Tin KHCN trong nước
Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (04/01/2024)
-   +   A-   A+   In  

Năm 2023, việc phát triển thị trường KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thúc đẩy mối liên kết nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ đã được Bộ KH&CN hết sức chú trọng.

Cụ thể, đối với việc phát triển thị trường KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, năm qua, Bộ KH&CN đã tổ chức triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/10/2023. Chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các Sàn giao dịch công nghệ tại Việt Nam; báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án hình thành sàn giao dịch công nghệ trực tuyến quốc gia.

Hoạt động của các sàn giao dịch công nghệ đã đi vào chiều sâu, số lượng và quy mô giao dịch không ngừng tăng lên. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia từng bước được hình thành, ngày càng phát triển về quy mô và hình thức hoạt động. Đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vẫn giữ được mức phát triển tương đối tốt so với khu vực ASEAN.

Hiện nay, Việt Nam có trên 3000 doanh nghiệp khởi nghiệp; trên 140 trường đại học, viện nghiên cứu tổ chức hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp. Bộ KH&CN đang triển khai xây dựng Đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia trực thuộc Bộ có trụ sở tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

 Ảnh minh hoạ.

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cao cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bộ KH&CN tiếp tục triển khai hiệu quả các Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, hợp tác, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH,CN&ĐMST; xây dựng mạng lưới tư vấn viên, triển khai tư vấn hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy liên kết và chuyển giao công nghệ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; nâng cao năng lực tiếp thu, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực tự chủ công nghệ, khuyến khích sử dụng công nghệ, sản phẩm nội địa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, thúc đẩy thông qua các đề án, chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; đề án thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hướng dẫn địa phương đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất đối với một số ngành chủ lực, mũi nhọn của địa phương.

Tiếp tục hỗ trợ vận hành, khai thác có hiệu quả 13 điểm kết nối cung cầu công nghệ phân bố trên 5 vùng, 12 tỉnh thành. Phối hợp với các tổ chức quốc tế và địa phương triển khai hoạt động hỗ trợ tìm kiếm, kết nối chuyển giao công nghệ với các đối tác nước ngoài thông qua nhiều hình thức khác nhau. Phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 5655

Về trang trước Về đầu trang