Tin KHCN trong nước
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm - “chìa khóa” tạo dựng niềm tin (23/10/2023)
-   +   A-   A+   In  
Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã giúp cuộc sống người dân được nâng cao hơn. Như việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc (TXNG) cho sản phẩm, hàng hóa đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc giúp người dân biết rõ mình đang sử dụng hàng hóa có xuất xứ ở đâu, thuộc đơn vị nào. Mặt khác, cũng giúp các doanh nghiệp sản xuất minh bạch trong các khâu xử lý sản phẩm của mình, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.

TXNG hiện đang là vấn đề quan tâm chung của toàn xã hội. Các cấp, ngành, các tổ chức quốc tế, các quốc gia đã xác định vai trò, vị trí quan trọng của TXNG đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đây được gọi là “giấy thông hành” cho hàng hóa của Việt Nam nói chung và hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa nói riêng trong công cuộc xâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới. Công tác áp dụng và quản lý TXNG đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của các ngành, các cấp chính quyền, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Vì vậy, ngày 7/4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định 1221/QĐ-UBND về TXNG hàng hóa phục vụ hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về TXNG cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng.

Theo khảo sát sơ bộ của Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện đã có 456 cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng tem TXNG. Trong đó có 252/456 (chiếm 55,26%) là cơ sở có các sản phẩm OCOP của tỉnh với 346 sản phẩm OCOP được dán tem QR Code hoặc đã có mã số, mã vạch. Chủ yếu là thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, trang trí, đồ uống, thảo dược... Nhiều chủ thể của sản phẩm OCOP còn được các cơ quan quản lý như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, UBND huyện/thị/xã... hỗ trợ một phần kinh phí để áp dụng tem TXNG cho sản phẩm. Các đơn vị tư vấn, cung cấp giải pháp TXNG cũng hướng dẫn tận tình, giúp các chủ thể xây dựng thành thạo quy trình TXNG. Từ đó, việc ứng dụng dán tem QR Code để TXNG đã giúp cho nhiều sản phẩm OCOP có chỗ đứng và sự uy tín nhất định trên thị trường xuất khẩu.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Hợp, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Thanh Hóa (Sở Khoa học và Công nghệ), chia sẻ: Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc TXNG mang lại vô vàn lợi ích. Trước hết, việc sản phẩm được dán tem TXNG sẽ giúp các đơn vị kinh doanh minh bạch hóa được thông tin lẫn quá trình sản xuất, cũng như nâng tầm cho sản phẩm lẫn vị trí doanh nghiệp của mình trên thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Mặt khác, việc TXNG còn tạo dựng được niềm tin và giúp người tiêu dùng nắm rõ được nguồn gốc xuất xứ cũng như tính an toàn của sản phẩm khi sử dụng. Ngoài ra, đối với công tác quản lý Nhà nước, việc các sản phẩm được dán tem TXNG sẽ dễ dàng quản lý hơn nhiều so với các sản phẩm chưa được TXNG. Thay bằng việc trước đây mỗi khi cần tìm lại thông tin sản phẩm bằng cách tìm thủ công thì nay đơn vị quản lý chỉ cần check mã vạch sẽ có đầy đủ thông tin từ hộ sản xuất đến nơi sản xuất. Chính nhờ lợi ích của TXNG sản phẩm mà nhiều đơn vị kinh doanh đã tăng trưởng bình quân trên 15%, có những đơn vị tăng trưởng gấp đôi doanh số.

Theo khảo sát sơ bộ của Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện đã có 456 cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng tem TXNG. Trong đó có 252/456 (chiếm 55,26%) là cơ sở có các sản phẩm OCOP của tỉnh với 346 sản phẩm OCOP được dán tem QR Code hoặc đã có mã số, mã vạch. Chủ yếu là thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, trang trí, đồ uống, thảo dược...

Tuy nhiên, tem QR Code hay tem mã số, mã vạch trên các sản phẩm trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ có thể truy xuất một số thông tin về chủ thể sản xuất và thông tin sản phẩm như: Công dụng sản phẩm, giá sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, bảo quản... chứ chưa thực sự phải là tem TXNG đúng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 về TXNG - yêu cầu chung đối với hệ thống TXNG. Nguyên nhân các thông tin hầu như do các đơn vị sản xuất, kinh doanh tự kê khai, thông tin chủ yếu về khâu nuôi trồng, sản xuất, trong khi các thông tin khác của cả chuỗi cung ứng không có. Phần lớn các tem này chỉ dừng lại ở mức độ sử dụng mã QR mã hóa dẫn liên kết tới website chứa thông tin sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp; nhiều trường hợp mã truy xuất bị nhòe, mờ, kích thước, vị trí đặt không phù hợp, gây khó khăn hoặc không quét được. Ngoài ra, các sản phẩm nông - lâm - thủy sản của các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn nhỏ lẻ, chủ yếu là thực phẩm tươi sống ít được bao gói, ghi nhãn dẫn đến khó khăn trong TXNG và giám sát an toàn thực phẩm. Trình độ của nông dân sản xuất không đồng đều, chưa làm chủ công nghệ thông tin hiện đại, thiếu trang thiết bị quản lý, triển khai. Bên cạnh đó còn ngại việc ứng dụng công nghệ TXNG phải ghi chép nhật ký điện tử nên chưa thật sự được quan tâm nhiều.

Vì vậy, để TXNG được trở nên bài bản và phổ biến hơn, thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về lợi ích, tầm quan trọng của TXNG thông qua các hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn và trang thông tin điện tử, các phương tiện truyền thông trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, bố trí nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh triển khai, áp dụng và quản lý TXNG; hỗ trợ triển khai thí điểm áp dụng hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa để rút kinh nghiệm cũng như hoàn thiện quy trình thực hiện và nhân rộng hoạt động TXNG. Đồng thời, tích cực xây dựng danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm; ưu tiên triển khai TXNG dựa trên nghiên cứu khảo sát nhu cầu của thị trường, ưu tiên thị trường xuất khẩu và yêu cầu về vệ sinh, an toàn.

Nguồn: Baothanhhoa.vn

Số lượt đọc: 4225

Về trang trước Về đầu trang