Tin KHCN trong nước
Tầm quan trọng của Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) (06/01/2024)
-   +   A-   A+   In  

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, cấu trúc Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) được thiết kế với hai nhóm chỉ số đầu vào (5 trụ cột) và đầu ra (2 trụ cột).

Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII - Provincial Innovation Index) được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Năm 2022 là năm đầu tiên bộ chỉ số được xây dựng thử nghiệm với 20 địa phương. Sau khi có kết quả thử nghiệm, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ "chính thức triển khai xây dựng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023" (Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2023).

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, cấu trúc bộ chỉ số PII được thiết kế với hai nhóm chỉ số đầu vào (5 trụ cột) và đầu ra (2 trụ cột). Mỗi trụ cột có các nhóm với 52 chỉ số thành phần (GII thường có khoảng 80 chỉ số thành phần).

PII được xây dựng bám sát cấu trúc của bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Global Innovation Index) do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hàng năm và được Chính phủ sử dụng trong quản lý, điều hành từ năm 2017. Bộ chỉ số GII được áp dụng cách tiếp cận hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, cho phép đối chuẩn (benchmark) giữa các quốc gia; còn chỉ số PII hiện được triển khai theo cách tiếp cận hệ thống đổi mới sáng tạo vùng, áp dụng với các địa phương ở Việt Nam.

 So sánh khung chỉ số GII năm 2023 và PII Việt Nam năm 2023. Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ

Các địa phương có sự khác biệt về quy mô kinh tế xã hội, dân số, đất đai, cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển... nên cần chọn mô hình phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo khác nhau, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng có của địa phương mình. Do đó, nhiều địa phương kiến nghị cần có bộ chỉ số đổi mới sáng tạo dành riêng cho địa phương để căn cứ vào đó chỉ đạo điều hành tốt hơn, sát với thực tiễn hơn.

PII có tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt với mỗi địa phương bởi thông qua bộ chỉ số này sẽ bộc lộ điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở địa phương;

Bên cạnh đó, thúc đẩy thực hiện các sáng kiến phát triển kinh tế xã hội ở địa phương dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng thế mạnh và vượt qua các thách thức. Cung cấp công cụ và kỹ thuật cho phép đánh giá, so sánh tiềm lực, kết quả hoạt động giữa các địa phương cũng như công tác điều hành, quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Góp phần nâng cao năng lực và kết quả hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia; đặc biệt là góp phần thực hiện và theo dõi, đánh giá việc thực hiện Chiến lược khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững.

Bộ chỉ số PII còn có ý nghĩa đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Kết quả đánh giá PII của địa phương sẽ là thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư, điều kiện nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa phương. Đối với giới nghiên cứu, theo thời gian, bộ chỉ số PII cung cấp cơ sở dữ liệu toàn diện, đầy đủ, đáng tin cậy, có khả năng so sánh, tạo tiền đề thực hiện các nghiên cứu thực chứng có chất lượng. Bộ chỉ số PII cũng có ý nghĩa đối với cộng đồng các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ để xem xét, cân nhắc tài trợ và hoạt động có liên quan tại các địa phương ở Việt Nam.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 3196

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Nghiên cứu, đề xuất định hướng thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam (23/12/2020)
  • Nghiên cứu giải pháp tạo nguồn và kỹ thuật tưới tiết kiệm nước nhằm phát triển bền vững cây điều vùng Đông Nam Bộ (23/12/2020)
  • Khai thác và phát triển nguồn gen Tam thất hoang (Panax stipuleanatus H.T. Tsai et K.M. Feng) và Hoàng liên Ô rô (Mahonia nepalensis DC) làm nguyên liệu sản xuất thuốc (23/12/2020)
  • Nghiên cứu phát triển kỹ thuật đo liều bức xạ nơtron (23/12/2020)
  • Nghiên cứu công nghệ sản xuất bột nấm men giầu kẽm hữu cơ làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng (23/12/2020)
  • Hoàn thiện công nghệ trồng trọt, sản xuất cao định chuẩn và sản xuất chế phẩm từ cây Dây thìa canh (Gymnema sylvestre (Retz.) R.Br. ex Schult) hỗ trợ điều trị đái tháo đường (23/12/2020)
  • Sản xuất thử nghiệm xúc xích lên men khô và bán khô bằng công nghệ vi sinh (23/12/2020)
  • Ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và công nghệ sản xuất giống hiện đại phát triển giống lúa chất lượng cao tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang (23/12/2020)
  • Sàng lọc phân tử các bacteriocin có tiềm năng kháng ung thư từ khu hệ vi sinh vật người bằng cách tiếp cận tin sinh học và sinh học phân tử (23/12/2020)
  • Hệ thống sấy hồng ngoại (23/12/2020)