Tin KHCN trong nước
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ: Chú trọng thu hút, hỗ trợ các nhà khoa học trẻ (19/01/2024)
-   +   A-   A+   In  

Công tác tăng cường tiềm lực cán bộ, đặc biệt là việc thu hút, hỗ trợ các nhà khoa học trẻ đang được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam hết sức quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ.

PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN phát biểu tại buổi họp báo - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Tại họp báo cung cấp thông tin định kỳ của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, trả lời câu hỏi của Báo điện tử Chính phủ về công tác thu hút và hỗ trợ nhà khoa học trẻ, PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy Viện Hàn lâm KHCN đã sớm ban hành một Nghị quyết để phát triển các nhà khoa học trẻ và các nhóm nghiên cứu mạnh.

Sau khi có Nghị quyết, lãnh đạo Viện đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động. Việc tổ chức triển khai được thực hiện đồng bộ bằng nhiều kênh. Trong đó, công tác đào tạo có sự ưu tiên cho các nhà khoa học trẻ mặc dù chưa vào biên chế được tham gia các đề tài khoa học, với mục tiêu đầu ra là sẽ tìm kiếm các nhà khoa học có trình độ năng lực tốt để tiếp tục cống hiến cho Viện Hàn lâm.

Lãnh đạo Viện cũng giao cho các ban chức năng xây dựng những chương trình nghiên cứu để khuyến khích các nhóm nghiên cứu nêu trên, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ tham dự và có đầu ra tiêu chuẩn rõ ràng. Như thạc sĩ, tiến sĩ sẽ được hỗ trợ kinh phí trong vòng 3 năm để tiếp tục nâng cao hướng nghiên cứu của mình; có đề tài độc lập dành cho các cán bộ trẻ, có các đề tài cho các nhóm nghiên cứu trẻ... 

"Có thể nói, việc thu hút, hỗ trợ cán bộ trẻ của Viện Hàn lâm KHCN đã được thực hiện đồng bộ, hiệu quả", PGS.TS Trần Tuần Anh nhấn mạnh.

Tháng 11/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết số 45 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Quán triệt, triển khai Nghị quyết này, Viện Hàn lâm đã phân công thành lập tổ công tác xây dựng kế hoạch thực hiện, dự kiến đến năm 2024 sẽ hoàn thành kế hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, qua đó sẽ có những giải pháp mạnh mẽ để tăng cường tiềm lực các nhà khoa học, trong đó có nhà khoa học trẻ.

Theo báo cáo của Viện Hàn lâm KHCN, chương trình thu hút các nhà khoa học trẻ vào công tác tại Viện Hàn lâm KHCN áp dụng đối với cá nhân hoạt động KHCN dưới 40 tuổi (nhà khoa học trẻ), không thuộc biên chế của đơn vị sự nghiệp trực thuộc Viện Hàn lâm, có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, nhằm tạo điều kiện cho cá nhân thực hiện các nhiệm vụ KHCN quan trọng để phát huy tài năng và được hưởng lợi ích xứng đáng với nhiệm vụ đảm nhận. Đến nay, Viện Hàn lâm KHCN thu hút được 37 nhà khoa học trẻ tham gia Chương trình, trong đó có 15 nhà khoa học trẻ trình độ cao, 22 nhà khoa học trẻ tiềm năng.

Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ cán bộ trẻ. Năm 2023, Viện Hàn lâm hỗ trợ các hoạt động KHCN cấp cơ sở cho các cán bộ khoa học trẻ, cụ thể là cho 54 cán bộ trẻ (gồm 32 tiến sĩ, 28 thạc sĩ và 4 kỹ sư và cử nhân). Việc hỗ trợ hoạt động cơ sở trẻ đã tạo điều kiện, tạo động lực cho các cán bộ trẻ nâng cao kinh nghiệm hoạt động khoa học của mình, trưởng thành hơn trong công tác nghiên cứu.

Đối với thực hiện đề tài KHCN độc lập dành cho cán bộ nghiên cứu trẻ (hay còn gọi là đề tài độc lập trẻ). Năm 2023, Viện Hàn lâm KHCN triển khai thực hiện 18 đề tài độc lập trẻ, trong đó có 10 đề tài chuyển tiếp giai đoạn 2022–2023 và 8 đề tài mở mới giai đoạn 2023–2024. Loại hình đề tài này thu hút các cán bộ trẻ trong công tác nghiên cứu khoa học, được nhiều nhóm cán bộ trẻ tham gia và có tính cạnh tranh rõ rệt. Điều này thể hiện qua các đề xuất đăng ký của các cán bộ, đối với các đề tài mở mới giai đoạn 2023-2024, 100% các đề tài độc lập trẻ đăng ký kết quả KHCN công bố trên tạp chí quốc tế SCI/SCIE, hoặc đăng ký phát minh sáng chế/giải pháp hữu ích.

Họp báo cung cấp thông tin định kỳ của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Chất lượng và số lượng của các công trình công bố tiếp tục tăng

Cũng tại buổi họp báo, thông tin về kết quả công tác năm 2023 của Viện Hàn lâm KHCN, ông Lê Sỹ Tùng, Chánh Văn phòng Viện Hàn lâm KHCN cho biết, năm 2023, Viện Hàn lâm đã công bố tổng số trên 2.210 công trình khoa học, gồm 1.738 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế và 76 bằng độc quyền phát minh sáng chế và giải pháp hữu ích.

Số lượng các công trình công bố quốc tế của Viện Hàn lâm năm 2023 tiếp tục được duy trì ở mức cao, đạt gần 1.738 công trình, chiếm 78,6 % tổng số công trình công bố. Số lượng công bố trên các tạp chí quốc tế chất lượng cao đạt 1.379 công trình, chiếm tỉ lệ 79%.

So với các năm gần đây và của cả giai đoạn 2016-2020, chất lượng và số lượng của các công trình công bố vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt trong bối cảnh số lượng cán bộ nghiên cứu giảm theo kế hoạch tinh giản biên chế của Viện Hàn lâm (giảm 10% giai đoạn 2016-2020 và giảm tiếp 10% giai đoạn 2022–2026).

Năm 2023, Viện Hàn lâm tiếp tục tổ chức vinh danh các Công trình công bố xuất sắc trong năm (9 công trình) cho các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau do các nhà khoa học tại Viện Hàn lâm thực hiện.

Bên cạnh đó, các đơn vị và cá nhân trong Viện Hàn lâm đã nhận được nhiều giải thưởng cấp Quốc gia và quốc tế như nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2023 của L'Oreal-UNESCO, giải thưởng KHCN Quả cầu vàng và 2 công trình khoa học được vinh danh tại 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2023 do Câu lạc bộ Nhà báo KHCN Việt Nam bình chọn.

Các hoạt động điều tra cơ bản luôn là một trong những thế mạnh của Viện Hàn lâm. Hệ thống trên 100 đài trạm của Viện Hàn lâm trải rộng trên khắp lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam quan trắc các yếu tố môi trường tự nhiên, tiếp tục được duy trì hoạt động ổn định. Năm 2023, các hoạt động điều tra cơ bản được triển khai tốt và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, phát hiện được nhiều loài mới, thu thập được các mẫu có giá trị.

Các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ tiếp tục được Viện Hàn lâm chú trọng đẩy mạnh. Viện đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng các văn bản, chính sách, quy chế, tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ và thương mại hóa công nghệ. Năm 2023, Viện đã được cấp 76 Bằng độc quyền phát minh sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, trong đó có 3 Bằng độc quyền sáng chế quốc tế.

Ngoài ra, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm đã chủ động tham gia nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng, các dự án sản xuất thử nghiệm, đề tài hợp tác địa phương. Các kết quả nghiên cứu đều có tính ứng dụng thiết thực và được chuyển giao cho địa phương, thu hút được sự đầu tư kinh phí đáng kể, điển hình như ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn trong phần mềm dịch ngôn ngữ hiếm của Viện Công nghệ thông tin, công nghệ sơn chống cháy của Viện Khoa học vật liệu, công nghệ sơn phản xạ nhiệt của Viện Kỹ thuật nhiệt đới, hay ứng dụng công nghệ sinh học vào trong ngành nông nghiệp, thủy sản như lai tạo thành công đàn cá nemo có giá trị cao trong ngành sinh vật cảnh trong nước và xuất khẩu, lai tạo bê lai F1, và tạo ra các sản phẩm hỗ trợ sức khoẻ cho bệnh nhân…

Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cũng rất chú trọng và nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao như: Nhiệm vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, năm 2023, Mạng lưới đài trạm địa chấn quốc gia do Viện Vật lý địa cầu vận hành đã ghi nhận được 343 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2.5 đến 5.4 độ theo thang Mô men trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam.

Công tác vận hành hoạt động ổn định và hiệu quả hệ thống VNREDSat-1 trên quỹ đạo thực hiện tốt. Trong việc thực hiện Đề án 515 quy tập và định danh liệt sĩ còn thiếu thông tin, trong năm qua Trung tâm giám định ADN đã thu thập và tiếp nhận tổng cộng 481 mẫu hài cốt liệt sĩ từ 15 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước và bảo quản 6264 mẫu hài cốt liệt sĩ.

Các dự án khác như: Đầu tư xây dựng Trường Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội; Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam; Dự án xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam... đều đang tích cực được triển khai thực hiện.

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 4375

Về trang trước Về đầu trang