Tin KHCN trong nước
Sản xuất vật liệu hữu cơ mới thay thế nhựa (06/01/2024)
-   +   A-   A+   In  

Mới đây, công ty khởi nghiệp nhựa sinh học BUYO đã thành công trong việc sử dụng công nghệ tiên tiến tạo ra nhựa phân hủy sinh học từ chất thải hữu cơ, thay vì tinh bột như hầu hết các công ty nhựa sinh học khác, vốn có thể ảnh hưởng tới an ninh lương thực. Để góp phần giảm thiểu chất thải nhựa, cần có chính sách khuyến khích và thúc đẩy sử dụng các vật liệu hữu cơ mới thay thế nhựa.

Các sản phẩm của Công ty nhựa sinh học BUYO thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. (Ảnh: Thu Nga)

Nhận thấy Việt Nam là một nước sản xuất nông nghiệp và sản xuất thực phẩm lớn với nguồn rác hữu cơ dồi dào, Công ty TNHH nhựa sinh học BUYO đã tiến hành nghiên cứu, chọn lọc và sáng chế công nghệ chuyển đổi rác hữu cơ thành một loại vật liệu mới thay thế nhựa. Vật liệu mới này có nguồn gốc 100% hữu cơ và phân hủy được hoàn toàn trong môi trường tự nhiên, an toàn cho môi trường và sức khỏe, nhưng vẫn đáp ứng được các tính năng của nhựa thông thường với giá thành hợp lý.

Nguồn rác hữu cơ phổ biến nhất mà Công ty BUYO sử dụng hiện nay là bã hèm từ quá trình sản xuất bia và một số loại bã khác từ ngành chế biến nông sản. Đây là một công nghệ mới mang tính tiên phong, do đội ngũ các chuyên gia và nhà khoa học của Công ty BUYO phát triển tại Việt Nam. Cùng với đó là sự hỗ trợ và tư vấn của Công ty bia AB InBev (Bỉ), Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Đỗ Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty BUYO cho biết, sản phẩm BUYO khác biệt so với các công nghệ khác trên thị trường là nguồn nguyên liệu từ rác hữu cơ, không pha trộn nguyên liệu nguồn gốc dầu mỏ, không dùng tinh bột để bảo đảm an ninh lương thực. Sản phẩm có thể phân hủy được hoàn toàn trong môi trường tự nhiên trong vòng ba tháng tới một năm, thay vì 500 năm như nhựa thông thường.

Mặt khác, sản phẩm không tạo vi nhựa, an toàn đối với sức khỏe. Ngoài ra, quy trình sản xuất của Công ty BUYO góp phần giảm thiểu phát thải carbon do tiêu tốn ít năng lượng và tái chế rác hữu cơ. Giá thành của sản phẩm tương đương với giá của các sản phẩm bằng giấy hay bã mía trong khi độ bền, khả năng chống thấm nước, chịu nhiệt cao hơn nhiều lần.

Bà Đỗ Hồng Hạnh cho biết thêm, sau hai năm nghiên cứu và phát triển, công ty đã huy động được 750 nghìn USD vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế và vận hành một nhà máy thí điểm với công suất 10 tấn/tháng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian tới, công ty sẽ đầu tư nâng công suất lên 100 tấn/tháng trong năm 2024.

Công ty đã nộp đơn đăng ký bảo hộ hai phát minh sáng chế. Với những tính năng ưu việt, đến nay, sản phẩm đã đạt được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như: Tốp 10 cuộc thi Techfest Việt Nam; giải Nhất cuộc thi 100+ Labs dành cho các start-up về phát triển bền vững tại Việt Nam; start-up đầu tiên của Việt Nam được tuyển chọn vào vòng chung kết chương trình tăng tốc phát triển 100+ Accelerator do các tập đoàn như: AB InBev, Coca Cola, Unilever và Colgate Palmolive chủ trì... Mới đây nhất, giải pháp cung cấp nhựa sinh học nguồn gốc tự nhiên của BUYO đã giành giải Nhất cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2023.

Hiện nay, công ty đặt mục tiêu cung cấp nguyên liệu nhựa sinh học cho các công ty chủ yếu trong ngành thực phẩm-đồ uống, với các bao bì mềm như túi đựng thực phẩm, giấy gói đồ ăn, màng bọc… và các loại nhựa cứng như khay, bộ đồ ăn, ly, hũ, chai. Sắp tới, công ty cũng đưa ra thị trường nhóm sản phẩm nhựa sinh học dùng trong y tế và mỹ phẩm, vốn đòi hỏi khả năng kháng khuẩn cao, có thể gồm băng bọc vết thương, bao bì y tế, mặt nạ dưỡng da, thuốc trị bỏng.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, công nghệ của Công ty BUYO có tiềm năng thị trường rất lớn, vì chỉ riêng Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 12 tỷ USD các sản phẩm nhựa mỗi năm, nếu chuyển đổi sang các vật liệu hữu cơ thay thế nhựa, số tiền tiết kiệm được từ việc cắt giảm 12 triệu tấn khí CO2 mỗi năm sẽ tương đương 60 triệu USD.

Đồng thời, lãnh đạo bộ cũng khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các ý tưởng của những cá nhân, nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể phát triển, đồng hành với sự phát triển kinh tế-xã hội; tạo điều kiện cho các ý tưởng đi ra thị trường trong nước và hội nhập quốc tế, thu hút nguồn vốn của các quỹ, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như Công ty BUYO sẽ tham gia giải quyết các bài toán của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty để Việt Nam phát triển tăng trưởng xanh, bền vững.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, các chính sách để giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đều tập trung khuyến khích và ưu đãi nhựa tái chế. Tuy nhiên, trung bình trên toàn thế giới, chưa tới 10% tổng lượng rác thải nhựa có thể tái chế được. Vì vậy, để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, ngoài tái chế, còn cần tăng cường sử dụng các vật liệu hữu cơ mới thay thế nhựa. Đại diện Công ty BUYO cho rằng, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích và thúc đẩy cho các vật liệu hữu cơ mới như đối với nhựa tái chế, cũng như có các chính sách hỗ trợ kịp thời để giữ chân và ươm mầm cho các start-up.

Theo đó, cần coi kinh tế tuần hoàn là một lĩnh vực đặc biệt khuyến khích, và cho phép các doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn sử dụng chất thải của các ngành khác làm đầu vào cho mình được đặt nhà máy và cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp thông thường, miễn là đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về quản lý chất thải, tạo điều kiện thông thoáng, nhanh gọn trong việc cấp giấy phép môi trường. Bên cạnh đó, cung cấp các hỗ trợ, đòn bẩy về tài chính cho doanh nghiệp như quy đổi thành miễn giảm thuế cho doanh nghiệp dựa trên số sản phẩm xanh được bán ra trên thị trường, tiếp cận các chương trình tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi…

Nguồn: nhandan.vn

Số lượt đọc: 6034

Về trang trước Về đầu trang