Tin KHCN trong nước
Chống xâm phạm nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp (29/01/2024)
-   +   A-   A+   In  

Quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là nhãn hiệu luôn là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập kinh tế hiện nay của các quốc gia trên nền tảng thương mại điện tử.

Trên thực tế, khi những vụ tranh chấp nhãn hiệu diễn ra tại Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa thể điều chỉnh một cách linh hoạt và phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Bài viết đã chỉ ra thực trạng xâm phạm nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử, từ đó đưa ra một số giải pháp phù hợp để hoàn chỉnh, bổ sung cho hệ thống pháp luật Việt Nam.

Thực trạng xâm phạm nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử

Trong những năm qua, ngành thương mại điện tử Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh, trở thành một trong những nền kinh tế số phát triển nhanh chóng trong khu vực Đông Nam Á. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đà tăng trưởng của ngành thương mại điện tử đạt trên 20% trong năm 2022 với quy mô trên 25 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng này có thể được duy trì trong giai đoạn ba năm 2023-2025.

Sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã dẫn đến lượt truy cập internet khổng lồ và xu hướng mua sắm trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử phát triển nhanh chóng. Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số năm 2023, thương mại điện tử đang là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế số với tốc độ tăng trưởng cao (20% trong năm 2022). Dự kiến con số này sẽ tăng lên 25% so với năm 2022 và đạt khoảng 20,5 tỷ USD trong năm 2023...

Tại Báo cáo của Công ty Cổ phần Khoa học Dữ liệu Metric, 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất là: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop có doanh thu từ ngày 01/7/2023 đến 30/9/2023 lên đến 63.000 tỉ đồng, tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 22,66% so với quý II/2023.

Chính sự mở rộng và phát triển này đã gây khó khăn trong kiểm soát nền tảng thương mại điện tử, tạo ra nhiều lỗ hổng cho những hành vi giả mạo nhãn hiệu, kiểu dáng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày tinh vi. Qua thực tiễn xử lý các vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng giả cho thấy, những vụ việc vi phạm ở lĩnh vực thương mại điện tử có chiều hướng gia tăng nhanh.

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, hiện nay hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây, mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Trong vòng 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra khoảng 62.000 vụ việc, xử lý trên 44.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 410 tỷ đồng. Những hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử tồn tại dưới hình thức là những hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến việc mua bán trực tuyến.

Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời tình trạng trên, ngày 29/03/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Đề án được kỳ vọng sẽ góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững, tránh thất thu thuế cho Nhà nước, hạn chế tối đa những kẽ hở, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, Đề án giúp bảo đảm hoạt động thương mại điện tử diễn ra minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam.

Việc cung cấp hàng hóa trực tuyến thông qua nền tảng sàn giao dịch thương mại điện tử dần trở thành mô hình thương mại chủ yếu, được tin dùng và sử dụng phổ biến. Các hoạt động quảng cáo trong thương mại điện tử được thúc đẩy và xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, kéo theo nhiều hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ trong đó có vấn đề quyền đối với nhãn hiệu. Phổ biến nhất là hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu đã đăng ký của người khác để quảng cáo hoặc chỉnh sửa đối với các mặt hàng như: quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...

Ngoài các hoạt động quảng cáo xâm phạm thì những hành vi sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Đặc biệt năm 2022, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã phát đi khuyến cáo người dân không tham gia đầu tư vào “Nền tảng Vinpearl E+”; không phát tán thông tin trái phép, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và bảo hộ thương hiệu của Vinpearl… Công ty Cổ phần Vinpearl khẳng định, Công ty và Tập đoàn Vingroup không có bất cứ dự án hay nền tảng nào có tên là “VinPearl E+ Nền tảng đầu tư mới 4.0”.

Vụ kiện giữa Lancôme và eBay: Lancôme - một nhãn hiệu thuộc sở hữu của Tập đoàn L’Oréal tại Pháp cũng đã khởi kiện eBay vì đã để một số lượng lớn hàng giả của thương hiệu này rao bán trên sàn giao dịch này và cho rằng eBay đã không thực hiện các biện pháp ngăn chặn hành vi này. Ngày 31/07/2008, Tòa án Thương mại của Bỉ đã bác bỏ tất cả các khiếu nại của Lancôme khi muốn chống lại sàn giao dịch eBay và hơn nữa còn yêu cầu công ty mỹ phẩm này phải trả án phí 15.000 EUR. Tòa án Bỉ đã viện dẫn Điều 14 và Điều 15 Sắc lệnh Thương mại điện tử 2000/31/EC của Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng ngày 08/06/2000 về một số khía cạnh pháp lý của các dịch vụ xã hội thông tin, đặc biệt là thương mại điện tử và cả luật quốc gia của Bỉ quy định chỉ thị xác định “host” (máy chủ).

Trên thực tế, máy chủ lưu trữ là một dịch vụ lưu trữ thông tin do người nhận dịch vụ cung cấp, tòa án này đã kết luận rằng, eBay đã được công nhận và đang hoạt động như một nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đơn thuần đối với các đề nghị của bên thứ ba, tức là chỉ tiếp nhận thông tin để lưu trữ, eBay cũng đã đáp ứng được các điều kiện để hưởng cơ chế miễn trừ trách nhiệm. Tòa án khẳng định rằng eBay không có nghĩa vụ giám sát chung và liên quan đến các đề nghị được lưu trữ trên website của mình. Tập đoàn này đã chứng minh rằng, họ đã thực hiện các biện pháp để bảo vệ website của mình khỏi hàng giả và hợp tác với chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong cuộc đấu tranh chống lại hành vi vi phạm.

Cụ thể, eBay đã thông báo đến bên có hành vi xâm phạm nhãn hiệu và xóa các mục mà Lancôme đã khiếu nại. Tòa án cho rằng, không thể coi những biện pháp này là không hiệu quả và không ngăn chặn hành vi xâm phạm của người dùng. Dựa trên cơ sở phán quyết của tòa án Bỉ, sàn eBay đã có lợi trong vụ việc trên. Cũng có thể thấy, cơ chế định miễn trừ trách nhiệm khi có hành vi xâm phạm nhãn hiệu sẽ được áp dụng cho các sàn giao dịch thương mại điện tử nếu đáp ứng được các điều kiện luật định.

Đề xuất giải pháp

Thương mại điện tử là môi trường tiềm ẩn, chứa đựng nhiều rủi ro về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu. Điều này đặt ra những thách thức trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về xâm phạm nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam bắt kịp với xu thế phát triển chung của thế giới. Do vậy, Việt Nam cần chú trọng các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần rà soát quy phạm pháp luật tại các văn bản luật, nghị định, thông tư hướng dẫn về sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử. Đồng thời cần sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp với sự thay đổi của thực tế và đảm bảo tính thống nhất, tránh xung đột giữa quy định trong luật và các văn bản dưới luật. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc nghiên cứu đề xuất, bổ sung đầy đủ những quy định về sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu trong môi trường thương mại điện tử.

Thứ hai, cần xây dựng chế tài xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và trong thương mại điện tử nói riêng theo hướng nghiêm khắc hơn, đảm bảo tính răn đe và ngăn chặn vi phạm một cách hiệu quả. Hiện nay, mức phạt hành chính chưa phù hợp với thực tế và chưa tương ứng với mức lợi nhuận mà chủ thể vi phạm thu được. Điều này dẫn đến việc áp dụng biện pháp hành chính trong thực tiễn không đem lại hiệu quả cao và việc tái phạm vẫn diễn ra, gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi hợp pháp của chủ thể quyền.

Do đó, các văn bản hướng dẫn về mức xử phạt hiện hành cần được sửa đổi theo hướng xác định mức phạt tiền tương ứng với tính chất, mức độ vi phạm thực tế của các chủ thể. Trường hợp vi phạm có tính chất nghiêm trọng, gây thiệt hại đáng kể cho chủ thể quyền thì cần có chế tài mạnh hơn để xử lý.

Thứ ba, cần quy định thẩm quyền xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử cho một cơ quan chuyên trách. Công việc này đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy quản lý, tránh trùng lặp, xung đột thẩm quyền. Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền quản lý và cơ quan chuyên môn để việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm đạt hiệu quả, đảm bảo tối đa quyền lợi chính đáng của chủ thể quyền.

Đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình xây dựng khung pháp lý và thực thi pháp luật một cách hiệu quả, nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là xâm phạm nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử, chú trọng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Các quốc gia có sự phát triển vượt bậc trong thị trường thương mại điện tử, điển hình như Trung Quốc, Hoa Kỳ… hay các tổ chức kinh tế - chính trị Liên minh châu Âu đã có những quy định rất chặt chẽ nhằm ngăn chặn hành vi này. Do đó, Việt Nam cần hành động, dựa trên kinh nghiệm, học hỏi từ các quốc gia khác, chọn lọc và sửa đổi, bổ sung để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng trên nền tảng thương mại điện tử ngày nay.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 5538

Về trang trước Về đầu trang