,0 quả/cây/năm, tại tỉnh Tiền Giang là 55,9 quả/cây/năm và tại tỉnh Tây Ninh là 45,2 quả/cây/năm.

Ba là, sản xuất được 18 cây giống dừa sáp thơm bằng phương pháp nuôi cấy phôi. Đến nay, đề tài đã triển khai 5 đợt trồng cây dừa sáp thơm từ tháng 10/2019 đến tháng 06/2023 tại tỉnh Tây Ninh. Các cây giống được trồng đều sinh trưởng, phát triển và thích nghi tốt với điều kiện sinh thái trên nền đất xám. Các cây trồng trong năm 2019 đã bắt đầu có hoa sau 40 tháng trồng.

Bốn là, công nhận cây đầu dòng chịu mặn: Đề tài đã công nhận được 38 cây dừa mẹ trên giống dừa ta xanh tại huyện Bình Đại (Bến Tre) có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện xâm nhập mặn. Quyết định công nhận cây dừa mẹ số 163/QĐ-SNN ngày 08/03/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre.

Năm là, xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác thời kỳ kiến thiết cơ bản cho dòng dừa ta chịu mặn. Sau thí nghiệm về liều lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho giống dừa ta/dâu chịu mặn thời kỳ kiến thiết cơ bản đã xác định được số lần bón và liều lượng phân lân cho giống dừa ta/dâu trong điều kiện xâm nhập mặn trồng tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre và huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang là bón phân 4 lần/năm, với liều lượng phân lân trong giai đoạn 4 đến 5 năm tuổi là 60 kg P2O5/ha, từ 6 đến 7 năm tuổi là 65 kg P2O5/ha và từ 8 năm tuổi là 70 kg P2O5/ha.

Sáu là, sản xuất được 631 cây giống dừa ta chịu mặn.

Bảy là, xây dựng mô hình sản xuất trồng dòng dừa ta chịu mặn. Dựa trên các cây dừa giống chịu mặn, đề tài đã chuyển giao cho 06 hộ nông dân 480 cây dừa giống và trồng tổng diện tích là 3,1 ha tại huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang và huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Các cây dừa được trồng bước đầu đã thích nghi với điều kiện xâm nhập mặn và sinh trưởng tốt.

Trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá sự sinh trưởng và phát triển của giống dừa lai sáp thơm lai tạo trong nước thế hệ F1 và giống dừa sáp thơm thế hệ F2. Tiếp tục thực hiện nhân giống và đánh giá sự sinh trưởng, phát triển, năng suất và khả năng thích nghi của giống dừa lai sáp thơm trong thời kỳ kinh doanh. Đồng thời, theo dõi và thực hiện thí nghiệm về phân lân cho cây dừa trong giai đoạn tiếp theo để đáp ứng cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây đến thời kỳ ra quả ổn định nhằm cung cấp giống dừa có khả năng chịu mặn cho các tỉnh/thành phố trong khu vực.

Nguồn: vjst.vn

Số lượt đọc: 4417

Về trang trước Về đầu trang