Tin KHCN trong nước
Đột phá trong xử lý ô nhiễm dầu bằng chế phẩm sinh học từ than trấu (26/01/2024)
-   +   A-   A+   In  

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa cấp bằng sáng chế cho PGS.TS Lê Thị Nhi Công và các đồng nghiệp thuộc Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) về chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu.

Ô nhiễm dầu trong môi trường đang ở mức đáng lo ngại do dầu thường có độc tính cao và tương đối bền vững trong môi trường. Đặc biệt là khi sự cố tràn dầu xảy ra trên biển, các công ty xử lý môi trường thường sử dụng ngay biện pháp dùng phao quây dầu rồi dùng đến các biện pháp hóa học để hạn chế những thành phần của dầu mỏ tan, tràn ra môi trường.

Các phương pháp vật lý và hóa học rất hiệu quả, nhanh, cơ động đặc biệt với dầu thô. Tuy nhiên, đối với biện pháp vật lý chỉ thu gom lại chứ không bảo đảm được các thành phần trong dầu tràn ra ngoài. Biện pháp hóa học thì chuyển từ dạng hợp chất này sang dạng hợp chất khác mà các hợp chất đó chưa hẳn an toàn cho hệ sinh thái. Do đó, quy trình sinh học là một trong những quy trình xử lý triệt để, thân thiện với môi trường và có chi phí thấp.

Chế phẩm sinh học từ than chấu xử lý ô nhiễm dầu được nghiên cứu thành công. Ảnh Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Với mong muốn tạo ra được các chế phẩm sinh học có thể xử lý triệt để ô nhiễm dầu bảo vệ môi trường, chi phí thấp, PGS.TS Lê Thị Nhi Công và các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu chế tạo thành công chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu bằng 4 chủng vi khuẩn tạo màng sinh học trên than sinh học có nguồn gốc từ trấu. Chế phẩm có dạng rắn, có mật độ vi sinh vật đạt > 109 CFU/g. Chế phẩm có hiệu quả loại bỏ hydrocarbon no và thơm >90 % sau 7 ngày thử nghiệm.

Theo đó, nước thải nhiễm dầu sau khi được xử lý bằng chế phẩm sinh học đã loại bỏ hơn 95% thành phần hydrocarbon có trong nước thải, nước thu được đạt loại B theo quy chuẩn QCVN 29:2010/BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 16 tháng 12 năm 2010.

Nghiên cứu được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá xuất sắc bởi có ý nghĩa thực tiễn và tính khoa học cao. Đặc biệt quy trình sản xuất chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu bằng vi khuẩn tạo màng sinh học trên than sinh học có nguồn gốc từ trấu đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 2558.

Nói thêm về sự nguy hiểm của ô nhiễm dầu, PGS.TS Lê Thị Nhi Công cho biết, vấn đề đất và nước bị ô nhiễm dầu đã khá phổ biến, chỉ cần một lượng rất nhỏ hàm lượng các thành phần có trong dầu như styrene, naphthalene, pyrene, phenol... cũng có đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng.

Việc sử dụng các sản phẩm sinh học có thể giải quyết triệt để vì sản phẩm cuối cùng của quá trình xử lý là CO2 và H2O, không gây ô nhiễm thứ cấp. Trong số các quy trình phân hủy sinh học, màng sinh học là một trong những quy trình xử lý dầu ô nhiễm hiệu quả, chi phí thấp. Để tăng cường hiệu quả xử lý ô nhiễm dầu và để có thể dễ dàng áp dụng trong nhiều điều kiện địa hình khác nhau, việc sử dụng chất mang làm giá thể cho các vi sinh vật tạo màng sinh học gắn lên đã và đang được ứng dụng rộng rãi.

Trong số các chất mang, than sinh học (biochar) được xem là một chất mang tiềm năng trong xử lý môi trường và xử lý ô nhiễm đất và nước do có chi phí thấp, đa dạng và có khả năng hấp thụ tương đối tốt hơn than hoạt tính.

Hiện nay, các chế phẩm sinh học này đã được thử nghiệm áp dụng để xử lý ô nhiễm dầu tại các khu vực bị nhiễm dầu như kho xăng ngoại quan Vân Phong (Khánh Hòa) và Kho xăng 133, Thường Tín (Hà Nội).

Với bước tiến này, hy vọng rằng chế phẩm sinh học từ than trấu sẽ đóng góp một phần quan trọng vào việc giảm ô nhiễm dầu, bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cho xã hội.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 2846

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao (22/10/2018)
  • Bộ KH&CN giải đáp cho doanh nghiệp về hiệu lực Giấy chứng nhận hợp quy (22/10/2018)
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)