Tin KHCN trong nước
Cần khắc phục những khoảng trống trong pháp luật về tài nguyên nước và môi trường biển, hải đảo (23/06/2023)
-   +   A-   A+   In  

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Quan tâm đến dự án luật quan trọng này, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng pháp luật về tài nguyên nước và pháp luật về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo chứa đựng nhiều khoảng trống nhưng lại có sự chồng lấn.

Trình Quốc hội dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được xây dựng trên quan điểm: Thể chế hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Tài nguyên nước phải là cốt lõi trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực có khai thác sử dụng nước, hoạch định chiến lược phát triển đất nước; Các quy định của Luật phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật chuyên ngành liên quan và phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

Dự án luật này cũng kế thừa các quy định của Luật 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp; Thiết lập hệ thống hành lang pháp lý cho quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định liên quan đến quản lý nguồn nước, khai thác, sử dụng, cấp nước trong Luật Tài nguyên nước; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước; Đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước;

Luật được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn; luật hóa các quy định đã được thực tiễn khẳng định phù hợp; Phát triển kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu; bảo đảm công bằng trong tiếp cận nguồn nước; Tiếp cận theo xu thế của quốc tế có tính đến đặc thù của Việt Nam; sửa đổi Luật theo hướng quy định tích hợp các nội dung liên quan đến tài nguyên nước; đồng thời, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành quản lý theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được quy định tại các luật có liên quan đến tài nguyên nước như: thủy lợi, thủy điện, cấp nước, giao thông thủy...

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, dự thảo Luật đã được xây dựng dựa trên việc tổng kết thi hành luật, kế thừa các quy định của Luật Tài nguyên nước hiện hành và đánh giá, rà soát kết quả thực thi các luật có liên quan. Do đó, về cơ bản các quy định của dự thảo Luật đảm bảo tính khả thi. Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định để tối ưu hóa việc khai thác, sử dụng nguồn nước, làm rõ thêm nội hàm một số quy định trong dự thảo Luật như quy định về xây dựng kịch bản nguồn nước (khoản 3 Điều 36), làm rõ căn cứ xây dựng, việc áp dụng kịch bản nguồn nước trong quản lý tài nguyên nước; quy định tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hỗ trợ chính quyền địa phương triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục tình trạng thiếu nước trên địa bàn (khoản 3 Điều 37); quy định về vận hành hồ chứa nước theo thời gian thực và trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng, vận hành hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định điều tiết, vận hành liên hồ chứa và hoạt động của Tổ chức lưu vực sông (khoản 4 Điều 39); quy định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho mục đích nông nghiệp (khoản 2 Điều 83); quy định về hồ chứa và khai thác sử dụng nước hồ chứa, đập dâng (khoản 1, 3 và 7 Điều 53), xác định thời điểm cho áp dụng quy định này và năng lực thực tế của hồ chứa để bảo đảm an toàn phòng lũ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Ngoài ra, trong dự thảo Luật còn 20 nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết trên tổng số 83 Điều. Vì vậy, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để cụ thể hóa bằng các quy định chi tiết trong dự thảo Luật. Làm rõ thêm thủ tục hành chính về thẩm định việc điều chỉnh, bổ sung công trình khai thác, sử dụng nước vào quy hoạch do các Bộ, cơ quan ngang bộ lập (khoản 4 Điều 22)… để bảo đảm tính khả thi.

Quan tâm đến dự án luật này, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN cho rằng, pháp luật về tài nguyên nước và pháp luật về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo chứa đựng nhiều khoảng trống nhưng lại có sự chồng lấn.

Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, khác với Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Tài nguyên, Môi trường biển, Hải đảo tích hợp cả tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trong vùng biển và hải đảo. Luật này xác định đối tượng điều chỉnh là quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam. Luật Tài nguyên, môi trường biển và Hải đảo có những quy định viện dẫn pháp luật khá khoa học, phù hợp với kỹ thuật lập pháp. Luật này quy định rằng các hoạt động bảo vệ môi trường, quản lý, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo thực hiện theo quy định của các luật có liên quan và bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật này.

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN 

Tuy nhiên, GS.TS Lê Hồng Hạnh cũng cho rằng, điều này cũng chưa loại trừ được xung đột giữa Luật tài nguyên, môi trường biển, hải đảo với các luật liên quan, cụ thể là Luật bảo vệ môi trường 2020, Luật Tài nguyên nước năm 2012. Các chính sách, các quy định pháp luật điều chỉnh việc tổ chức quản lý tài nguyên, môi trường biển chứa đựng sự phân tán trùng lặp cũng như một số xung đột. Một thự trạng rất dễ nhận thấy là việc quản lý các đảo, thực thể nổi không có người ở chắc chắn không thể giống những đảo, thực thể nổi không có người ở xét ở khía cạnh bảo vệ môi trường. Tài nguyên nước có bao gồm nước biển, pháp luật về tài nguyên  nước, pháp luật bảo vệ môi trường, pháp luật tài nguyên, môi trường biển, hải đảo sẽ xử lý như thế nào các vấn đề liên quan đến nguồn nước này, đặc biệt ở khía cạnh bảo vệ môi trường. Sự kiện nhấn chìm xỉ than của nhà máy điện Vĩnh Tân trong vùng biển Khánh Hòa làm bộc lộ một số vấn đề về phạm vi điều chỉnh của các luật có liên quan.

Quy hoạch phủ quy hoạch là điều cũng dễ nhận thấy trong lĩnh vực pháp luật bảo vệ môi trường, pháp luật tài nguyên nước và pháp luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, hệ thống cơ sở dữ liệu về biển, hải đảo là những nội dung rất quan trọng đối với quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tuy nhiên, để xây dựng và thực hiện những quy hoạch như vậy, nhất là quy hoạch sử dụng nước biển như là một tài nguyên thì quy hoạch tổng thể bảo vệ môi trường vẫn tạo ra điểm nghẽn cho quy hoạch tài nguyên, môi trường biển, hải đảo. Sự thiếu thống nhất trong các quy định pháp luật về giao khu vực biển gắn với cho thuê đất có mặt nước ven biển giữa các luật liên quan vẫn đang tạo ra khó khăn cho quản lý nước biển như là một tài nguyên. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 còn thiếu chế tài xử lý vi phạm trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Do sự phân tán, tách rời tài nguyên nước, môi trường nước nên các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước hay bảo vệ môi trường rất khó để áp dụng đối với các vấn đề phát sinh từ quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Thực tiễn thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển, hải đảo hiện đang gặp một số khó khăn liên quan chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Những khó khăn này tồn tại không chỉ do những mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo mà còn mâu thuẫn với Luật đất đai 2013, ví dụ như hoạt động lấn biển, khai thác đất đá ven bờ để bán hoặc xây dựng các đảo. Hoạt động này vừa là đối tượng của điều chỉnh của Luật bảo vệ môi trường 2020, Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

 

Nguồn: quochoi.vn

Số lượt đọc: 1227

Về trang trước Về đầu trang