Tin KHCN trong nước
Sở hữu trí tuệ trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (03/01/2024)
-   +   A-   A+   In  

Sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng được coi là một công cụ toàn diện thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế và bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh.

Các nước phát triển luôn kêu gọi các nước đang phát triển tăng cường quyền SHTT, thiết lập những chuẩn mực quốc tế mới để bảo vệ lợi ích kinh tế, bao gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của họ. Các nước đang phát triển có thể sử dụng quyền SHTT ở tầm chiến lược để tạo điều kiện cho chuyển giao công nghệ (CGCN) và thu hút FDI. Bài viết làm rõ hơn vấn đề SHTT trong thương mại quốc tế nói chung và thu hút FDI nói riêng, qua đó đề xuất một số kiến nghị ở góc độ SHTT nhằm thúc đẩy bền vững FDI vào Việt Nam.

SHTT trong thương mại quốc tế

SHTT là một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Bảo hộ quyền SHTT tạo cơ sở pháp lý cho chủ thể quyền trong việc sử dụng, khai thác, mua bán các đối tượng quyền SHTT đã được bảo hộ; tạo lợi thế cạnh tranh cho các chủ thể quyền, khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST), thúc đẩy bản thân chủ thể quyền, các cá nhân, tổ chức liên quan trong xã hội không ngừng sáng tạo ra các tài sản trí tuệ (TSTT) mới để được bảo hộ độc quyền, qua đó thúc đẩy tạo ra các sản phẩm mới, quy trình mới, ngành công nghiệp mới có triển vọng về lợi ích kinh tế.

Quyền SHTT thúc đẩy các hoạt động thương mại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào việc phát triển, cung cấp hàng hóa, dịch vụ với mẫu mã, chất lượng ngày càng cao, thúc đẩy ĐMST nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tính năng, sự hấp dẫn của hàng hóa. Các nước có thể sử dụng độc quyền SHTT ở tầm chiến lược để phát huy lợi thế kinh doanh thông qua việc tạo điều kiện cho CGCN và thu hút FDI; thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ tại các trường đại học, cơ sở nghiên cứu; xúc tác cho công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tích lũy TSTT và “thương mại hóa” các tài sản này.

Sự hình thành một cách có chủ đích giữa pháp luật về thương mại và chính sách SHTT khi một số nước đi trước (thường là các nước phát triển) bắt đầu sử dụng biện pháp thương mại để kiềm chế việc xâm phạm quyền SHTT ở nước ngoài. Đây là yếu tố quan trọng dẫn tới việc quyền SHTT được đưa vào một trong các nội dung quan trọng thuộc khuôn khổ đàm phán thương mại đa phương hoặc song phương.

Các nước đi trước muốn thiết lập các chuẩn mực mang tính toàn cầu về bảo hộ SHTT, có hiệu lực ràng buộc đối với tất cả các nước phát triển và đang phát triển, bao gồm thực thi và biện pháp biên giới. Đối với các nước phát triển, bảo hộ chặt chẽ quyền SHTT nhằm thực hiện mục tiêu: i) khuyến khích phát triển công nghệ và cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ vốn đầu tư cho các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp (SHCN); ii) gây sức ép lên các nước khác trong hội nhập kinh tế, hạn chế các xâm phạm quyền SHCN tại các nước khác, nhất là các nước đang phát triển. Các nước phát triển luôn kêu gọi các nước đang phát triển xây dựng cơ chế bảo hộ SHTT mạnh để đảm bảo lợi ích của mình.

Ngày nay, vấn đề SHTT ngày càng được các nước phát triển coi là công cụ toàn diện thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế và bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh. Do đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới hướng tới tăng cường quyền SHTT, thiết lập những chuẩn mực quốc tế mới, cao hơn các chuẩn mực quốc tế hiện nay. Các nước phát triển nỗ lực đưa ra nguyên tắc đàm phán bảo hộ mạnh mẽ hơn tại Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) hoặc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các nỗ lực này phản ánh việc nhiều người tham gia đàm phán tin tưởng rằng quyền SHTT mạnh nói chung là tốt cho lợi ích kinh tế của họ. Liên minh châu Âu, Mỹ, và các nước phát triển khác đều có lợi về mặt kinh tế từ các quyền SHTT. Do đó, nếu không đàm phán mạnh mẽ hơn tại WIPO hoặc WTO, thì họ sẽ tăng cường đàm phán tại các FTA.

Đối với các nước đang phát triển, hội nhập kinh tế đồng nghĩa với hội nhập về SHTT. Đó là quá trình tham gia, ký kết và tuân thủ chặt chẽ các điều ước quốc tế song phương và đa phương về SHTT; tham gia đầy đủ và tích cực vào các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về SHTT; phù hợp với chiến lược hội nhập chung của quốc gia và quan hệ thương mại song phương, khu vực và toàn cầu. Đó cũng là quá trình chấp hành, thực hiện các cam kết quốc tế, các nguyên tắc chung về SHTT theo các hiệp định song phương và đa phương mà nước đó là thành viên.

Để thực hiện các cam kết này, cần có những điều chỉnh luật pháp trong nước, xây dựng các luật lệ mang tính phù hợp, cân bằng theo các chuẩn mực chung mang tính toàn cầu, trong đó tổng quát nhất là tính đầy đủ và hiệu quả nhằm sử dụng SHTT như một công cụ đắc lực để phát triển KT-XH: thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, khuyến khích hoạt động khoa học, công nghệ và ĐMST. Các nước đang phát triển tuân thủ các vấn đề SHTT được nêu trong các FTA đã ký kết, xây dựng chuẩn mực SHTT mới, bảo hộ quyền SHTT cao thì được coi là nơi có môi trường thu hút FDI và CGCN. Ngược lại, nếu các nước không cập nhật đầy đủ các chuẩn mực SHTT mới, bảo hộ quyền SHTT yếu thì được coi là nơi không bảo đảm môi trường đầu tư, theo đó không thu hút FDI.

Vai trò của quyền SHTT trong thu hút FDI.

Thúc đẩy bền vững FDI vào Việt Nam

Để thúc đẩy bền vững FDI vào Việt Nam, từ góc độ SHTT Việt Nam cần chú trọng các vấn đề sau:

Một là, bảo hộ quyền SHTT phải duy trì một sự cân bằng thỏa đáng về lợi ích các chủ thể quyền SHTT và lợi ích công cộng, đồng thời hỗ trợ sự thúc đẩy tiến bộ KT-XH và sự thịnh vượng chung của toàn xã hội. Khi xây dựng hệ thống SHTT trong thời kỳ mới, cần xác định rõ triết lý, quan điểm, định hướng cơ chế bảo hộ SHTT, bao gồm:

Nếu xây dựng cơ chế bảo hộ cao về SHTT sẽ làm tăng lợi ích của các chủ thể quyền SHTT, điều này sẽ dẫn tới việc thúc đẩy các hoạt động đầu tư cho ĐMST, thúc đẩy và thu hút CGCN tiên tiến của nước ngoài vào Việt Nam, các sản phẩm sẽ có chất lượng tốt hơn và được bán với giá cạnh tranh hơn hoặc với thậm chí cao hơn. Thực tiễn ở các nước đang phát triển, khi mà phần lớn công nghệ mới, các sáng chế mới được đến từ nước ngoài, hệ thống bảo hộ về SHTT thường có lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài, không có lợi cho cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Khi cơ chế bảo hộ cao về SHTT, khả năng yêu cầu bảo hộ quyền SHTT mới sẽ khó hơn nên các doanh nghiệp, cá nhân trong nước khó được bảo hộ sáng chế, khó có khả năng độc quyền công nghệ mới hoặc khó tiếp cận công nghệ mới hay phải nhập/mua công nghệ mới với giá cao, làm tăng chi phí sản xuất khiến sản phẩm tạo ra giảm sức cạnh tranh. Ngoài ra, cơ chế bảo hộ cao về SHTT làm thời điểm TSTT đã được bảo hộ trở thành tài sản công cộng bị lùi xa, khiến người tiêu dùng Việt Nam phải trả giá cao hơn khi sử dụng các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm dược (do tính độc quyền về SHTT của sản phẩm)

Ngược lại, nếu xây dựng cơ chế bảo hộ thấp về SHTT, sẽ khiến số lượng đối tượng quyền SHTT có nguồn gốc Việt Nam dễ dàng được xác lập quyền hơn, các sản phẩm mới chứa đối tượng SHTT được bảo hộ dễ dàng ra đời và được bán với giá cạnh tranh hơn, người tiêu dùng phải chi trả ít hơn. Tuy nhiên, cơ chế bảo hộ thấp về SHTT cũng làm cho sự khác biệt về công nghệ, trình độ sáng tạo của các đối tượng SHTT được bảo hộ của các chủ thể khác nhau không lớn. Điều này làm giảm lợi ích của chủ thể quyền, giảm hoạt động đầu tư cho ĐMST, giảm hoạt động FDI và CGCN, đặc biệt làm giảm tính đột phá trong cải tạo, đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ nội sinh.

Hai là, cần tạo môi trường khuyến khích việc sử dụng SHTT một cách có chiến lược để phát triển KT-XH. Điều này được thể hiện ở việc tạo lập, thúc đẩy: môi trường pháp lý ngày càng đầy đủ, ổn định và hiệu quả; môi trường kinh tế, kỹ thuật, xã hội đảm bảo cho hoạt động ĐMST, tăng TSTT, khai thác TSTT, ứng dụng và đổi mới công nghệ; ngoài ra, cần coi trọng môi trường công khai, minh bạch nhằm đảm bảo quyền lợi của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động ĐMST, tạo TSTT, CGCN, đảm bảo lợi ích cộng đồng trong việc khai thác, sử dụng TSTT cũng như thông tin liên quan đến chúng.

Ba là, coi trọng việc thực thi các cam kết quốc tế về SHTT, đặc biệt là trong Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), FTA thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Coi trọng việc thực thi các cam kết quốc tế về SHTT là cơ sở tạo môi trường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, CGCN, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được công nghệ tân tiến; hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT, hoàn thiện các cơ quan xác lập quyền, cơ quan xử lý vi phạm pháp luật về SHTT; minh bạch hóa các quy định pháp luật, thủ tục và quyết định hành chính liên quan đến bảo hộ và xử lý vi phạm pháp luật về SHTT. Đồng thời, tận dụng tối đa những khoảng trống hay những cơ hội mà các điều ước quốc tế, hiệp định song phương và đa phương dành cho Việt Nam, nhằm sử dụng SHTT như là một công cụ để phát triển KT-XH.

Bốn là, nâng cao năng lực của bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về SHTT, đặc biệt là xây dựng Cục SHTT trở thành một tổ chức đi đầu trong hệ thống SHTT, hoạt động xác lập quyền đúng thời hạn và chất lượng trên cơ sở hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế của các quyết định liên quan đến xác lập quyền và thực hiện các thủ tục khác có liên quan. Nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thực thi trong việc xử lý xâm phạm, tranh chấp quyền SHTT; tăng cường vai trò của tòa án trong việc xử lý tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt cần xây dựng tòa chuyên trách về SHTT với thẩm quyền xét xử các vụ án tranh chấp quyền SHTT, bao gồm cả khiếu nại liên quan đến xác lập quyền SHTT, hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ và các vụ án liên quan đến SHTT, bao gồm cả dân sự, hình sự và hành chính, đồng thời phân cấp nhiệm vụ xét xử cho mỗi cấp tòa chuyên trách về SHTT.

Năm là, phát triển hệ thống hỗ trợ SHTT, đó là hệ thống các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý về SHTT, tổ chức khai thác và đánh giá thông tin SHTT nhất là thông tin sáng chế, các chuyên gia về SHTT, các luật sư am hiểu, các tổ chức giám định, các tổ chức xã hội nghề nghiệp về SHTT. Các chủ thể này theo chức năng của mình, bằng các hình thức khác nhau hỗ trợ chủ thể quyền SHTT trong việc tạo lập TSTT, xác lập quyền SHCN, khai thác và bảo vệ quyền SHTT. Hệ thống hỗ trợ SHTT phát triển về chất lượng và số lượng sẽ làm tăng tốc độ đổi mới, nhiều TSTT có giá trị được tạo ra và được ứng dụng, qua đó thúc đẩy FDI, CGCN và đổi mới công nghệ.

Sáu là, phát triển nguồn nhân lực SHTT với trọng tâm bao gồm: xây dựng chương trình đào tạo chuyên gia SHTT cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi về SHTT và nhất là cho các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức hỗ trợ, khai thác quyền SHTT; xây dựng hệ thống đào tạo nhân lực SHTT cho xã hội tại các trường đại học, đưa SHTT thành môn học được giảng dạy trực tiếp trong tất cả các trường đại học; xây dựng chương trình đào tạo cơ bản và chuyên sâu về SHTT; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực SHTT, nhất là đào tạo chuyên gia SHTT cho các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT, các trường đại học, viện nghiên cứu.

Bảy là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp trí tuệ nhân tạo trong hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN). Xây dựng hệ thống quản trị đơn SHCN đáp ứng được tất cả các tác nghiệp. Công cụ quản trị đơn SHCN cần được phân quyền theo từng cấp độ quản lý, tích hợp nộp đơn điện tử trực tuyến, tiến trình nộp đơn, thanh toán phí/lệ phí, trả kết quả và tiếp nhận công văn, tình trạng đơn hay tiến trình thẩm định đơn đều được thực hiện trực tuyến và công khai.

Tám là, xây dựng chương trình tra cứu riêng phục vụ việc thu nhập thông tin SHCN, giúp nâng cao hoạt động thống kê, công bố, cung cấp các thông tin thống kê SHCN chất lượng. Thúc đẩy thành lập các tổ chức cung cấp dịch vụ tra cứu, đánh giá thông tin SHCN. Đẩy mạnh hoạt động khai thác về thông tin SHCN, đảm bảo khả năng tiếp cận, tra cứu thông tin sáng chế, nhất là các sáng chế đang còn hiệu lực bảo hộ nhưng không đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

TS Khổng Quốc Minh - Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 5450

Về trang trước Về đầu trang