Kim cương là vật liệu cứng nhất thế giới hiện nay. Ảnh: PA
Một nhóm nhà khoa học quốc tế đứng đầu là các nhà nghiên cứu ở Trung tâm khoa học điều kiện cực hạn tại Đại học Edinburgh tạo ra đột phá mới khi tổng hợp tiền chất carbon và nitrogen nhằm tạo ra carbon nitride, hợp chất cứng hơn cubic boron nitride, hiện nay là vật liệu cứng thứ hai trên thế giới chỉ sau kim cương. Họ công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Advanced Materials, New Atlas hôm 14/12 đưa tin. Theo nhà nghiên cứu Dominique Laniel ở Đại học Edinburgh, loại vật liệu này cung cấp động lực mạnh mẽ để lấp đầy khoảng cách giữa tổng hợp vật liệu áp suất cao và ứng dụng công nghiệp.
Dù giới khoa học nhận thấy tiềm năng của carbon nitride từ thập niên 1980, bao gồm khả năng chịu nhiệt cao, việc tạo ra chúng là một câu chuyện khác. Trên thực tế, tính đến nay chưa có nghiên cứu đáng tin cậy nào về tổng hợp carbon nitride được công bố.
Nhóm nghiên cứu bao gồm nhiều chuyên gia vật liệu từ Đại học Bayreuth, Đức, và Đại học Linköping, Thụy Điển, đạt được thành tựu khi để các dạng khác nhau của tiền chất carbon nitrogen chịu áp suất 70 - 135 gigapascal (gấp khoảng một triệu lần áp suất khí quyển), đồng thời nung nóng chúng tới hơn 1.500 độ C. Sau đó, họ kiểm tra sắp xếp nguyên tử thông qua chùm tia X ở Cơ sở nghiên cứu Synchrotron châu Âu tại Pháp, Deutsches Elektronen - Synchrotron tại Đức và Advanced Photon Source tại Mỹ.
Kết quả phân tích hé lộ ba hợp chất carbon nitride tổng hợp có cấu trúc cần thiết đối với vật liệu siêu cứng. Các nhà nghiên cứu rất bất ngờ khi phát hiện bộ ba hợp chất vẫn giữ được đặc tính siêu cứng khi nguội dần và trở lại áp suất xung quanh. Nhóm nghiên cứu cho rằng đột phá này sẽ mở đường cho nhiều ứng dụng, bao gồm lớp phủ bảo vệ phương tiện và tàu vũ trụ, công cụ cắt hiệu quả và cảm biến quang.
Ngoài độ cứng, những hợp chất carbon nitride gần như không thể phá hủy này cũng có khả năng phát quang, áp điện và mật độ năng lượng cao, có thể lưu trữ lượng lớn năng lượng trong khối lượng nhỏ.