Tin KHCN nước ngoài
Insulin có thể là “chìa khóa” liên quan giữa béo phì và chứng mất trí nhớ (05/12/2023)
-   +   A-   A+   In  

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson đã chỉ ra một cơ chế liên quan giữa béo phì với các bệnh thoái hóa thần kinh. Nghiên cứu chi tiết trên ruồi giấm cho thấy tình trạng kháng insulin do chế độ ăn uống gây ra có thể làm suy giảm khả năng loại bỏ các mảnh vụn tế bào thần kinh của não bộ, gây phát triển các bệnh như Alzheimer.

Mối liên quan giữa béo phì và chứng mất trí nhớ hiện hoàn toàn chưa rõ ràng. Một số nghiên cứu dịch tễ học quy mô lớn trong những năm gần đây cho các kết quả không nhất quán và đáng thất vọng. Một nghiên cứu lớn kéo dài 40 năm ở gần 20.000 nam giới báo cáo có một mối liên hệ chặt chẽ giữa trọng lượng cơ thể “nặng” hơn và nguy cơ tử vong do chứng mất trí nhớ. Tuy nhiên, một nghiên cứu quan trọng khác xem xét dữ liệu trong 20 năm của gần hai triệu người đã đưa ra một kết luận khác, cho thấy tình trạng thiếu cân ở tuổi trung niên có liên quan đến tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ ở tuổi già.

Những phát hiện trái ngược nhau này là bí ẩn về việc béo phì góp phần trực tiếp như thế nào vào quá trình thoái hóa thần kinh. Một số quan điểm cho rằng béo phì có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến chứng mất trí nhớ mà thay vào đó những ảnh hưởng thứ cấp của lối sống gây thừa cân (chế độ ăn uống kém, thiếu tập thể dục, v.v...) mới là những tác động tiêu cực đến sức khỏe não bộ.

Để hiểu rõ hơn về việc béo phì có thể gây ra tình trạng thoái hóa thần kinh như thế nào, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu một loại ruồi giấm nhỏ có tên là Drosophilia. Nhà nghiên cứu Akhila Rajan cho biết trên New Atlas rằng, những con ruồi giấm này cung cấp cho các nhà khoa học một giải pháp hữu ích có thể mô hình hóa tác động sinh lý của việc tăng cân ở người.

Rajan cho biết: “Ruồi tiêu thụ đường từ trái cây. Khi tăng lượng đường trong chế độ ăn tiêu chuẩn phòng thí nghiệm của chúng lên, chúng bị tăng 'cân nặng' (tăng lượng chất béo dự trữ). Đồng thời, khi cho ruồi ăn chế độ ăn nhiều đường, ruồi có dấu hiệu bị thay đổi sinh lý đáng chú ý và bị tác động như bệnh tiểu đường tuýp 2 ở người, bao gồm cả tình trạng kháng insulin. Do đó, ruồi được cho ăn chế độ ăn nhiều đường đóng vai trò là mô hình tuyệt vời để hiểu xem điều gì đang xảy ra ở người".

Ruồi giấm cũng chứa các tế bào miễn dịch não có độ nhạy insulin tương tự như những gì chúng ta thấy trong não người. Vì vậy, cho chúng ăn chế độ ăn nhiều đường giúp cho các nhà nghiên cứu có thể hiểu rõ hơn về tác động của chế độ ăn và insulin lên các tế bào não quan trọng.

Giả thuyết chính trong nghiên cứu mới này xoay quanh một quá trình gọi là thực bào. Đây là một cơ chế tế bào thiết yếu để loại bỏ cả mầm bệnh và các hạt chết hoặc rối loạn chức năng. Người ta thường tin rằng ở người, hầu hết các bệnh liên quan đến chứng mất trí nhớ phần nào là do não ngày càng mất khả năng loại bỏ các protein độc hại trong não. Ví dụ, bệnh Alzheimer được đặc trưng bởi sự gia tăng các cụm protein amyloid gây tổn hại mà trong một bộ não khỏe mạnh thường sẽ bị loại bỏ bởi các tế bào miễn dịch gọi là microglia.

Câu hỏi lớn được khám phá trong nghiên cứu mới này là liệu chế độ ăn nhiều đường có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng loại bỏ các mảnh vụn thần kinh độc hại này của não hay không. Và bằng cách sử dụng mô hình ruồi giấm, Rajan và đồng tác giả nghiên cứu Mroj Alassaf đã chứng minh một cách khéo léo rằng điều này chắc chắn đúng. Nghiên cứu đã chứng minh chế độ ăn nhiều đường làm suy yếu khả năng loại bỏ các mảnh vụn thần kinh của tế bào thần kinh đệm của ruồi. Và mặc dù đây là nghiên cứu chỉ thực hiện với ruồi giấm nhưng Rajan cũng tin tưởng rằng cơ chế này có thể áp dụng được cho người.

Nếu tình trạng thoái hóa thần kinh do “tăng cân” này cũng tương tự như ở người thì sẽ có những lựa chọn điều trị nào trong tương lai? liệu chúng ta có thể phát triển các phương pháp điều trị tốt hơn cho các bệnh mất trí nhớ không? Ngoài việc kiến nghị mọi người giảm cân và có chế độ ăn uống tốt hơn, khả năng chỉ đơn giản là tăng mức insulin lưu thông?

Một thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 2 gần đây đã xem xét việc thử nghiệm một loại thuốc xịt insulin qua mũi được thiết kế để đưa hormone trực tiếp lên não. Ý tưởng là cải thiện sức khỏe nhận thức bằng cách cải thiện tín hiệu insulin trong não và các kết quả ban đầu khá hứa hẹn.

Tuy nhiên, Rajan không chắc chắn liệu việc tăng mức insulin trực tiếp có giúp cải thiện sức khỏe não bộ hay không, ít nhất là về mặt phục hồi quá trình thực bào. Cô ấy gợi ý rằng nghiên cứu của cô ấy đã cho thấy mức độ insulin lưu hành tăng về mặt di truyền đã dẫn đến các loại rối loạn chức năng thần kinh đệm khác. Vì vậy, giải pháp cần xem xét kỹ càng hơn về chuỗi tín hiệu insulin.

Metformin - một chất ức chế AMPK nổi tiếng - nổi tiếng là loại thuốc để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 và có khả năng độc đáo là có thể vượt qua hàng rào máu não. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu hiện tại đưa ra một bức tranh phức tạp về việc điều trị bằng metformin có lợi hay gây hại cho sức khỏe và khả năng sống sót của tế bào thần kinh sẽ diễn ra như nào. Đáng chú ý, những tác động này dường như thay đổi tùy theo các yếu tố như liều lượng và thời gian điều trị", Rajan nói.

Chắc chắn có những nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng metformin và tỷ lệ suy giảm nhận thức có cải thiện. Tuy nhiên, cách thức hoạt động của nó vẫn chưa rõ ràng và metformin khó có thể là giải pháp cụ thể để ngăn ngừa chứng mất trí nhớ.

Nghiên cứu mới được công bố trên PLOS Biology.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 2854

Về trang trước Về đầu trang