Tin KHCN trong nước
Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024 thu hút nhiều giải pháp về môi trường (11/01/2024)
-   +   A-   A+   In  

Gần một tháng sau khi mở cổng nhận hồ sơ, cuộc thi Sáng kiến Khoa học do VnExpress tổ chức thu hút nhiều bài thi gồm các giải pháp, công nghệ mới, trong đó lĩnh vực môi trường chiếm ưu thế.

Năm thứ 3 tổ chức, cuộc thi Sáng kiến Khoa học (Creative Science Contest - CSC) tiếp nhận các sản phẩm thuộc 5 nhóm lĩnh vực gồm: y sinh - hóa sinh, công nghệ, nông nghiệp, vật liệu vi mạch bán dẫn, môi trường.

Hiện Ban tổ chức nhận được gần 30 hồ sơ gửi về từ Hà Nội, TP HCM, Sóc Trăng, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Điện Biên... Các sáng kiến, giải pháp trải đều ở nhiều lĩnh vực từ công nghệ năng lượng, y sinh hóa sinh, vật liệu... Trong số này, hồ sơ lĩnh vực môi trường nổi trội hơn cả.

Thiết bị dẫn đường phẫu thuật cá thể hóa trong mổ thay khớp gối toàn phần giành giải Nhì cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2023. Ảnh: Trung tâm công nghệ 3D trong Y học, Đại học VinUni

Tổng giải thưởng lên tới 300 triệu đồng, trong đó giải đặc biệt 100 triệu đồng, giải nhất 70 triệu đồng, giải nhì 50 triệu đồng, giải ba 30 triệu đồng và hai giải khuyến khích 10 triệu đồng mỗi giải. Ngoài ra, CSC có hạng mục sáng kiến cho vùng sâu, vùng xa với giá trị 30 triệu đồng.

Tác giả được giải sẽ nhận phần thưởng là tiền mặt và các lợi ích khác như cơ hội truyền thông trên các nền tảng của Báo điện tử VnExpress, được kết nối tới các đối tác quan tâm để phát triển, hoàn thiện, kinh doanh sản phẩm.

Toàn bộ tiền giải thưởng do Quỹ Hy vọng (Hope Foundation) tài trợ. Đây là quỹ xã hội - từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không lợi nhuận, được vận hành bởi Báo VnExpress và Công ty cổ phần FPT. Quỹ theo đuổi hai mục tiêu: hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Một trong các hoạt động của quỹ là thúc đẩy ứng dụng công nghệ, trang bị công cụ phát triển bền vững cho các cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là trang bị tri thức thông qua giáo dục.

CSC 2023 tổ chức trong bối cảnh Việt Nam lần đầu xây dựng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII) và thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nói như Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, năm 2024, ngành khoa học công nghệ tập trung triển khai các chương trình, kế hoạch về hoạt động đổi mới sáng tạo. Đây là năm "tăng tốc, bứt phá" thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Theo đó CSC khuyến khích các sản phẩm công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp triển khai tại Việt Nam. Các giải pháp cần có triển vọng kinh doanh, có khả năng áp dụng rộng rãi đem lại giá trị kinh tế, xã hội cho cộng đồng, giúp giảm chi phí, nâng cao năng suất. Đội ngũ phát triển sản phẩm có đủ năng lực thực hiện ý tưởng và có tiềm năng gọi vốn đầu tư hoặc đã được đầu tư. Đây được coi là những tiêu chí mà Ban giám khảo đánh giá sản phẩm dự thi.

Ban tổ chức nhận bài thi từ 20/12/2023 đến hết 13/3/2024 theo hình thức trực tuyến. Vòng sơ loại diễn ra trong tháng 3, chung kết tổ chức trong tháng 4 và lễ trao giải dự kiến tổ chức tháng 5 trong khuôn khổ "Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2024".

Từ vòng sơ loại, độc giả VnExpress có thể bình chọn các giải pháp yêu thích. Các sản phẩm được bình chọn cao và nhận được phiếu lựa chọn của Ban giám khảo sẽ vào vòng chung kết. Tại vòng chung kết, 30% bình chọn và 70% điểm đánh giá của Ban giám khảo là căn cứ xếp hạng các sản phẩm đạt giải.

Cuộc thi Sáng kiến khoa học 2023 tổ chức hồi tháng 5 vừa qua có sáu sản phẩm được trao giải và không có giải đặc biệt. Trong đó, giải nhất 70 triệu đồng trao cho TS Nguyễn Đoàn Quốc Anh cùng các cộng sự Khoa Điện - Điện tử, Đại học Tôn Đức Thắng với công nghệ TIR lens mới. Giải nhì 50 triệu đồng, trao cho nghiên cứu thiết bị dẫn đường phẫu thuật cá thể hóa (PSI) của bác sĩ Phạm Trung Hiếu cùng các cộng sự tại nhóm Lab 3D VinUni, trường Đại học VinUni. Giải ba 30 triệu đồng trao cho tác giả Lương Văn Trường (Nam Định) với quy trình sản xuất hạt giống nảy mầm sẵn. Hai giải khuyến khích 10 triệu đồng trao cho tác giả Đào Văn Minh (Hà Nội) với công trình xe cứu hộ lốp và thay thế lốp phụ ôtô và Đinh Văn Trung, học sinh lớp 12 trường Diễn Châu 2, Nghệ An với thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật bằng hệ thống cáp treo di động. Giải sáng kiến cho vùng sâu, vùng xa 30 triệu đồng trao cho Trần Thị Quỳnh, học sinh THPT Mường Nhé, Điện Biên với công trình sản xuất tơ sợi từ lá cây lưỡi hổ để làm tóc giả.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 6551

Về trang trước Về đầu trang