Tin KHCN trong nước
Kéo dài thời gian bảo quản nông sản từ vỏ tôm (13/12/2023)
-   +   A-   A+   In  

Từ những vỏ tôm tưởng như bỏ đi, nhóm sinh viên Trường ĐH Văn Lang đã nghiên cứu, phát triển thành chế phẩm giúp bảo quản các loại rau củ quả, trái cây được lâu ngày hơn.

Ngày 13-12, Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ TPHCM (Cesti) phối hợp với Trường Đại học Văn Lang tổ chức sự kiện giới thiệu Quy trình sản xuất chế phẩm Chitosan từ vỏ tôm ứng dụng trong bảo quản nông sản sau thu hoạch, kéo dài thời gian lưu trữ sản phẩm.

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, để làm ra được sản phẩm, phải qua rất nhiều công đoạn, như: phơi khô vỏ tôm, rửa sạch, khử khuẩn vỏ, nghiền thành bột rồi pha chế với các nguyên liệu khác để tạo thành chế phẩm Chitosan.

TS Vũ Thị Quyền cho biết kết quả nghiên cứu này đem lại nhiều tiềm năng cho ngành chế biến nông sản tại Việt Nam

Theo TS Vũ Thị Quyền, Trưởng ngành công nghệ sinh học, khoa Công nghệ ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang, trong những năm gần đây, các chế phẩm sinh học sử dụng trong bảo quản rau quả được nhiều người tiêu dùng quan tâm bởi tính năng an toàn cho nông sản thực phẩm và sức khoẻ con người. Kết quả nghiên cứu này kỳ vọng sẽ đem lại nhiều tiềm năng cho ngành chế biến nông sản tại Việt Nam. Trong năm 2022, có khoảng 30% - 35% lượng rau quả bị tổn thất sau thu hoạch, đây là những yếu tố bất lợi lớn cho người nông dân cũng như thị trường rau quả của Việt Nam.

Hiện nay, chế phẩm sinh học Chitosan có thể ứng dụng rộng rãi trong bảo quản các loại rau quả nhiệt đới và giúp kéo dài tuổi thọ rau quả gấp 2-3 lần so với phương pháp bảo quản thông thường. Cụ thể, nhóm đã thử nghiệm trên một số loại rau củ quả tại Việt Nam như: xoài và thanh long sau khi ngâm qua dung dịch Chitosan từ vỏ tôm có thể bảo quản đến 30 ngày. Các loại rau củ quả khác có thể bảo quản từ 15-45 ngày mà không làm biến đổi chất dinh dưỡng.

“Chế phẩm sinh học Chitosan từ vỏ tôm được chứng minh có hiệu quả trong việc bảo quản rau quả khi kết hợp với túi GreenMAP và bảo quản ở nhiệt độ 10oC. Khi ngâm sản phẩm qua dung dịch ngoài việc sát khuẩn, chế phẩm còn tạo ra một màng bọc sinh học bên ngoài rau củ quả, hạn chế việc thoát hơi nước, giúp việc bảo quản lâu hơn. Ngoài ra, sản phẩm còn tạo thành vòng tròn tái chế sinh học, khi pha với nước để ngâm trái cây và sau đó có thể dùng nước này để bón cho cây trồng”, TS Vũ Thị Quyền chia sẻ.

Theo thống kê của Tổng cục thuỷ hải sản, tại Việt Nam, sản lượng tôm sẽ luôn gia tăng theo từng năm, dự báo đến năm 2045, sản lượng này sẽ tăng gấp đôi. Trung bình 1 tấn tôm thành phẩm sẽ thải ra khoảng 0,75 tấn chất thải. Với lượng chất thải lớn sẽ gây tác động lớn đến môi trường, nếu tận dụng nguồn thải này để tạo ra sản phẩm hữu ích thì có thể giúp người dân chủ động nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập phát triển ngành nông nghiệp đồng thời giải quyết vấn đề xử lý phụ phẩm vỏ tôm, mang lại nguồn lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Nguồn: sggp.org.vn

Số lượt đọc: 5500

Về trang trước Về đầu trang