Nghiên cứu - Ứng dụng KH&CN
Xây dựng mô hình sản xuất bơ VietGAP ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý chậm chín trên cây và kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (01/12/2023)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 01/12/2023, Sở KH&CN tổ chức họp Hội đồng tư vấn tuyển chọn thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất bơ VietGAP ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý chậm chín trên cây và kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”. Tham dự họp có ông Trần Duy Tâm Thanh - Phó Giám đốc Sở KH&CN - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp cùng các thành viên Hội đồng và phòng chuyên môn thuộc Sở. 

Mục tiêu chung của đề tài là nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế trái bơ, góp phần phát triển bền vững cây bơ hướng đến canh tác hữu cơ theo chủ trương phát triển nền nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch của tỉnh.

 

Nội dung của đề tài là khảo sát và phân tích hiện trạng canh tác, thu hoạch, bảo quản và tình hình tiêu thụ bơ trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm Oligochitosan-Zn2+ xử lý bơ trước thu hoạch và chế phẩm Oligochitosan-CaCl2-I2 bảo quản bơ sau thu hoạch, quy mô 200 lít/mẻ. Hoàn thiện quy trình canh tác bơ VietGAP sử dụng chế phẩm sinh học nano SiO2 sinh học, Oligochitosan-Zn2+,… kéo dài thời gian thu hoạch bơ trên vườn. Xây dựng quy trình xử lý Oligochitosan-CaCl2-I2,... kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch bơ. Xây dựng mô hình sản xuất bơ VietGAP kết hợp xử lý chậm chín kéo dài thời gian thu hoạch và bảo quản bơ. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản và tiêu thụ bơ. Tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất bơ.

 

TS. Trần Thế Lâm - Chủ nhiệm đề tài trình bày tại cuộc họp

 

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây bơ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2019 là 55 ha đến năm 2021 tổng diện tích bơ của tỉnh là 1.368 ha, diện tích cho thu hoạch là 298,3 ha; năng suất 12 tấn/ha, tổng sản lượng 3.579,6 tấn. Số liệu thống kê cho thấy diện tích cây bơ của tỉnh trong những năm gần đây tăng lên nhanh chóng, tập trung chủ yếu tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Phú Mỹ, Đất Đỏ,... cây bơ được trồng thuần hoặc trồng xen với các cây ăn quả khác như nhãn, sầu riêng, mít,... Các giống bơ đặc sản của Bà Rịa - Vũng Tàu bao gồm Thái Dương, bơ Không tên và QM01. Các giống bơ này phát triển tốt, cho thu nhập cao.

 

Tuy nhiên, trong quá trình canh tác, cây bơ thường bị nhiều loài sâu, bệnh và tuyến trùng gây hại tấn công làm giảm năng suất và chất lượng. Hơn nữa quả bơ là loại quả hô hấp bộc phát, có thời gian bảo quản rất ngắn, chỉ được vài ngày sau khi thu hoạch, tỷ lệ quả bơ bị hư hỏng sau thu hoạch cũng rất cao. Hiện nay, vẫn chưa có quy trình canh tác cây bơ trước thu hoạch phù hợp cho từng địa phương cũng như quy trình bảo quản sau thu hoạch cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Vì vậy, song song với việc mở rộng diện tích thì việc xây dựng một quy trình canh tác cây bơ theo tiêu chuẩn VietGAP hướng hữu cơ thì cần phải tiến hành thử nghiệm ứng dụng các chế phẩm sinh học trong việc làm chậm chín kéo dài thời gian quả bơ trên cây và bảo quản bơ sau thu hoạch ở Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm nâng cao giá trị của quả bơ, tăng hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương, phát triển vùng sản xuất bơ bền vững của tỉnh.

 

Tại cuộc họp, sau khi nghe chủ nhiệm đề tài trình bày, các thành viên Hội đồng đã tiến hành đánh giá, góp ý bản thuyết minh theo từng tiêu chí về nội dung nghiên cứu, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu; năng lực chuyên môn của tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ và tiến hành bỏ phiếu đánh giá. Hội đồng khoa học và công nghệ đã nhất trí chọn Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam là cơ quan chủ trì thực hiện đề tài, TS. Trần Thế Lâm là chủ nhiệm đề tài. Tuy nhiên cần chỉnh sửa, hoàn thiện thuyết minh theo góp ý của các thành viên Hội đồng.

 

Nguồn: Tuệ Minh

Số lượt đọc: 608

Về trang trước Về đầu trang