Tin KHCN trong nước
Làm chủ công nghệ sơn chống cháy (07/12/2023)
-   +   A-   A+   In  

Sắt thép được xem như bộ xương sống chống đỡ của một tòa nhà. Khi đám cháy bùng phát, nhiệt độ tăng nhanh đến mức làm mất sự ổn định ở cấu trúc thép, dẫn đến nguy cơ sụp đổ. Đối với các tòa nhà công cộng, việc đảm bảo người trong tòa nhà có đủ thời gian để thoát hiểm trong trường hợp hỏa hoạn là cực kỳ quan trọng. Do đó, việc lựa chọn lớp sơn chống cháy chất lượng cao là vô cùng quan trọng và chỉ thực sự hiệu quả khi xảy ra hỏa hoạn.

Ảnh lớp sơn phồng nở có chứa khoáng talc và cấu trúc lỗ trống lớp than hóa

Trong hệ sơn chống cháy, quá trình cấu trúc thép bị đốt nóng diễn ra chậm hơn. Sơn chống cháy tạo ra một lớp cách nhiệt trên bề mặt thép bằng cách tạo bọt khi nhiệt độ tăng cao. Lớp bọt cách nhiệt này giúp cấu trúc thép duy trì ổn định trong khoảng 30 - 120 phút, phụ thuộc vào hệ thống sơn. Với vật liệu thép, khả năng chịu nhiệt trung bình từ 350 - 750o C tùy thuộc vào tải trọng. Đối với các cấu trúc nặng như mái và số tầng trong tòa nhà, tải trọng càng lớn. Do đó, lựa chọn hệ sơn chống cháy phải phù hợp với tải trọng của cấu trúc. Các tòa nhà có nhiều tầng và tải trọng lớn cần sơn chống cháy ổn định cao.

Theo TS. Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Nghiên cứu vật liệu polymer và composit tại Viện Khoa học Vật liệu, sơn chống cháy bảo vệ kết cấu thép là một đề tài nghiên cứu được thực hiện từ năm 2013 khi sơn chống cháy mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, nghiên cứu tập trung vào ứng dụng của khoáng sản trong nước như sericite và talc trong sơn chống cháy dựa trên nhựa epoxy. Các sản phẩm từ khoáng sericite và talc đã thể hiện tiềm năng ứng dụng cao trong sơn chống cháy do đặc tính bảo vệ và độ bền nhiệt cao.

Kể từ năm 2018, Phòng nghiên cứu vật liệu polymer và composite đã phát triển công thức sơn chống cháy chứa các phụ gia biến tính và chuyển giao sản phẩm này cho các doanh nghiệp sản xuất sơn chống cháy trong nước. Sản phẩm này đã chứng minh sự khác biệt về tính chất và giá thành so với các sản phẩm trên thị trường, giúp doanh nghiệp tạo uy tín trong ngành sản xuất sơn chống cháy.

Vào đầu năm 2021, khi yêu cầu kiểm định sản phẩm sơn chống cháy thay đổi theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/11/2020, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, Phòng nghiên cứu vật liệu polymer và composite tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm các hệ sản phẩm sơn chống cháy mới theo tiêu chuẩn ISO 834-10:2014 và BS EN 13381-8:2013. Các nghiên cứu tập trung vào vai trò của khoáng talc và chất kết dính, với những kết quả nổi bật về khả năng cách nhiệt của sản phẩm.

Nhờ vào sự thành công của quá trình thử nghiệm tại Viện chuyên ngành kết cấu công trình xây dựng, Viện Khoa học và Công nghệ xây dựng, sản phẩm sơn chống cháy đã đạt được chứng nhận từ Cục cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vào ngày 31/3/2023. Sản phẩm này đã giúp hàng nghìn dự án xây dựng công trình và nhà xưởng kết cấu thép trong nước đáp ứng được các yêu cầu an toàn phòng cháy.

Thành công này cũng mang lại doanh thu lớn cho Viện Khoa học vật liệu, chỉ tính riêng trong năm 2023, doanh thu từ sản phẩm sơn chống cháy đã đạt trên 17 tỷ đồng. Điều này chứng minh vai trò quan trọng của nghiên cứu ứng dụng và tiềm năng của các sản phẩm khoa học trong việc đáp ứng các yêu cầu và quy định mới, đồng thời đem lại giá trị cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 2872

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Bộ KH&CN giải đáp cho doanh nghiệp về hiệu lực Giấy chứng nhận hợp quy (22/10/2018)
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong thu hồi protein từ nước rửa trong quá trình sản xuất surimi, chả cá tại các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)