Tin KHCN trong nước
Việt Nam có tiềm năng nội địa hóa công nghệ năng lượng tái tạo (14/12/2023)
-   +   A-   A+   In  

Theo chuyên gia, ba mảng có tiềm năng điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và điện mặt trời, trong giai đoạn 2025-2050 có thể đạt tới 160 tỷ USD.


Thông tin được bà Vũ Chi Mai, Giám đốc Dự án Năng lượng sạch, chi phí hợp lý và an ninh năng lượng cho các nước Đông Nam Á (CASE) nêu tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2023 (lần thứ VI) do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Công thương, Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu CHLB Đức, tổ chức chiều 14/12.

Dẫn nghiên cứu từ CASE, bà Mai cho biết Việt Nam có tiềm năng thúc đẩy thị trường nội địa hóa, tỷ lệ sẽ tăng từ 45% lên gần 80% đối với điện mặt trời, từ 37% lên 55% đối với điện gió, vào năm 2050. Giá trị nội địa hóa có thể đạt tới 80 tỷ USD, chiếm 50% tổng tiềm năng thị trường.

Song điện gió trên bờ hiện Việt Nam không có nhà máy sản xuất nacelle, hub và cánh quạt, chưa sản xuất được cáp ngầm biển. Các nhà cung cấp cáp hiện tại có thể mở rộng nhà máy để cung cấp cáp ngầm cho điện gió ngoài khơi nhưng đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà cung cấp khác ở châu Á.

Về điện mặt trời, tấm quang điện đạt gần 55% tổng suất đầu tư dự án, song tỷ lệ nội địa còn hạn chế. Hiện mới có 8 nhà máy sản xuất với tổng công suất ước tính khoảng 10-20 GW/năm, chủ yếu xuất khẩu.

Bà Vũ Chi Mai chia sẻ tại diễn đàn chiều 14/12. Ảnh: Minh Đức

Phát biểu tại diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng nhìn nhận tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng và tham gia của doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời còn thấp. Theo thống kê, dự án năng lượng tái tạo vẫn nhập khẩu 90% thiết bị.

Bà cho hay việc chậm nội địa hóa do thiếu năng lực đánh giá, cơ sở hạ tầng bên cạnh năng lực công nghệ, trình độ sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, cơ chế chính sách hỗ trợ công nghiệp cho điện tái tạo còn thiếu. Do đó bà Lan mong muốn diễn đàn sẽ hướng xây dựng hoàn thiện chính sách công nghệ năng lượng, thúc đẩy hợp tác và tăng cường chuyển giao công nghệ có hàm lượng tri thức cao.

Bà Trần Thị Hồng Lan phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Minh Đức

Chia sẻ kinh nghiệm từ Indonesia, ông Fabby Tuwina, Giám đốc điều hành Viện Cải cách Dịch vụ thiết yếu Indonesia (IESR) cho biết tại quốc gia này, điện mặt trời tăng trưởng theo cấp số nhân. Tính đến cuối năm 2023, công suất điện mặt trời của Indonesia dự kiến đạt khoảng 0,8 đến 1 GWp. Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tới năm 2030 và năm 2050, các nghiên cứu chỉ ra công suất điện mặt trời cần phải tăng trưởng 4,4-15,3 GWp đến 2030 và từ 12,3-69,2 GWp trong giai đoạn 2030 - 2050. Do đó, Indonesia đã đặt mục tiêu nội địa hóa trong phát triển pin mặt trời đạt 40% đến năm 2030.

Ông nhấn mạnh nội địa hóa trong phát triển điện mặt trời giúp tạo việc làm xanh và giảm nhập khẩu từ nước ngoài. Ngành điện mặt trời có thể tạo ra 1.300 việc làm trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo trên mỗi gigawatt công suất điện tạo ra. Bên cạnh nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, các mục tiêu thúc đẩy hàm lượng nội địa hóa nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng và thực hiện mục tiêu năng lượng tái tạo theo chính sách năng lượng quốc gia.

Dù tiềm năng thị trường điện mặt trời rất lớn, ước tính vốn đầu tư hàng năm đạt 2-7 tỷ USD đến năm 2030, đại diện IESR cho biết có những thách thức đáng kể. Điện mặt trời mái nhà hạn chế công suất lắp đặt chỉ dưới 15% làm thu hẹp thị trường của tấm quang năng trong nước. Các sản phẩm sản xuất trong nước chỉ có 5% được đưa ra thị trường.

Từ bài học kinh nghiệm của Indonesia, ông gợi ý cần xây dựng lộ trình cụ thể nhằm cung cấp đủ tín hiệu thị trường để phát triển ngành công nghiệp sản xuất tấm quang năng. Tiếp theo cần sự hỗ trợ của ngành công nghiệp hạ nguồn cung cấp nguyên liệu thô để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm cuối cùng.

Chia sẻ về định hướng phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng, Bộ Công thương, cho biết theo Quy hoạch Điện VIII xác định hình thành các chuỗi từ sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị, phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ.

Phân tích về khả năng nội địa hóa với dự án điện gió ngoài khơi, ông Hưng cho biết tỷ lệ này gần 40% cho hạng mục gồm quản lý dự án, cung cấp phần móng, đường dây truyền tải, trạm biến áp trên bờ và ngoài khơi, cảng xây dựng và vận hành bảo trì. Ông đề xuất cần có quy hoạch rõ chiến lược và hoàn thiện minh bạch thủ tục, giá bán điện hấp dẫn, tập trung nghiên cứu, phát triển lĩnh vực ưu tiên trong chuỗi cung ứng thiết bị và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển giao ứng dụng và phát triển công nghệ điện gió, điện mặt trời, như doanh nghiệp lợi thế nên tối ưu hóa từng công đoạn, tạo giá thành đầu tư thấp để có giá điện tốt. Bên cạnh đó các doanh nghiệp có thể đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu công nghệ phù hợp.

Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thường niên từ năm 2017. Diễn đàn có sự tham gia của hàng trăm đại biểu, thảo luận chính sách nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng cùng giải pháp thúc đẩy nội địa hóa công nghệ trong phát triển năng lượng điện gió, mặt trời.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 4828

Về trang trước Về đầu trang