Tin KHCN trong nước
Thiết bị thu mẫu khối lượng bụi ManPMS (11/12/2023)
-   +   A-   A+   In  

Thông qua việc thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, chế tạo và tích hợp thiết bị thu mẫu khối lượng bụi (PM10, PM2.5) trong môi trường không khí ngoài trời”, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo thành công thiết bị thu mẫu khối lượng bụi chuyên dùng phục vụ quan trắc và giám sát môi trường ManPMS.

Vấn nạn ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí từ lâu đã trở thành vấn đề bức xúc ở nước ta, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Việc quan trắc, theo dõi thường xuyên mật độ các loại khí gây ô nhiễm, bụi PM2.5, PM10... đã trở thành yêu cầu hết sức cấp thiết. Việc quan trắc thường xuyên mật độ bụi PM2.5 hay PM10, nồng độ các chất khí gây ô nhiễm ở nước ta hiện nay được thực hiện bởi mạng lưới các trạm quan trắc tự động, liên tục và mạng lưới quan trắc thủ công, định kỳ.

Hiện nay, Việt Nam có 320 thiết bị quan trắc bụi PM10, PM2.5 tự động, liên tục và 1.200 điểm quan trắc bụi (PM10, PM2.5) với các nguyên lý và kỹ thuật lấy mẫu khác nhau phục vụ quản lý nhà nước về môi trường. Tuy nhiên, hầu hết các thiết bị quan trắc bụi điển hình đều cồng kềnh, nặng và đắt tiền. Việc nhập khẩu thiết bị thu mẫu bụi rất khó khăn, tốn kém nhiều chi phí và không chủ động được về thời gian.

Trong những năm gần đây, một số tỉnh/thành phố đã được tăng cường đầu tư trạm quan trắc tự động cố định, đáp ứng yêu cầu về đánh giá chất lượng không khí và những cơ sở dữ liệu này cũng được sử dụng để báo cáo diễn biến chất lượng không khí hàng ngày để đưa vào bản tin dự báo thời tiết. Song, hiện nay các trạm quan trắc tự động cố định được đầu tư còn khá khiêm tốn (đặc biệt là khu vực Hà Nội), do đó còn hạn chế trong việc đánh giá chất lượng không khí theo các khu vực cụ thể (mang tính chất vi mô) cho thành phố Hà Nội và các thành phố khác trên phạm vi cả nước, để có những cảnh báo chi tiết và thường xuyên hơn cho người dân.

Làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị thu mẫu khối lượng bụi

Trước nhu cầu ngày càng tăng đối với vấn đề chất lượng không khí và đáp ứng yêu cầu về việc phát triển các thiết bị thu mẫu bụi trong không khí xung quanh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao đã đề xuất và được Viện Hàn lâm KHCNVN phê duyệt thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, chế tạo và tích hợp thiết bị thu mẫu khối lượng bụi (PM10, PM2.5) trong môi trường không khí ngoài trời”.

TS Dương Thành Nam và thiết bị thu mẫu khối lượng bụi.

Nhằm nội địa hoá sản phẩm, giảm thiểu chi phí sản xuất và vận chuyển, TS Dương Thành Nam và các cộng sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao đã lựa chọn nghiên cứu chế tạo thiết bị thu mẫu bụi, vừa giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn và yêu cầu cụ thể của thị trường trong nước. Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao đã làm chủ được công nghệ chế tạo ManPMS - thiết bị thu mẫu tham chiếu trọng lượng theo tiêu chuẩn của EPA 40-CFR Part 50 và nội địa hoá đến 80% trong thiết kế, chế tạo phần cứng, tích hợp hệ thống và phần mềm điều khiển như: tự chế tạo thành công đầu thu mẫu bụi PM10, bộ tách hạt PM2,5, thiết bị đo chênh áp điều khiển lưu lượng... Đặc biệt, phần mềm tích hợp và giao diện người dùng của hệ thống được thiết kế đơn giản, dễ đọc và thân thiện với người sử dụng.  

Kết quả đánh giá thử nghiệm đặc tính đo lường của thiết bị ManPMS phù hợp với điều kiện thực tiễn và tiêu chuẩn quy định của các cơ quan có thẩm quyền. Thiết bị có thể được ứng dụng trong hoạt động giám sát chất lượng không khí tại các đô thị và khu công nghiệp, thu thập dữ liệu, mẫu vật cho nghiên cứu về chất lượng không khí và tác động của các đối tượng ô nhiễm đến sức khỏe và môi trường. Đặc biệt, thiết bị có thể sử dụng để đo lường hiệu quả của các biện pháp kiểm soát ô nhiễm bụi từ phương tiện giao thông, hoạt động sản xuất công nghiệp.

Nguồn: vjst.vn

Số lượt đọc: 5873

Về trang trước Về đầu trang